HAH vừa công bố nghị quyết thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh nửa đầu năm nay và phê duyệt kế hoạch đầu tư phát triển đội tàu của công ty giai đoạn 2021-2024.
Cụ thể, nửa đầu năm, tổng doanh thu đạt và lãi sau thuế của doanh nghiệp này đạt 840 tỷ đồng và 149,1 tỷ đồng; hoàn thành lần lượt 50,5% và 94,5% kế hoạch năm.
Ngoài ra, Hội đồng quản trị Vận tải và xếp dỡ Hải An đã thông qua kế hoạch đặt đóng mới 1-2 tàu container 1.800 TEU loại “SDARI Bangkok Max IV” với chiều dài tối đa 172m, chiều rộng 28,4m và chiều cao tới boong chính là 14,5m.
Khả năng xếp container khoảng 1.781 TEU (trong hầm là 654 TEU, trên boong là 1.127 TEU).
Khả năng xếp container với trọng tải bình quân 14MT/TEU là 1.360 TEU, RE plugs là 258 pcs.Công suất khai thác liên tục là 10.030 kW x 93,8 vòng/phút, đạt tốc độ 18,5 hải lý/giờ.3 máy đèn loại Yanmar có công suất 1.100 kW và 1 máy phát khi có sự cố Cumin.
Đồng thời, doanh nghiệp này sẽ tìm kiếm và đầu tư, mua 2 tàu cũ loại 1.000- 1.500 TEU để sử dụng cho các tuyến ngắn Hải Phòng/ Hong Kong- Nam Trung Quốc và miền Trung/Cái Mép- HCM.
Nguồn vốn đầu tư sẽ được huy động từ vốn vay và các nguồn khác hoặc công ty sẽ trình Đại hội đồng cổ đông để huy động thêm vốn thông qua phát hành thêm cổ phần.
Kết quả kinh doanh nửa đầu năm nay của Vận tải và xếp dỡ Hải An. |
Trong Nghị quyết lần này, Vận tải và xếp dỡ Hải An còn thông qua việc bổ nhiệm 2 Phó tổng giám đốc từ ngày 8/9/2021 với ông Vũ Doãn Hạnh, sinh năm 1975 và ông Phạm Quang Khánh, sinh năm 1981.
Vận tải và Xếp dỡ Hải An là chủ sở hữu của cảng container Hải An tại Hải Phòng. Các hoạt động kinh doanh chính của công ty bao gồm khai thác cảng, vận tải, và depot, hoạt động kho bãi.
Vận tải là mảng kinh doanh lớn nhất của Hải An (chiếm 52,7% lợi nhuận gộp năm 2020), tiếp theo là khai thác cảng (36,9%) và các mảng khác (10,4%).
Trong Báo cáo của Công ty cổ phần Chứng Khoán Bản Việt, Vận tải và Xếp dỡ Hải An đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế cho cả năm nay là 158 tỷ đồng là khá thận trọng.
Bởi kết quả lãi sau thuế trong nửa đầu năm đã gần đạt kế hoạch cả năm và chưa kể đến triển vọng tích cực của ngành logistics trong năm nay.
Việc đầu tư thêm tàu HA View vào tháng 7/2020, tàu HA East và HA West vào cuối tháng 4/2021 đã giúp doanh nghiệp này tăng sản lượng đội tàu hơn 60%.
Sản lượng đội tàu tăng dẫn tới sản lượng hoạt động khai thác cảng và depot cũng tăng. Giá cước vận tải đường biển tăng so với cùng kỳ năm ngoái là yếu tố dẫn đến lãi sau thuế nửa đầu năm nay của Vận tải và Xếp dỡ Hải An tăng mạnh.
Ban lãnh đạo công ty cho biết, dự án Depot Pan Hải An cũng dự kiến sẽ hòa vốn trong năm 2021.
Theo The Maritime Executive, đơn hàng đóng tàu container mới trong 8 tháng đầu năm nay đã đạt mức kỷ lục trong 13 năm qua.
Các chủ tàu rủng rỉnh tiền mặt đổ xô đặt hàng đóng tàu container mới khi chỉ còn bốn tháng là hết năm.
Theo dữ liệu được Công hội hàng hải quốc tế và vùng Baltic (BIMCO) công bố, kỷ lục đơn đặt hàng tàu container hàng năm (tính theo tổng sức chở) vừa bị lượng đặt hàng năm 2021 phá vỡ, dù năm 2021 mới đi được 2/3 chặng đường.
Tính đến cuối tháng 8/2021, có tổng cộng 619 tàu container được chủ tàu đặt hàng để nhận về trong tương lai.
Trong số này, có đến 381 tàu với tổng sức chở 3,44 triệu TEU đã được đặt hàng chỉ trong năm 2021, chưa bao giờ lượng sức chở 3,44 triệu TEU đã được đặt hàng trong một khoảng thời gian ngắn như vậy.
“Hiện nay, tổng sức chở của toàn bộ đơn đặt hàng đóng tàu container là 5,3 triệu TEU, dự kiến các tàu này sẽ được bổ sung vào đội tàu thế giới kể từ năm 2023 trở đi. Mới ở thời điểm cuối năm 2020, công suất vận chuyển tổng đơn đặt hàng chỉ ở mức 2,5 triệu TEU, nhưng kể từ đầu năm 2021 đến nay, con số này đã được bổ sung thêm hơn 3 triệu TEU nữa”, ông Peter Sand, Trưởng Bộ phận phân tích về vận tải biển của BIMCO nói.
Trong khi đó, theo Maritime Insight, đơn hàng đóng tàu container mới của các công ty đóng tàu Hàn Quốc đã đạt mức cao nhất trong 13 năm năm qua và chiếm 44% đơn đặt hàng trên toàn thế giới.