Lãi suất ít bị tác động khi Fed hành động

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chuyên gia kinh tế - tài chính Huỳnh Bửu Sơn cho rằng, lãi suất tiền đồng hiện vẫn cao so với các nước trong khu vực nên sẽ không bị ảnh hưởng nhiều nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất USD trong tháng 3/2022.
Tiềm lực và triển vọng của kinh tế Việt Nam rất tốt Tiềm lực và triển vọng của kinh tế Việt Nam rất tốt

Lạm phát trên thế giới đang tăng. Fed đã đưa ra lộ trình 4 - 5 lần nâng lãi suất USD trong năm 2022. Theo ông, việc này liệu có tác động lên lãi suất VND?

Lãi suất VND có diễn biến giảm trong 2 năm qua, nhưng hiện vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực. Vì vậy, Fed tăng lãi suất USD giúp ngoại tệ này mạnh lên, nhưng dự báo sẽ không tác động nhiều đến lãi suất VND và tỷ giá.

Tỷ giá tại Việt Nam được kiểm soát ổn định nhiều năm nay. Lãi suất huy động vốn bằng ngoại tệ vẫn được ngành ngân hàng khống chế ở mức 0%/năm và dần chuyển dịch từ quan hệ vay mượn ngoại tệ sang mua bán. Trong khi đó, dự trữ ngoại hối của Việt Nam tương đối lớn.

Tuy nhiên, lãi suất trái phiếu doanh nghiệp hiện phổ biến từ 10 - 11%/năm, tăng so với mức 7 - 8%/năm trong năm 2021. Bên cạnh đó, kênh chứng khoán, bất động sản thu hút nguồn vốn của nhà đầu tư cũng như nguồn vốn tiết kiệm, nên mặt bằng lãi suất tiền gửi sẽ khó có thể duy trì ở mức thấp, nhất là khi huy động vốn thời gian qua của ngành ngân hàng tăng chậm, thậm chí giảm.

Ông có nhận định gì về triển vọng kinh tế năm 2022 và các kênh đầu tư đã và đang thu hút dòng tiền như chứng khoán, bất động sản?

Tiềm lực và triển vọng của kinh tế Việt Nam rất tốt. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ tiếp tục chảy vào Việt Nam và tác động tích cực lên dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII). Tuy nhiên, dòng vốn ngoại còn tùy thuộc vào chính sách vĩ mô. Chẳng hạn, đầu tư hạ tầng theo kịp với nhu cầu của thị trường và đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư thì chắc chắn sẽ ngày càng thu hút được nguồn vốn FDI, FII.

Khi kinh tế tăng trưởng tốt, sức khỏe doanh nghiệp cải thiện, thị trường chứng khoán sẽ được hỗ trợ và giá cổ phiếu có diễn biến tích cực.

Đối với thị trường bất động sản, giá có khả năng tăng, nhất là ở các đô thị có dân số đông và nhu cầu về nhà ở cao như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, nhưng không ít khu vực có thể điều chỉnh giảm, quay về mức hợp lý hơn, bởi trước đó bị “thổi” lên quá cao. Mặt khác, vốn tín dụng chảy vào lĩnh vực địa ốc là không nhỏ, góp phần thúc đẩy giá tăng, tiềm ẩn rủi ro. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đã và đang dần kiểm soát chặt chẽ hơn dòng tín dụng ngân hàng chảy vào các lĩnh vực phi sản xuất, trong đó có bất động sản.

Liệu nợ xấu có gia tăng khi các khoản nợ tái cơ cấu do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sẽ kết thúc vào cuối tháng 6/2022 theo Thông tư 14/2021/TT-NHNN?

Sức khỏe của các doanh nghiệp dần hồi phục kể từ quý IV/2021 trong thời gian hậu giãn cách. Nhu cầu vốn tín dụng tăng trở lại, đẩy tín dụng của ngành ngân hàng đến cuối năm 2021 đạt 13,53% so với cuối năm 2020. Riêng tháng 12/2021, tăng trưởng tín dụng đạt 2,8% so với tháng 11/2021 và đạt 4,27% so với tháng 10/2021. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 28/1/2022, dư nợ tín dụng tăng 2,74% so với cuối năm 2021 và tăng 16,32% so cùng kỳ năm trước (cao hơn nhiều mức tăng 0,53% của tháng 1/2021). Tuy nhiên, sức khỏe của nhiều doanh nghiệp chưa hoàn toàn hồi phục như trước dịch, mà còn gặp không ít khó khăn khi dịch bệnh vẫn hiện hữu, diễn biến phức tạp.

Theo ông, Việt Nam có cần thêm gói hỗ trợ bù lãi suất để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn vì dịch Covid-19?

Tôi cho rằng, chúng ta cần có một ban của Nhà nước để đánh giá tình hình thị trường, sức khỏe doanh nghiệp trước khi xây dựng và đưa ra các gói cấp bù lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, hồi phục và phát triển. Ban này phải đánh giá được tình hình và sức ảnh hưởng của dịch đối với hoạt động sản xuất - kinh doanh các doanh nghiệp, đứng trên quyền lợi bảo vệ nền kinh tế, chứ không nghĩ đến ngân sách, lạm phát... thì mới đem lại hiệu quả cho các gói hỗ trợ. Nói cách khác, phải đánh giá đúng và có giải pháp tốt thì mới mang lại hiệu quả cao.

Thực tế hiện nay, có nhiều ý kiến nói về vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng không phải ai cũng đồng tình. Do đó, nếu nói doanh nghiệp cần thì không chỉ một gói, mà là nhiều gói hỗ trợ trong bối cảnh thị trường bị tác động bởi dịch Covid-19. Trước mắt, khi chưa đưa ra được các gói hỗ trợ, chính sách tín dụng nên nới thêm, mặt bằng lãi vay giảm và duy trì ở mức thấp, nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng để phục hồi cũng như mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh trong giai đoạn hậu giãn cách.

Mục tiêu chung là làm thế nào để kinh tế hồi phục và phát triển, trước hết doanh nghiệp phải phát triển, với sự hỗ trợ của các chính sách thiết thực.

Nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp cũng sẽ được cải thiện tích cực?

Nhu cầu tín dụng tùy thuộc vào tiến trình phục hồi sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Khi dịch bệnh được kiềm chế, kiểm soát và vòng đời sản xuất sản phẩm quay trở lại bình thường như trước, các doanh nghiệp sẽ gia tăng nhu cầu sử dụng vốn vay. Nhưng điều đó cũng tùy thuộc vào sức khỏe của từng doanh nghiệp và lĩnh vực hoạt động. Ngành ngân hàng nên duy trì lãi suất cho vay ở mức hợp lý để hỗ trợ doanh nghiệp.

Chính sách tiền tệ đang hướng đến hỗ trợ doanh nghiệp khi lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, phấn đấu giảm lãi suất cho vay 0,5 - 1%/năm trong 2 năm tới. Thực tế, dù kinh tế mở cửa và được đẩy mạnh trong quý IV/2021 sau thời gian dài giãn cách, song sức khỏe của doanh nghiệp chưa thể hồi phục ngay sau khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.

Với lãi suất cho vay thấp và hoạt động sản xuất của doanh nghiệp dần hồi phục sau thời gian dài chống chọi với Covid-19, dự báo nhu cầu vốn của doanh nghiệp sẽ tăng trở lại trong năm 2022. Trong đó, tăng trưởng tín dụng quý đầu năm sẽ dương, thay vì âm như cùng kỳ nhiều năm trước.

Thùy Vinh thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục