Một nghiên cứu của Công ty chứng khoán Rồng Việt vừa công bố cho rằng, tín dụng trong quý I/2021 tăng tốc nhiều hơn năm trước trong khi tăng trưởng huy động vốn không tăng cùng tốc độ có thể là nguyên nhân khiến lãi suất huy động gần đây tăng lên.
Từ đầu tháng 3/2021, lãi suất huy động ngân hàng bắt đầu nhích lên sau một thời gian dài các ngân hàng thực hiện giảm lãi suất. Hầu hết các ngân hàng thương mại đều tăng nhẹ lãi suất huy động ở một số kỳ hạn từ 0,1 - 0,2 điểm phần trăm.
Thực tế, từ đầu tháng 3/2021 đến nay, lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 6 - 12 tháng ở một số ngân hàng quy mô nhỏ có sự nhích lên nhẹ so với thời điểm cuối năm 2020.
Biểu suất huy động mới cho khách hàng cá nhân của VPBank cũng được điều chỉnh tăng từ ngày 2/3. Cụ thể, ở kỳ hạn 3 tháng, lãi suất áp dụng cho khách hàng gửi tiết kiệm tại quầy với số tiền dưới 300 triệu đồng là 3,5%/năm, tăng 0,2% so với tháng trước. Còn với khoản tiền gửi từ 3 tỷ đồng trở lên, khách hàng sẽ được hưởng lãi suất 3,7%/năm, tức tăng 0,05 - 0,1% so với trước. Với kỳ hạn 5 tháng, lãi suất tiền gửi của VPBank hiện là 3,5 - 3,7%/năm, tăng 0,05 - 0,2% so với trước đó.
Tại MB cũng tăng lãi suất tiết kiệm đối với một số kỳ hạn như kỳ hạn 12 tháng được nâng lên 5,3%/năm và lãi suất kỳ hạn 6 tháng được nâng lên 4,68%/năm. Techcombank là một ngoại lệ khi tăng mạnh lãi suất huy động các kỳ hạn thêm 0,4 - 0,7 điểm phần trăm.
“Các đợt tăng lãi suất huy động gần đây cho thấy lãi suất đối với tiền gửi khách hàng dường như đã chạm đáy. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng lãi suất sẽ tăng ở mức khiêm tốn vào năm 2021 do lạm phát vẫn được kiểm soát và chính sách tiền tệ vẫn đang duy trì hướng hỗ trợ”, các chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán Rồng Việt nhận định.
Vào tháng 3/2021, lạm phát toàn phần tăng nhưng vẫn nằm trong vùng kiểm soát với mức tăng 1,2% so với cùng kỳ từ 0,7% của tháng 2/2021, trong khi CPI lõi (không bao gồm thực phẩm và năng lượng) chỉ tăng 0,7% trong tháng qua.
Lạm phát toàn phần thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4% và có khả năng sẽ tiếp tục duy trì dưới ngưỡng này trong thời gian còn lại của năm nay dựa trên dự báo của chúng tôi (3,5%). Ngoài ra, do những bất ổn kinh tế vẫn còn rõ rệt liên quan đến rủi ro đến từ Covid-19 và tốc độ tăng trưởng GDP thấp hơn dự kiến trong quý 1/2021, NHNN có khả năng sẽ duy trì chính sách tiền tệ để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% cho năm 2021.
Trước đó, Phó Thống đốc thường trực NHNN Việt Nam Đào Minh Tú cũng đã nhấn mạnh đến việc điều hành chính sách lãi suất trong thời gian tới vẫn trên quan điểm trước hết là tạo sự ổn định, hiện nay đang ổn định và duy trì sự ổn định này đối với cả lãi suất huy động và cho vay.
Tuy nhiên, Phó Thống đốc cũng cho rằng phải cảnh giác với những dấu hiệu tác động của kinh tế thế giới (như giá nguyên liệu được dự đoán tăng 30% trong năm nay) hoặc một số lĩnh vực khác, kể cả việc dịch chuyển giữa các dòng vốn từ thị trường tiền tệ sang thị trường trái phiếu, thị trường vốn hoặc thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản… để điều hành chính sách lãi suất một cách hợp lý.