Không để vòng tròn lặp lại
Còn nhớ thời điểm năm 2007, người đi gửi tiền tiết kiệm “chóng mặt” trước động thái thay đổi biểu lãi suất huy động “xoành xoạch” của các ngân hàng. Cạnh tranh lãi suất được đẩy lên cao khi một ngân hàng công bố đợt khuyến mại huy động vốn VND “3 ngày vàng” với lãi suất 17%/năm, trong khi mặt bằng lãi suất của hệ thống ngân hàng khi đó khá ổn định, mức cao nhất là 13-14%/năm.
“Thậm chí, có ngân hàng ngầm thỏa thuận với khách hàng mức lãi suất lên tới hơn 20%/năm rồi được chi trả qua nhiều hình thức”, giám đốc nguồn vốn một ngân hàng cổ phần nhớ lại.
Cuộc đua căng thẳng khiến cuối năm 2010, Ban Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phải tổ chức cuộc họp với Tổng thư ký và các thành viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) nhằm ngăn chặn việc chạy đua tăng lãi suất không lành mạnh, đặc biệt là tình trạng thỏa thuận “ngầm” giữa người gửi tiền và ngân hàng khiến lãi suất trên thị trường méo mó. Cuộc họp này không dừng ở mức đồng thuận, mà là sự cam kết của tất cả các ngân hàng để cùng thực hiện.
“Nhằm tránh tình trạng ‘vượt rào’ lãi suất, VNBA đề nghị NHNN thực hiện giám sát các ngân hàng trong việc thực hiện cam kết với mức lãi suất huy động VND không vượt quá 14%/năm, bao gồm cả khoản chi khuyến mại dưới mọi hình thức, từ đó dẫn đến câu chuyện ‘cười ra nước mắt’ là nhân viên ngân hàng A ‘tố’ nhân viên ngân hàng B vượt rào”, vị giám đốc trên kể.
Câu chuyện cũ nhưng để nhắc nhở một câu chuyện “không cũ” đó là khi cuộc đua lãi suất thì phản ứng dây chuyền sẽ diễn ra. Thời điểm hiện tại, trên thị trường I (khu vực tổ chức và dân cư), lãi suất huy động VND trong quý II/2022 tiếp tục có xu hướng tăng nhẹ với mức tăng phổ biến khoảng 20-30 điểm cơ bản, tập trung chủ yếu ở các ngân hàng cổ phần như VPBank, Techcombank, Sacombank, VIB, ACB, OCB, BAC A BANK…, trong khi nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối có BIDV tăng nhẹ lãi suất khoảng 10 điểm cơ bản ở kỳ hạn dài.
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, nhóm ngân hàng có lãi suất thấp so với mặt bằng thị trường gồm 4 ngân hàng có vốn nhà nước chi phối và một số ngân hàng cổ phần (như ACB, MBBank, LienVietPostBank, MSB), thấp hơn nhóm ngân hàng có lãi suất cao nêu ở trên từ 0,4-2%/năm.
Một lãnh đạo cao cấp Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, thanh khoản VND được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố như chính sách tiền tệ của NHNN vẫn duy trì ổn định theo hướng hỗ trợ thanh khoản; tăng trưởng tín dụng quý II/2022 có xu hướng chậm lại trong bối cảnh các thị trường bất động sản, chứng khoán trầm lắng hơn và nhiều ngân hàng thương mại sớm chạm hạn mức tăng trưởng tín dụng được cấp trong năm nay mà chưa được nới thêm; nhiều ngân hàng gia tăng phần tiền gửi của Kho bạc Nhà nước và lượng tiền mặt quay trở lại hệ thống...
“Tuy nhiên, xét trên tổng thể, trạng thái của thanh khoản VND toàn hệ thống chưa thực sự bền vững do phụ thuộc nhiều vào nguồn tiền gửi của Kho bạc Nhà nước và cân đối cung cầu ngoại tệ kém thuận lợi, khiến NHNN chưa thể mua ngoại tệ để bổ sung nguồn cung VND như cùng kỳ mọi năm. Theo đó, huy động vốn sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn với mức tăng trưởng chỉ khoảng 1,2% trong quý II/2022, thấp hơn khoảng 2% so với tăng trưởng cho vay”, một lãnh đạo cao cấp BIDV nhận định.
Số liệu từ NHNN cho thấy, tính đến ngày 30/6/2022 và so với cuối năm 2021, tín dụng tăng 9,35% (so với mức 6,47% của năm 2021), tương đương với mức tăng 16,7% so với cùng kỳ. Như vậy, so với số liệu công bố ngày 20/6/2022, lượng tín dụng bơm mới vào thị trường đạt hơn 87.000 tỷ đồng, còn lượng tiền gửi tăng thêm đạt hơn 59.000 tỷ đồng chỉ trong 10 ngày. Điều này rõ ràng tạo áp lực đáng kể lên mặt bằng lãi suất huy động đối với các ngân hàng có thể giải ngân thời gian qua. Trên thực tế, các ngân hàng đã điều chỉnh biểu lãi suất huy động trong quý II/2022 và có mức chênh lệch khoảng 30-50 điểm cơ bản giữa lãi suất thực tế và niêm yết thông qua các chương trình khuyến mãi cũng như cộng thêm phần trăm lãi suất dành cho gửi online.
Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank chia sẻ, huy động vốn trên thực tế năm 2022 cao hơn năm 2021 không nhiều nên chỉ có thể giành giật khách hàng từ ngân hàng nọ sang ngân hàng kia, từ đó dễ dẫn đến cuộc đua tăng lãi suất và kéo theo là tăng chi phí cho doanh nghiệp, hàng hóa tăng giá. “Cuối cùng vẫn lặp lại vòng tròn gây áp lực lên lạm phát”, ông Ấn nhấn mạnh.
Bất hợp lý trong hợp lý
Trong quý III/2022, mặt bằng lãi suất dự báo tăng thêm khoảng 20-30 điểm cơ bản.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, điều này tưởng chừng như bất hợp lý nhưng thực ra lại hợp lý nếu nhìn vào số liệu được lãnh đạo NHNN công bố tính đến ngày 30/6/2022, tín dụng đạt 9,35% trong khi huy động vốn chỉ đạt 4,51% so với cuối năm 2021.
Vị lãnh đạo cao cấp BIDV dự báo, trong quý III/2022, mặt bằng lãi suất có thể tăng thêm khoảng 20-30 điểm cơ bản. Cụ thể, chính sách tiền tệ của NHNN trong thời gian tới dự kiến có xu hướng thắt chặt dần do áp lực từ môi trường quốc tế cũng như diễn biến kinh tế vĩ mô trong nước.
Dẫn chứng từ môi trường quốc tế, vị lãnh đạo BIDV nhận định, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến tiếp tục tăng lãi suất ít nhất 125 điểm cơ bản trong quý III/2022 và phần lớn ngân hàng trung ương trên thế giới (ngoại trừ Trung Quốc và Nhật Bản) cũng dự tính tăng lãi suất mạnh mẽ trong nửa cuối năm nay.
Đối với môi trường trong nước, vị này cho rằng, tăng trưởng kinh tế có thể bật mạnh trong 2 quý cuối năm và cả năm 2022 có thể đạt 7,5-8%, cách xa mức mục tiêu 6-6,5% của Chính phủ. Trong khi đó, áp lực lạm phát ngày càng trở nên rõ nét hơn, dự kiến đến cuối năm nay có thể tăng mạnh lên ngưỡng 5% so với năm ngoái. Điểm đáng chú ý, áp lực từ tỷ giá USD/VND tăng cũng đặt ra thách thức với NHNN trong bối cảnh cân đối cung cầu ngoại tệ kém thuận lợi và có thể tiếp tục phải bán ngoại tệ can thiệp trong quý III này.
“Theo đó, NHNN sẽ điều tiết cung tiền thận trọng hơn trong quý III/2022 thông qua việc hút tiền về qua kênh tín phiếu và bán ngoại tệ, đồng thời khả năng NHNN tăng lãi suất điều hành trong thời gian tới cũng lớn hơn khi mục tiêu ưu tiên trong 2 quý cuối năm là kiểm soát lạm phát và ổn định tỷ giá”, vị lãnh đạo BIDV nhận định.
Cũng trong diễn biến có liên quan, thanh khoản VND của hệ thống ngân hàng và cân đối huy động - cho vay có xu hướng căng thẳng hơn do chịu áp lực cộng hưởng từ các yếu tố như dòng tiền bị hút về NHNN do động thái thắt chặt tiền tệ như đã nêu trên, bên cạnh đó là tương quan giữa huy động và cho vay. Mặc dù cho vay dự kiến tiếp tục xu hướng tăng trưởng chậm lại so với 2 quý đầu năm, nhưng vẫn cao hơn so với huy động khoảng 0,5% trong bối cảnh huy động vốn tương đối khó khăn khi nguồn cung vốn vẫn kém thuận lợi, , đặc biệt từ cấu phần dòng vốn ngoại tệ.
Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc Khối kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam nêu quan điểm: “Chúng tôi kỳ vọng lãi suất tái cấp vốn hiện tại ở mức 4%/năm và lãi suất tái chiết khấu là 2,5%/năm sẽ được duy trì ở mức thấp kỷ lục này cho đến ít nhất là cuối năm 2022. Tuy nhiên, với động thái quyết liệt hơn trong việc thắt chặt tiền tệ từ Fed, chúng tôi dự đoán NHNN sẽ có thể khởi đầu chu kỳ tăng lãi suất từ quý II/2023 hoặc sớm hơn, nếu đà tăng trưởng vẫn tiếp tục duy trì và các rủi ro bên ngoài đáng quan ngại hơn”.