Lãi suất, tỷ giá: Thận trọng tác động bên ngoài

(ĐTCK) Diễn biến tỷ giá, lãi suất thời gian tới sẽ khó đoán định hơn bởi tác động từ thị trường quốc tế.
Ngân hàng Nhà nước vẫn đang sử dụng linh hoạt các công cụ chính sách để giữ ổn định lãi suất và tỷ giá

Nhiều ẩn số từ bên ngoài

Tại cuộc họp diễn ra vào giữa tuần qua, các quan chức Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã thông qua quyết định cắt giảm thêm 0,25%/năm lãi suất điều hành, đúng như kỳ vọng của giới quan sát. Như vậy, cơ quan này đã cắt giảm tổng cộng 1%/năm lãi suất trong năm nay.

Tuy vậy, theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trong thời gian tới, Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong thận trọng. Bên cạnh đó, chính sách thuế quan và mở rộng tài khoá mà chính quyền Tổng thống Trump dự kiến triển khai trong năm sau một mặt sẽ hỗ trợ tiêu dùng nội địa của Mỹ, mặt khác cũng tiềm ẩn rủi ro lạm phát gia tăng. Do đó, Fed có thể sẽ tiếp tục giảm lãi suất điều hành nhưng với tốc độ chậm hơn so với các ngân hàng trung ương khác. Lãi suất của Fed vào cuối năm 2025, theo dự báo của VDSC, sẽ ở mức 3,65 - 3,8%/năm, giảm 110 điểm cơ bản so với hiện tại.

Trong khi đó, theo Ngân hàng UOB Việt Nam, năm 2025, rủi ro lớn nhất nền kinh tế Việt Nam có thể gặp phải tiếp tục là các diễn biến địa chính trị khó lường trên thế giới; trong đó, trọng tâm có thể nằm ở các chính sách thương mại và can thiệp xung đột toàn cầu từ chính quyền mới tại Mỹ.

“Không chỉ Việt Nam có thể bị ảnh hưởng lớn từ những thay đổi toàn cầu này, mà hầu như toàn bộ các nền kinh tế đang phát triển đều đang tìm mọi cách để vượt qua các khó khăn đó. Chính quyền mới tại Mỹ, nền kinh tế lớn mạnh nhất thế giới với đồng USD là đồng tiền chính trong thương mại và đầu tư toàn cầu, đã phát tín hiệu mạnh mẽ về các biện pháp bảo hộ thương mại thông qua việc tăng thuế nhập khẩu, trục xuất lao động nhập cư bất hợp pháp, giảm thuế nội địa… Các biện pháp này nhìn chung có thể tạo áp lực lạm phát cao hơn tại Mỹ, từ đó, chu kỳ cắt giảm lãi suất USD có thể sẽ chậm lại so với những gì thị trường kỳ vọng, tạo áp lực lên mặt bằng lãi suất tất cả các đồng tiền khác cũng như tỷ giá USD so với các đồng tiền khác”, ông Đinh Đức Quang, Giám đốc Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam phân tích.

Cũng theo ông Quang, hành động sắp tới của các bên liên quan nhằm giải quyết bất ổn địa chính trị tại Ukraine, Trung Đông (các bên sẽ đồng ý đối thoại để chấm dứt xung đột để tập trung phát triển kinh tế, hợp tác; hay xung đột có thể lan rộng thêm, trầm trọng thêm) sẽ là yếu tố then chốt trong việc thúc đẩy nhà đầu tư đến các thị trường đang phát triển, hay tiếp tục co cụm nắm giữ các tài sản an toàn (như USD, vàng).

Trên cơ sở nhận định trên, chuyên gia UOB Việt Nam cho rằng, thị trường sẽ có những biến động tỷ giá và lãi suất lớn hơn, khó đoán định hơn. Hiện UOB tiếp tục giữ nguyên dự báo về các đợt cắt giảm lãi suất tổng cộng 1%/năm trong năm 2025 của Fed, đưa lãi suất USD xuống quanh mức 3,5%/năm vào cuối năm 2025. Dự báo này là cơ sở thuận lợi cho Ngân hàng Nhà nước tiếp tục ổn định lãi suất VND và tỷ giá USD/VND như hiện nay. UOB tạm thời đưa ra dự báo tỷ giá USD/VND ở mức 25.400 - 26.200 USD/VND (biến động trong biên độ 3%) trong năm 2025 cho đến khi Ngân hàng có cơ sở vững chắc hơn về các diễn biến toàn cầu thời gian tới.

Trong báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam vừa đưa ra, Ngân hàng Standard Chartered dự báo, USD sẽ suy yếu trong thời gian đầu năm 2025 và tăng mạnh vào nửa cuối năm 2025 khi các chính sách thuế quan và biện pháp tài khóa dưới nhiệm kỳ thứ 2 của Tổng thống Trump được làm rõ và triển khai. Việc cắt giảm lãi suất gần đây của Fed được kỳ vọng sẽ hỗ trợ các loại tiền tệ châu Á, bao gồm VND. Tuy nhiên, dữ liệu kinh tế Mỹ khả quan hơn dự kiến đã gia tăng áp lực cho thị trường ngoại hối châu Á. Những yếu tố như sự bất ổn trong chính sách thương mại và các biện pháp có thể gây lạm phát dưới thời Tổng thống Trump có thể làm giảm tính ổn định của chính sách tiền tệ trong khu vực.

