Kho bạc Nhà nước vừa công bố phát hành bổ sung thêm 30.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ (TPCP) trong năm 2014. Việc gia tăng nguồn cung này có gây khó cho thị trường trái phiếu, thưa ông?
Cho đến cuối tháng 11, Kho bạc Nhà nước đã phát hành khoảng 220.000 tỷ đồng TPCP và phần lớn khối lượng phát hành được mua bởi các ngân hàng thương mại (NHTM) do thanh khoản tiền VND dồi dào, trong khi tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng đầu năm khá chậm. Nhu cầu đầu tư vào TPCP khá lớn đã đẩy lãi suất TPCP giảm mạnh về mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua cho tất cả các kỳ hạn, nên nhiều nhà đầu tư trái phiếu cho rằng, lãi suất TPCP hiện đã ở mức đáy và có khả năng sẽ tăng lại trong thời gian tới.
Nhu cầu đầu tư vào TPCP của các NHTM sẽ tiếp tục tăng do một lượng lớn TPCP sẽ đáo hạn trong năm 2015 và nhìn chung dự báo cho 2015 cầu tín dụng vẫn ở mức thấp. Tôi cho rằng, việc phát hành TPCP sẽ không gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, các nhà đầu tư sẽ lựa chọn kỳ hạn trái phiếu phù hợp và lãi suất hợp lý với mức độ chịu đựng rủi ro của mình.
Từ đầu năm đến nay, các ngân hàng đã đổ khá nhiều vốn vào thị trường trái phiếu. Ở thời điểm cuối năm này, thường các ngân hàng sẽ dành vốn để đáp ứng nhu cầu tín dụng tăng, điều này, có khiến sức cầu trên thị trường suy giảm, nhất là trong bối cảnh nguồn cung phát hành tăng?
Tình hình tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm khá tích cực và dự kiến sẽ đạt được mục tiêu NHNN đã đề ra là tăng trưởng tín dụng khoảng 12% trong năm 2014. Mặc dù các ngân hàng đã đầu tư một lượng lớn trái phiếu từ đầu năm đến nay, nhưng thanh khoản của hệ thống hiện vẫn khá tốt do nguồn tiền gửi tiết kiệm khá dồi dào khi kênh đầu tư bất động sản và cổ phiếu vẫn còn nhiều rủi ro và chưa thật sự hấp dẫn.
Do đó, bên cạnh ưu tiên tăng trưởng tín dụng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp và nền kinh tế, các ngân hàng vẫn còn nhu cầu đầu tư vào trái phiếu. Tuy nhiên, do lãi suất trái phiếu hiện đang ở mức khá thấp, nên các ngân hàng và các nhà đầu tư trái phiếu có thể mong đợi mức lợi tức tốt hơn.
Theo ông, mức độ quan tâm và thực tế giải ngân của khối ngoại vào thị trường trái phiếu trong những tháng gần đây diễn biến theo xu hướng nào?
Từ giữa năm 2014 đến giờ không có nhiều luồng vốn từ nhà đầu tư nước ngoài đổ vào thị trường trái phiếu. Điều này không phải vì thị trường Việt Nam không còn sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài, mà do lãi suất TPCP Việt Nam giảm khá nhanh và mạnh trong năm nay, khoảng hơn 200 điểm cơ bản cho các kỳ hạn 1 - 5 năm, nên mức độ hấp dẫn cũng giảm bớt.
Bên cạnh đó, Fed đã phát ra tín hiệu sẽ chấm dứt gói nới lỏng định lượng và dự báo sẽ điều chỉnh lãi suất trong năm 2015, nên xu hướng chung là dòng vốn ngoại có thể rút bớt ra khỏi các thị trường đang phát triển hoặc chỉ chuyển đến những nơi có lợi tức đầu tư đủ hấp dẫn.
Ông nhìn nhận như thế nào về cơ hội đầu tư vào thị trường trái phiếu cuối năm nay cũng như đầu năm 2015?
Thị trường trái phiếu cho năm 2015 sẽ khó khăn hơn cho các nhà đầu tư trái phiếu so với năm 2014 do lãi suất TPCP đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua, khả năng là đã tạo đáy và có thể tăng dần trong thời gian tới. Do lãi suất các kỳ hạn ngắn quá thấp và không còn đủ hấp dẫn như trước, nên các nhà đầu tư TPCP đã thay đổi khẩu vị rủi ro của mình, chuyển sang đầu tư các kỳ hạn dài hơn như 10 năm và 15 năm, vốn là sân chơi của các công ty bảo hiểm trước đây.
Nhu cầu đầu tư trái phiếu kỳ hạn ngắn giảm, trong khi nhu cầu đối với kỳ hạn dài tăng đã làm cho đường cong lãi suất giảm dần độ dốc và có khuynh hướng phẳng nhiều hơn. Khả năng lãi suất TPCP giảm mạnh như năm 2014 sẽ không còn, mà sẽ có những biến động lên xuống theo từng thời điểm, từng kỳ hạn cụ thể, theo những thay đổi chính sách của cơ quan quản lý và các hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài. Rủi ro sẽ tăng lên trong khi lợi nhuận sẽ không còn tốt như trước. Do đó, các nhà đầu tư phải lựa chọn thời điểm ra vào thích hợp và chiến lược quản trị rủi ro hợp lý.