Cách đây hai tháng, ông đàm phán với Vietcombank một hạn mức vay trung hạn chuẩn bị cho đợt sản xuất kinh doanh cuối năm, lãi suất chỉ còn quanh mức 8%/năm. Ông Tịnh cho biết thêm, trao đổi với các chủ DN tại khu công nghiệp Đồng Nai cũng cho thấy, các ngân hàng đang cạnh tranh nhau chào mới khách hàng vay vốn.
“Lãi suất cho vay đã giảm không chỉ ở ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, mà còn tại các ngân hàng thương mại cổ phần như SHB, HDBank và ổn định quanh mức dưới 10%/năm. Với mức lãi suất như hiện nay, vay 1 tỷ đồng trả lãi khoảng 6 triệu đồng, DN khỏe”, ông Tịnh nói.
Câu chuyện của DN ông Tịnh không phải là trường hợp đặc biệt, bởi nhiều DN khác cũng nhận thấy những thay đổi tích cực trong chính sách lãi suất của các nhà băng. Thậm chí, OceanBank, ngân hàng đang trong giai đoạn tái cơ cấu từ đầu tháng 9, cũng đã áp dụng chính sách lãi suất thấp nhất dành cho khách hàng vay vốn kinh doanh, vay mua nhà, xe với mức 5,99%/năm. Chia sẻ về chính sách cho vay ưu đãi này, đại diện lãnh đạo OceanBank cho biết: “Tối ưu hóa lợi ích của khách hàng là mối quan tâm lớn của OceanBank”.
"Với mức lãi suất như hiện nay, vay 1 tỷ đồng trả lãi khoảng 6 triệu đồng, DN khỏe"
- Ông Phan Thanh Tịnh, Giám đốc Công Ty TNHH Nhựa bao bì Phan Công (Đồng Nai).
Được biết, tuần qua, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị kết nối ngân hàng - DN do UBND TP. Hà Nội phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức, với sự tham gia của 80 tổ chức tín dụng và gần 200 DN là các DN sản xuất kinh doanh, hộ sản xuất của các làng nghề. Trong Hội nghị, câu chuyện không phải là hạ lãi suất mà là làm thế nào để tháo gỡ khó khăn cho DN, mở ra cơ chế thông thoáng, thuận lợi hơn cho DN trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Hội nghị này cũng được diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh.
Các thông tin trên đã cho thấy, thực tế hiện nay, câu chuyện lãi suất cho vay không còn là nỗi ấm ức của DN như trước đây. Tuy nhiên, cũng trong tuần qua, thông tin từ NHNN cho biết, một số ngân hàng thương mại nhà nước đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động VND. Mặc dù một lãnh đạo cao cấp NHNN đã chia sẻ: “Động thái điều chỉnh giảm lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng là giải pháp tích cực, kịp thời nhằm triển khai định hướng điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ đã được Thống đốc NHNN cụ thể hóa cho ngành ngân hàng tại Chỉ thị số 04/CT-NHNN ngày 27/5/2016 tiết giảm chi phí để phấn đấu cắt giảm lãi suất cho vay, qua đó hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và nền kinh tế”, nhưng cũng dấy lên những quan ngại về việc đây là “chỉ đạo hành chính” của cơ quan quản lý nhà nước nhằm chuẩn bị trước cho câu chuyện tăng lãi suất cho vay vào dịp cuối năm.
Cụ thể, từ ngày 26/9, một số ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank) đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động VND ở các kỳ hạn dưới 1 năm với mức giảm từ 0,3 - 0,5%/năm. Theo đó, lãi suất áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và dưới 1 tháng được các tổ chức này công bố ở mức 0,3 - 0,5%/năm; kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng ở mức 4,2 - 4,3%/năm; kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 5 tháng ở mức 4,8%/năm; kỳ hạn từ 5 tháng đến dưới 6 tháng ở mức 5%/năm; kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 9 tháng ở mức 5,3%/năm và kỳ hạn từ 9 tháng đến dưới 12 tháng ở mức 5,5%/năm.
Ngay sau đó, LienVietPostBank, ngân hàng đầu tiên trong khối các ngân hàng thương mại cổ phần cũng đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động và ngày 29/9/2016, LienVietPostBank tiếp tục có văn bản chỉ đạo về việc hạ lãi suất huy động dưới 1 năm bằng mức hạ của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và dự kiến sẽ còn tiếp tục hạ lãi suất cho vay trong tháng 10/2016.
Chuyên gia kinh tế của HSBC nhận định: “NHNN vẫn đang khuyến khích các tổ chức tín dụng gia tăng cho vay, nhưng cũng gợi ý rằng, họ nên tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, bao gồm các hoạt động sản xuất kinh doanh và thương mại chứ không nên vào bất động sản”.
Liên quan đến vấn đề này, ông Đinh Đức Quang, Phó Tổng Giám đốc OCB cho biết, thực tế từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động không tăng, mặt bằng lãi suất 3 tháng quanh mức 5,5%/năm; 6 tháng tùy mỗi ngân hàng nhưng dao động trong khoảng 6,2 - 6,7%/năm; còn 12 tháng từ 6,8 - 7,3%/năm và vẫn ổn định quanh mức như vậy. Ngay tại OCB, ông Quang chia sẻ, 4 tháng đầu năm nay tuy có tăng nhẹ lãi suất, nhưng 3 tháng trở lại đây không tăng. Việc tăng hay giảm lãi suất tại mỗi ngân hàng phụ thuộc vào đối tượng huy động, phân khúc khách hàng cho vay; khẩu vị kinh doanh hay kế hoạch của mỗi ngân hàng nên các nhà băng không thể đồng loạt giống nhau trong mức lãi suất.
“Khung lãi suất không thể cố định ở một mức hay giảm đồng loạt giữa các ngân hàng mà là sự cân đối hài hòa giữa lợi ích người gửi tiền và người vay tiền, cũng như lợi ích giữa ngân hàng với các đối tượng khách hàng khác nhau. Có ngân hàng giai đoạn này huy động nhiều hơn cho vay, giai đoạn khác lại cho vay nhiều hơn huy động và việc này Ban điều hành mỗi ngân hàng sẽ có những cân đối nhất định, bám sát theo diễn biến thị trường. Đây là hoạt động bình thường của các ngân hàng”, ông Quang nói.