Nhận định được TS. Lê Anh Tuấn, Giám đốc Khối Đầu tư Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital đưa ra, khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, lợi suất trái phiếu lập tức tăng mạnh và không gian cho chính sách tiền tệ nới lỏng của Việt Nam sẽ hẹp đi.

“Còn dư địa cho chính sách tiền tệ nới lỏng”

Mặt bằng lãi suất VND trong vài tháng qua vẫn ở mức ổn định, với mức lãi suất huy động từ các ngân hàng thương mại cho các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng là khoảng 4 - 4,5%/năm và 5 - 5,5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Theo quan điểm của UOB, đây là mức lãi suất phù hợp trong tổng thể lạm phát năm 2024 sẽ dưới 4% và lãi suất USD quốc tế quanh mức 4,5%/năm.

Mức lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng cho các kỳ hạn cũng đang được giao dịch quanh 4%/năm và có thể tăng cao hơn vào những tuần cuối năm và gần Tết Nguyên đán nhưng vẫn sẽ nằm trong quản lý, điều tiết từ cơ quan quản lý. UOB dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục giữ các mức lãi suất chính sách như hiện nay trong một chính sách tiền tệ trung hòa trong vài tháng đầu năm 2025.

Từ góc nhìn của ông Đinh Đức Quang, kể từ lần cắt giảm các mức lãi suất chính sách vào tháng 6/2023, Ngân hàng Nhà nước đã duy trì chính sách tiền tệ trung hòa nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, chứ chưa sử dụng chính sách tiền tệ nới lỏng, vốn có thể tạo ra áp lực lạm phát hoặc tăng trưởng tín dụng quá nóng, gây tác dụng tiêu cực trong tương lai. UOB nhận thấy từ các cấp lãnh đạo cao nhất đã thống nhất triển khai đồng loạt nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, mà không cần phải sử dụng đến việc nới lỏng tiền tệ. Các giải pháp này có thể kể đến là việc các cơ quan quản lý liên tục tập trung mở rộng quan hệ đối tác kinh tế, mở rộng thị trường thương mại toàn cầu, thực hiện giải pháp nhằm nâng hạng thị trường chứng khoán, thúc đẩy đầu tư công và gần đây nhất là cải cách thể chế theo hướng tinh gọn bộ máy quản lý nhà nước. Tất cả các giải pháp này, theo UOB, mang tính dài hạn, tạo ra dòng vốn đầu tư thật, mới, mạnh mẽ hơn vào Việt Nam, là cơ sở tiếp tục ổn định vĩ mô, tăng dự trữ ngoại hối, từ đó ổn định được lãi suất và tỷ giá.

Còn theo ông Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương, năm 2025, Fed sẽ phải tiếp tục cắt giảm lãi suất, bởi chính sách tài khoá của Mỹ đã đến giới hạn, muốn tăng trưởng sẽ phải tập trung vào chính sách tiền tệ. Nhờ đó, Việt Nam có dư địa để tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ.

Đánh giá về chính sách tiền tệ Việt Nam năm 2025, theo ông Tú Anh, sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng yếu tố đầu tiên là ảnh hưởng từ quốc tế, với xu hướng tiền tệ của Fed. Yếu tố quốc tế thứ hai tác động đến chính sách tiền tệ của Việt Nam là việc Trung Quốc đang đẩy mạnh đầu tư, kích cầu trong nước. Dòng đầu tư nước ngoài trong năm 2025 không chỉ từ những thị trường truyền thống, mà từ Trung Quốc và những nước lân cận có thể sẽ tăng mạnh, làm cho dòng tiền vào tốt hơn, kéo theo cung tiền ra tốt hơn.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright nhận định, trong bối cảnh khi nền kinh tế thế giới phục hồi không đồng đều và tiềm ẩn nhiều bất ổn, năm nay, Việt Nam đã thành công trong việc vận dụng linh hoạt chính sách tiền tệ để đạt được mục tiêu tăng trưởng và kiểm soát tốt lạm phát.

Theo ông Thành, Việt Nam đang có nhiều yếu tố thuận lợi để nới lỏng thêm chính sách tiền tệ. Mức giảm lãi suất của Fed được dự báo từ 1 - 1,25%/năm trong năm 2025. Sau khi Fed giảm lãi suất, các ngân hàng Trung ương châu Á cũng giảm theo, giúp áp lực tỷ giá không còn và tạo dư địa cho Việt Nam hạ lãi suất.

VDSC cũng kỳ vọng các ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất, tập trung nhiều hơn vào khía cạnh hỗ trợ tăng trưởng và việc làm. Thực tế, tháng 11/2024 đã ghi nhận làn sóng nới lỏng tiền tệ lan rộng tại các nền kinh tế phát triển, phản ánh lạm phát đang được kiểm soát. Đồng thời, xu hướng nới lỏng mạnh mẽ trong tháng qua cũng là tín hiệu rõ ràng hơn về sự thay đổi ưu tiên của các ngân hàng trung ương, từ kiểm soát lạm phát sang hỗ trợ tăng trưởng.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục