Lãi tỷ USD từ tiền ảo, nhà đầu tư đứng trước nhiều cạm bẫy

Nhà đầu tư Việt đứng trong top đầu các quốc gia kiếm lời nhiều nhất từ thị trường tiền số. Tuy vậy, số tiền mà nhà đầu tư bị lừa đảo liên quan đến tiền số cũng lên tới hàng trăm triệu USD. Việc luật hóa tài sản số được kỳ vọng sẽ ngăn chặn bớt tình trạng này.
Đứng thứ 7 trên thế giới trong năm 2024, Việt Nam là nơi có cộng đồng đầu tư mạnh nhất vào tiền số, tiền ảo, với 17 triệu nhà đầu tư sở hữu tài sản mã hóa. Ảnh: S.T Đứng thứ 7 trên thế giới trong năm 2024, Việt Nam là nơi có cộng đồng đầu tư mạnh nhất vào tiền số, tiền ảo, với 17 triệu nhà đầu tư sở hữu tài sản mã hóa. Ảnh: S.T

Người Việt lãi tỷ USD từ tiền ảo

Ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho rằng, chúng ta đang ở “kỷ nguyên token hóa tài sản”. Theo dự báo, đến năm 2030, giá trị các loại tài sản truyền thống được mã hóa sẽ đạt 16.000 tỷ USD, chiếm 10% GDP toàn cầu (hiện mới chỉ chiếm 0,6%). Việt Nam không thể đứng ngoài xu hướng này.

Riêng với tiền mã hóa, Việt Nam là nơi có cộng đồng đầu tư mạnh mẽ nhất, với 17 triệu nhà đầu tư sở hữu tài sản mã hóa (năm 2024), đứng thứ 7 toàn cầu.

Trong giai đoạn 2023-2024, dòng vốn từ thị trường blockchain chảy vào Việt Nam luôn đạt trên 105 tỷ USD. Theo thống kê của Chainalysis (công ty phân tích blockchain của Mỹ), trong năm 2023, nhà đầu tư Việt Nam đã kiếm lời gần 1,2 tỷ USD từ Bitcoin và các loại crypto khác, đứng thứ 3 thế giới, chỉ sau Mỹ và Anh. Chưa có số liệu thống kê năm 2024, song con số chắc chắn tăng rất nhiều nhờ sự bùng nổ của thị trường tiền số (năm 2024, giá bitcoin tăng 130%).

Còn nhớ, tại sự kiện Bitcoin Pizza Day năm 2010 (ngày 22/4/2010), mức giá được đưa ra trao đổi là 10.000 bitcoin đổi lấy 2 pizza (41 USD). Thế nhưng, đến đầu tuần này, bitcoin được giao dịch quanh mức 94.000 USD/BTC, tuy đã giảm so với mốc 108.000 USD/BTC ngày 17/12/2024, song vẫn đứng ở vùng giá kỷ lục.

Mặc dù 11 quỹ ETF bitcoin mới ra mắt đầu tháng 1/2024, song kết thúc năm 2024, giá trị vốn hóa 11 quỹ này đã đạt tới 139 tỷ USD, vượt mặt giá trị vốn hóa các quỹ ETF về vàng (125,7 tỷ USD).

Dù nhà đầu tư Việt nằm trong top quốc gia kiếm lời nhiều nhất từ tiền số, song thực tế cũng cho thấy, nhà đầu tư Việt nằm trong danh sách các quốc gia “sập bẫy” nhiều nhất về tiền ảo. Riêng đường dây lừa đảo tiền ảo, chứng khoán quốc tế của Mr.Pip đã lên tới hơn 200 triệu USD.

Theo chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh, Giám đốc đầu tư Maybank Investment Bank, đa phần tiền ảo đang được giao dịch tại các sàn ngoại hối có trụ sở ở nước ngoài và không có đại diện tại Việt Nam. Hiện pháp luật Việt Nam chưa công nhận tài sản số, do đó, nếu xảy ra rủi ro thì nhà đầu tư hoàn toàn phải chịu trách nhiệm.

“Nguy cơ bị lừa đảo khi tham gia thị trường tiền ảo là rất lớn. Nhà đầu tư không chỉ phải đối mặt với các tội phạm lừa đảo quốc tế, mà có thể bị ‘giăng bẫy’ bởi chính những người quen, bởi tính ẩn danh của tiền ảo”, ông Khánh cảnh báo.

Luật hóa tài sản số để hạn chế lừa đảo

Việt Nam đề ra mục tiêu đến năm 2030 trở thành quốc gia thuộc nhóm dẫn đầu khu vực và có vị thế quốc tế trong ngành blockchain. Theo các chuyên gia, việc luật hóa tài sản số sẽ là một trong những tiền đề để Việt Nam đạt mục tiêu này.

Mặc dù nằm trong nhóm quốc gia dẫn đầu về số lượng nhà đầu tư sở hữu tiền mã hóa, song hiện chính sách về tài sản số của Việt Nam lại chưa rõ ràng. Các chuyên gia cho rằng, luật hóa tài sản số sẽ thúc đẩy ngành blockchain phát triển, thúc đẩy nguồn lực mới của kinh tế đất nước, cũng như mang lại nhiều cơ hội hơn cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, luật hóa tài sản số cũng sẽ giúp ngăn chặn tốt hơn tình trạng lừa đảo liên quan đến lĩnh vực này.

Theo thống kê của Chainalysis, trong năm 2023, nhà đầu tư Việt Nam đã kiếm lời gần 1,2 tỷ USD từ Bitcoin và các loại crypto khác, đứng thứ 3 thế giới, chỉ sau Mỹ và Anh.

Theo ông Phan Đức Trung, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã tiếp nhận được thông tin về vụ lừa đảo quy mô đến gần 100 triệu USD, nhưng đến nay các đối tượng lừa đảo vẫn nhởn nhơ vì vỏ bọc mà các đối tượng này sử dụng đều là các công ty nằm ở các quốc đảo xa xôi, tận dụng “vùng xám chính sách” của Việt Nam.

Ông Trung mong muốn, Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số sẽ được Quốc hội thông qua vào quý II/2025, tạo hành lang pháp lý bảo vệ người tiêu dùng, làm cơ sở xử lý tranh chấp cũng như đưa dòng chảy tiền ngầm vào nền kinh tế, tránh thất thu thuế.

Ngoài việc luật hóa tài sản số, các chuyên gia cũng kỳ vọng việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM và Đà Nẵng tới đây có thể sẽ có cơ chế cởi mở hơn với ứng dụng blockchain, giúp khơi thông nguồn lực.

Theo dự báo của các chuyên gia, năm 2025, thị trường tiền số sẽ tiếp tục diễn biến tích cực nhờ sự ủng hộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Bên cạnh đó, ý tưởng lập kho dự trữ chiến lược về bitcoin cũng ngày càng xuất hiện nhiều hơn ở các quốc gia.

Hiện nay, các nhà đầu tư tổ chức đang nắm giữ hơn 30% bitcoin toàn cầu. Có ý kiến cho rằng, thị trường bitcoin sẽ dễ bị thao túng nếu như ngày càng nhiều nhà đầu tư tổ chức tham gia cuộc chơi tiền ảo. Dù vậy, ông Phan Đức Trung cho rằng, từ trước đến nay, thị trường bitcoin luôn bị điều chỉnh bởi các nhà đầu tư phi tổ chức, chứ không phải nhà đầu tư tổ chức. Nếu các nước lập kho dự trữ chiến lược về bitcoin, giá bitcoin sẽ ổn định hơn.

Thùy Liên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục