Lãi suất sẽ ổn định trong năm 2017

(ĐTCK) Mục đích ổn định thị trường tiền tệ, cũng như nỗ lực cắt giảm lãi suất đầu vào để giảm lãi suất cho vay của ngành ngân hàng dường như đang gặp thách thức nhất định, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất USD ngay trong kỳ họp tháng 3 này, từ đó gây áp lực lên tỷ giá VND/USD và khiến lãi suất tiền đồng khó giảm.
Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ nhằm ổn định mặt bằng lãi suất
Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ nhằm ổn định mặt bằng lãi suất

Lãi suất tiền gửi tiết kiệm trên thị trường hiện vẫn đang trong xu hướng nhích lên. Trong đó, lãi suất kỳ hạn tiền gửi từ 1 năm trở lên được một số ngân hàng niêm yết chạm mức 8%/năm. Ngoài ra, một số nhà băng còn phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất cạnh tranh cao nhất là 8%/năm.

Lãi suất liên ngân hàng cũng tăng mạnh do áp lực thanh khoản gần đây. CTCK Bảo Việt (BVSC) nhận định, lãi suất liên ngân hàng tăng trở lại với biên độ từ 0,82-1,28%/năm. Trong đó, lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm tăng 1,28%/năm, đạt mức 4,01%/năm; kỳ hạn 1 tuần tăng 1,14%/năm, đạt 4,13%/năm; còn kỳ hạn 2 tuần tăng 0,82%/năm, lên mức 4,02%/năm.

Theo CTCK SSI, với lãi suất USD tăng và áp lực lạm phát trong nước, sẽ rất khó để giảm lãi suất tiền gửi trong thời gian tới đây.

Một nguyên nhân quan trọng khác khiến mặt bằng lãi suất tăng, nhất là ở kỳ hạn dài ngày, theo đánh giá của TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính, là do các ngân hàng đang phải tái cơ cấu lại nguồn vốn để đáp ứng quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung-dài hạn từ 60% xuống còn 50% kể từ đầu năm 2017 theo quy định tại Thông tư 06/2016/TT-NHNN. Vì vậy, không chỉ với các nhà băng quy mô vừa và nhỏ, ngay cả những ngân hàng lớn cũng chạy đua tung khuyến mãi, quà tặng, nhằm cạnh tranh hút tiền nhàn rỗi trong dân cư.

“Nhìn chung, mặt bằng lãi suất tiền gửi đầu vào đang có chiều hướng tăng trước áp lực cạnh tranh huy động, cho dù lãnh đạo nhiều ngân hàng từng khẳng định, thanh khoản hiện nay rất tốt”, TS. Hiếu nói.

Không chỉ kỳ hạn dài, hiện mặt bằng lãi suất kỳ hạn ngắn 6 tháng trở xuống cũng có dấu hiệu nhích lên. Các nhà băng quy mô vừa và nhỏ đều áp mức 7%/năm cho kỳ hạn 6 tháng, trong khi khối ngân hàng lớn là từ 5-5,5%/năm. Sở dĩ lãi suất đầu vào khó giảm, theo nhận định của một lãnh đạo lâu năm ngành ngân hàng, là do đà tăng giá của đồng USD gần đây, cũng như dự báo sẽ còn tăng tiếp thời gian tới.

Trước các áp lực trên, nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, mặt bằng lãi suất sẽ khó giảm trong năm nay, nhất là sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư 39/2017/TT-NHNN bỏ trần lãi suất cho vay trung-dài hạn. Nhiều nhà phân tích tài chính cho rằng, cần giữ trần lãi suất cho vay để ngăn chặn tình trạng cho vay lãi suất quá cao (lên tới vài chục phần trăm) như đã từng xảy ra trước đây.

Theo ông Nguyễn Đình Long, Phó tổng giám đốc Ngân hàng OBC, nếu lãi suất huy động tiếp tục tăng thì lãi suất cho vay cũng sẽ tăng theo. Do đó, cần có sự phân cấp lãi suất rõ rệt theo kỳ hạn và theo từng đối tượng khách hàng, loại tài sản bảo đảm theo những tiêu chí phân loại như quy định tại Thông tư 41/2016/NHNN (quy định theo chuẩn mực Basel II).

“Nếu thực hiện được điều này, cho dù lãi suất huy động tăng, nhưng lãi suất cho vay theo từng phân khúc khách hàng, tài sản đảm bảo vẫn rất hấp dẫn với khách hàng”, ông Long cho hay.

Trong khi đó, theo đánh giá của NHNN, việc điều chỉnh tăng lãi suất chỉ diễn ra tại một số ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ, không phản ánh xu hướng chung của toàn thị trường. Hiện mặt bằng lãi suất huy động phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng, từ 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng và 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng, còn với kỳ hạn trên 12 tháng dao động ở mức 6,4-7,2%/năm.

NHNN cũng cho hay, mặt bằng lãi suất cho vay hiện phổ biến ở mức 6-7%/năm đối với các lĩnh vực ưu tiên, lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất-kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng tốt, có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ từ 4-5%/năm.

Theo đó, định hướng tổng phương tiện thanh toán trong năm nay tăng khoảng 16-18%; tín dụng tăng khoảng 18% so với năm trước, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để điều tiết thanh khoản hợp lý, điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, nhằm phấn đấu ổn định mặt bằng lãi suất.

Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối vốn, giữ ổn định lãi suất huy động, tiết giảm chi phí và nâng cao hiệu quả kinh doanh, để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, chia sẻ khó khăn với khách hàng vay vốn.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục