Doanh thu và lợi nhuận đều tăng
Theo kết quả kinh doanh quý I/2020, Imexpharm đạt doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 303,7 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2019. Công ty đạt lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh là 51,3 tỷ đồng, tăng 15,1% và lợi nhuận sau thuế 41,1 tỷ đồng, tăng 13,2% so với quý I/2019.
Trong văn bản giải trình, ông Nguyễn Quốc Định, Phó tổng giám đốc Imexpharm cho biết, trong quý I/2020, Công ty đã cơ cấu danh mục sản phẩm bán ra, tập trung vào các sản phẩm chủ lực có giá trị và lợi nhuận biên cao. Tỷ trọng của hàng Imexpharm trong tổng doanh thu thuần tăng, nên lợi nhuận gộp tăng 17,7 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ tăng 11,1% so với quý I/2019.
Ngoài ra, ông Định cho biết, Công ty đang tiếp tục mở rộng thị trường, kết thúc các chương trình bán hàng và đây cũng là nguyên nhân làm cho doanh thu thuần quý I/2020 tăng 30,5 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2019, Imexpharm cũng có các chỉ số tăng trưởng khá đồng đều. Cụ thể, doanh thu và thu nhập khác đạt 1.420,7 tỷ đồng, tăng 17,5%; lợi nhuận trước thuế và trích quỹ phát triển khoa học công nghệ 222,4 tỷ đồng, tăng 15,4% so với năm 2018.
Inmexpharm có vốn điều lệ 494,2 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 1.600 tỷ đồng, tổng tài sản 1.817 tỷ đồng. Tài sản ngắn hạn của Công ty tại thời điểm ngày 31/3/2020 có giá trị 747,2 tỷ đồng, trong đó riêng các khoản phải thu ngắn hạn là 300,9 tỷ đồng. Tài sản dài hạn là 1.069,8 tỷ đồng, trong đó tài sản dở dang dài hạn có giá trị lớn nhất trong nhóm tài sản dài hạn với 502,1 tỷ đồng, tiếp đó là tài sản cố định với 472 tỷ đồng.
Chưa thể ung dung
Dù đã có bước khởi đầu năm 2020 thuận lợi, cũng là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết yếu ít bị ảnh hưởng bởi Covid-19, nhưng Inmexpharm chưa thể ung dung bởi nhiều yếu tố cả bên trong lẫn bên ngoài.
Để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng, HĐQT Imexpharm cho biết, sẽ tiếp tục hoàn thiện các hoạt động quản trị công ty áp dụng các thông lệ và thực hành tiên tiến, cải tiến theo các thẻ điểm quản trị công ty Việt Nam và ASEAN. Theo đó, HĐQT sẽ thành lập các tiểu ban, trong đó có Tiểu ban Kiểm toán để hỗ trợ và kiểm soát hiệu quả hoạt động của HĐQT.
Theo kế hoạch kinh doanh năm 2020, Imexpharm đặt mục tiêu doanh thu và thu nhập khác 1.750 tỷ đồng, tăng 23,2%; lợi nhuận trước thuế và quỹ phát triển khoa học công nghệ đạt 260 tỷ đồng, tăng 16,9%. Đây mới là dự thảo chưa được Đại hội đồng cổ đông thông qua, nhưng HĐQT Imexpharm đánh giá, kế hoạch này là khá thách thức do bối cảnh trung bình ngành đến năm 2022 dự kiến chỉ là 10%.
Cơ sở để Imexpharm nuôi tham vọng nằm ở các nhà máy tiêu chuẩn EU-GMP đã hoàn thiện đầu tư. Nhà máy Công nghệ cao Bình Dương (IMP4) đã được xét duyệt tiêu chuẩn WHO-GMP từ tháng 9/2019 và chuẩn bị được xét duyệt tiêu chuẩn EU-GMP (dự kiến quý II/2020). Tuy nhiên, tiến độ nhà máy bị chậm khoảng 1 quý so với cam kết do dịch bệnh và việc hạn chế di chuyển từ châu Âu sang Việt Nam để thực hiện công tác xét duyệt.
Ngoài vấn đề kinh doanh, một số chỉ số tài chính của Imexpharm vẫn còn điểm gợn đáng lưu tâm. Chẳng hạn, trong hoạt động thu nợ, các khoản phải thu ngắn hạn quý I/2020 tuy giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi lại tăng cao hơn so với quý I năm ngoái, với giá trị là 15,6 tỷ đồng.
Ngoài ra, dù là công ty ngành dược, nhưng Imexpharm cũng có chút phiêu lưu trong hoạt đầu tư vào chứng khoán kinh doanh. Giá trị tiền tìm may rủi trong chứng khoán kinh doanh tuy không quá lớn, chỉ gần 6,5 tỷ đồng tính theo giá đầu tư ban đầu, nhưng bị bốc hơi quá 40%, khi số trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh gần 2,8 tỷ đồng.