Lãi suất tiết kiệm tăng tiếp trong tháng 5

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm tiếp tục tăng lên trong những ngày đầu tháng 5/2022, nhất là khi tín dụng của ngành tăng cao trong 4 tháng đầu năm nay. Các ngân hàng chuẩn bị thanh khoản để đáp ứng cầu vốn dự báo tăng trong thời gian còn lại của năm 2022. 
Lãi suất tiết kiệm tăng tiếp trong tháng 5

Lãi suất tăng trước áp lực lạm phát

Các ngân hàng đã điều chỉnh lãi suất tiết kiệm với các mức tăng nhẹ lãi suất huy động 0,1 - 0,3%/năm.

SHB tăng mạnh lãi suất huy động thêm khoảng 0,2-0,4 điểm phần trăm tùy vào kỳ hạn. Cụ thể, tại kỳ hạn 36 tháng khi gửi tại quầy, lãi suất tăng 0,4 điểm phần trăm lên 6,5-6,6%/năm. Trong đó, số tiền gửi dưới 2 tỷ có lãi suất 6,5%/năm và từ 2 tỷ trở lên là 6,6%/năm.

Tại kỳ hạn 12 tháng, lãi suất huy động của SHB tăng từ 5,7-5,8%/năm lên 6,1-6,2%/năm. Đối với hình thức gửi online, lãi suất cũng tăng khá mạnh.

Hiện lãi suất cao nhất là 6,7%/năm khi gửi kỳ hạn từ 36 tháng, tăng 0,35%/năm so với trước. Tương tự, kỳ hạn 12 tháng tăng 0,3 điểm % lên 6,4%/năm...

ACB, MSB, VietCapitalBank hiện có mức lãi suất cao nhất từ 7-7,1%/năm. Nam A Bank cao nhất là 7,4%/năm và Techcombank dẫn đầu với lãi suất cao nhất là 7,8%/năm.

Nhưng để được hưởng mức lãi suất cao trên, khách hàng phải gửi tiết kiệm online và kỳ hạn từ 16 tháng trở lên.

Eximbank cũng cập nhật biểu lãi suất mới hôm 28/4 vừa qua. Ngân hàng vẫn giữ nguyên lãi suất tiền gửi tại quầy, cao nhất là 6%/năm khi gửi từ 15 tháng trở lên.

Trong khi đó, đối với hình thức gửi online, lãi suất cao nhất tăng lên 6,5%/năm, cao hơn khoảng 0,2 điểm % so với trước, áp dụng cho khách hàng gửi từ 15 tháng trở lên.

VietCapitalBank cũng cập nhật biểu lãi suất ngày 28/4. Hiện lãi suất huy động cao nhất tại nhà băng này là 7%/năm khi gửi kỳ hạn 24 tháng theo hình thức trực tuyến. Trong khi đó, với hình thức gửi tại quầy, lãi suất cao nhất là 6,8%/năm khi gửi từ 24 tháng trở lên.

Trước đó, VPBank từ ngày 15/4 đã tăng mạnh 0,3-0,6 điểm phần trăm so với trước. Lãi suất cao nhất tại nhà băng này hiện nay là 6,9%/năm, áp dụng cho khách hàng gửi tiết kiệm online từ 50 tỷ trở lên với kỳ hạn 36 tháng, tăng 0,2 điểm phần trăm so với trước.

Nhưng ABBank trở thành ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm mạnh nhất. Với giao dịch tại quầy, ngân hàng này tăng lãi thêm 0,4-0,5% một năm cho các kỳ 6, 9 và 12 tháng.

Trên kênh online, các kỳ gửi phổ biến đều được nâng lãi suất, riêng kỳ 9 tháng được điều chỉnh đến 0,7%. Tuy nhiên, nhà băng này vẫn nằm trong nhóm 10 đơn vị trả lãi suất tiết kiệm thấp nhất thị trường.

Lãi suất tiền đồng giao dịch giữa các ngân hàng trên thị trường liên ngân hàng cuối tháng 4 sụt giảm từ 0,5 - 0,7%/năm, nhưng tăng trở lại vào đầu tháng 5/2022.

Cụ thể, lãi suất liên ngân hàng đầu tháng 5/2022 lại tăng lên so với thời điểm cuối tháng 4 ở các kỳ hạn ngắn dưới 1 tháng từ 0,1 - 0,4%/năm. Cụ thể, lãi suất qua đêm lên 1,56%/năm, 1 tuần lên 1,95%/năm, 2 tuần lên 2,33%/năm.

Ngược lại, các kỳ hạn trên 1 tháng lại giảm nhẹ từ 0,1 - 0,3%/năm, theo đó kỳ hạn 1 tháng lên 2,6%/năm, 3 tháng lên 2,72%/năm, 6 tháng lên 3,94%/năm.

Đồng thời, doanh số giao dịch cũng tăng mạnh ở các kỳ hạn qua đêm 70.000 tỷ đồng, lên 225.011 tỷ đồng; 2 tuần tăng 6.000 tỷ đồng, lên 7.729 tỷ đồng.

VnDirect cho rằng, lãi suất huy động khó có thể duy trì ở mức thấp lịch sử do nhu cầu huy động vốn cao hơn khi tín dụng tăng tốc.

Đồng thời, áp lực lạm phát ở Việt Nam sẽ gia tăng trong năm nay và sự cạnh tranh gay gắt hơn với các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán để thu hút dòng vốn.

VnDirect kỳ vọng lãi suất huy động sẽ tăng nhẹ 0,3-0,5% năm nay. Trong đó, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại có thể tăng lên mức 5,9-6,1%/năm vào cuối năm 2022, vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch là 7% một năm.

Thậm chí, theo báo cáo kinh tế Việt Nam tháng 4/2022, MBKE cho rằng, NHNN sẽ thắt chặt tiền tệ thông qua tăng lãi suất 0,5% để duy trì tăng trưởng vừa phải, bất chấp rủi ro lạm phát tăng và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết liệt hơn.

Tuy nhiên mọi việc thắt chặt (nếu có) sẽ chỉ được thực hiện vào giai đoạn cuối năm 2022. Mức tăng 0,5% sẽ đưa lãi suất tái cấp vốn lên 4,5%, mức vẫn còn phù hợp theo các tiêu chuẩn lịch sử, khi so với tỷ lệ này trước khi xảy ra đại dịch cho đến tháng 2/2020 là 6%, MBKE nhận định.

Mới đây, Fed đã thông báo nâng lãi suất thêm 0,5%. Đây là lần đầu tiên Fed nâng lãi suất ở mức này. Lãi suất tham chiếu tại Mỹ hiện nằm trong khoảng 0,75% - 1%. Trước đó hồi tháng 3/2022, cơ quan này nâng lãi lần đầu kể từ cuối năm 2018, với 0,25%.

Các nhận định đưa ra từ giới phân tích tài chính, tuy trước mắt chưa có tác động nhiều lên mặt bằng lãi suất VND, nhưng khó có thể tránh được trong các quý cuối năm nếu Fed tiếp tục tăng lãi suất và cầu tín dụng trong nước tăng sẽ đẩy lãi suất tiết kiệm VND đi lên.

Dư nợ tín dụng nền kinh tế tăng

Theo số liệu công bố của NHNN tính đến ngày 25/4, tăng trưởng tín dụng đạt 6,75%, như vậy các nhà băng đã bơm ra thị trường khoảng 700.000 tỷ đồng trong vòng 4 tháng qua.

Riêng tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM trong 4 tháng đầu năm khá nhanh, khoảng 7% so với cuối năm 2021, đạt trên 3 triệu tỷ đồng.

Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng huy động của các ngân hàng chỉ khoảng 2,74%. Như vậy, chỉ mới 4 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng tín dụng đã cán một nửa kế hoạch đề ra cả năm khoảng 14%.

Riêng tại các ngân hàng, dư nợ tín dụng cũng tăng cao trong quý đầu năm nay khi nhu cầu huy động vốn của các ngân hàng những tháng gần đây tăng cao.

Cụ thể, tăng trưởng tín dụng của MB tăng gần 10% trong quý I/2022; ACB tăng 5,2%, trong khi huy động tăng 1,6%; Vietcombank tăng trưởng tín dụng 6,9%, huy động tăng 3,7%;

Tại VPBank tăng trưởng tín dụng 10,3% trong quý đầu năm nay, còn tăng trưởng huy động và các giấy tờ có giá tăng 11,5%...

Nhu cầu tín dụng tăng mạnh khiến một số nhà băng hiện nay đã chạm hoặc gần với tỷ lệ tín dụng được NHNN cấp nên khả năng sẽ phải xin thêm room tín dụng là rất cao.

BVSC cho rằng, MB sẽ được nới room tín dụng lên 30-35% nhờ tiếp nhận chuyển giao bắt buộc một TCTD...

Tín dụng tăng, ngân hàng đẩy mặt bằng lãi suất lên cao để huy động tiết kiệm, chuẩn bị tốt thanh khoản đáp ứng nhu cầu vốn cuối năm.

Nhưng điều này cũng khiến các doanh nghiệp đang lo ngại về xu hướng lãi suất tăng, bởi khi lãi suất huy động tăng thì lãi suất cho vay cũng sẽ tăng.

Trong khi đang gặp khó khăn về dòng tiền, giờ nếu tăng thêm chi phí lãi suất sẽ dẫn đến phải thu hẹp hoạt động, không thể mở rộng đầu tư, tăng sản xuất.

Chuyên gia kinh tế - ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, lãi suất huy động có khả năng sẽ tiếp tục tăng trong năm nay, do áp lực lạm phát và người dân vẫn muốn chuyển dịch kênh đầu tư.

Các ngân hàng vẫn phải tăng lãi suất huy động để thu hút dòng vốn tiền gửi từ dân cư và kể cả doanh nghiệp. Điều này cũng phần nào tạo áp lực lên lãi suất cho vay ra, nhưng mặt bằng lãi suất cho vay sẽ khó tăng mạnh sau dịch.

Trong khi đó, gói hỗ hộ trợ 2% vốn vay được Chính phủ ban hành từ đầu năm 2022 đến nay vẫn chưa đi vào thực tế. Còn doanh nghiệp đang cần nguồn vốn rẻ vẫn phải chờ đợi. Đây là một vòng luẩn quẩn cần được tháo gỡ kịp thời.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong xây dựng Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế- xã hội lần này Chính phủ cân nhắc đưa ra giải pháp để phấn đấu hệ thống các tổ chức tín dụng giảm lãi suất từ 0,5% - 1% trong 2 năm.

Ngày 6/5, NHNN - TP.HCM có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn giữ nguyên mức lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường và giữ ổn định giá cả.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN - TP.HCM cho hay, việc yêu cầu các ngân hàng tham gia Chương trình bình ổn thị trường năm 2022 - Tết Quý Mão 2023 trên địa bàn TP.HCM được NHNN thành phố xác định là một nhiệm vụ của ngành Ngân hàng thành phố và góp phần thực hiện hiệu quả chương trình phục hồi kinh tế thành phố năm 2022.

Theo NHNN thành phố, các doanh nghiệp tham gia chương trình này phần lớn là doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và phân phối hàng hóa thiết yếu, thuộc các lĩnh vực: Lương thực - thực phẩm, y tế, giáo dục phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng và đời sống của người dân thành phố.

Việc giữ ổn định lãi suất cho vay hoặc giảm lãi suất cho vay đối với các khách hàng này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp giữ ổn định chi phí sản xuất, ổn định giá thành và không làm tăng giá bán sản phẩm.

Trên cơ sở mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn trong nhiều năm qua, các ngân hàng xem xét giữ ổn định lãi suất, không tăng lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp này.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục