Lãi suất huy động đã giảm tới hạn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, lãi suất tiết kiệm giảm mạnh khiến tốc độ tăng trưởng huy động thấp hơn so với cho vay nên không thể giảm thêm lãi suất đầu vào để giảm lãi suất cho vay.
Lãi suất huy động đã giảm tới hạn

Huy động tăng thấp hơn "lãi đập gốc"

Theo báo cáo tài chính, tính đến hết tháng 9/2021 của MBBank, cho vay khách hàng đạt 329.431 tỷ đồng, tăng so với thời điểm cuối năm 2020 là 294.173 tỷ đồng; tiền gửi đạt 343.949 tỷ đồng, tăng so với thời điểm cuối năm 2020 là 310.960 tỷ đồng.

Cũng “xông xênh” về thanh khoản là Techcombank với dư nợ cho vay khách hàng đạt 321.042 tỷ đồng, tăng 15,7% và tiền gửi của khách hàng đạt 316.376 tỷ đồng, tăng 14%.

Tại OCB, tới cuối quý III/2021, cho vay khách hàng đạt 96.551 tỷ đồng, tăng 9,3% và huy động vốn đạt 93.303 tỷ đồng, tăng 7,03% so với cuối 2020.

Báo cáo tài chính của TPBank cho thấy, 9 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng tín dụng đạt 133.002 tỷ đồng, tăng 10,8% và tổng huy động đạt 131.508 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cuối năm 2020.

Bên cạnh ngân hàng tăng trưởng tích cực cả trong huy động lẫn cho vay, cũng có ngân hàng huy động chỉ tăng ở mức thấp, thậm chí là giảm. Đơn cử, tại buổi gặp gỡ với các nhà phân tích mới đây, ACB cho biết, tăng trưởng tiền gửi của Ngân hàng trong 9 tháng đầu năm chỉ đạt 3,6%, thấp hơn mức 4,3% của toàn ngành; tăng trưởng tín dụng khả quan hơn khi đạt 7,5%, nhỉnh hơn mức 7,2% của toàn hệ thống.

Tính đến 30/9/2021, cho vay khách hàng của LienVietPostBank tăng gần 11% lên 195.830 tỷ đồng, nhưng số dư tiền gửi của khách hàng chỉ tăng nhẹ 2,5% lên hơn 178.800 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2020.

Báo cáo tài chính của SeABank cho thấy, tính đến 30/9/2021, cho vay khách hàng đạt 112.581 tỷ đồng, tăng 3,4%, nhưng tiền gửi của khách hàng giảm 2,5% so với thời điểm cuối năm 2020, về mức 110.441 tỷ đồng.

Thông thường, huy động tiền gửi được tính là tăng nếu con số tăng trưởng huy động lớn hơn bình quân lãi tiết kiệm của một ngân hàng. Lý do là hầu hết khách gửi tiền đều không rút lãi, mà dùng lãi được hưởng gửi tiếp luôn. Mức tăng huy động hiện tại của các ngân hàng như vậy, hầu hết đều thấp hơn “lãi đập gốc”.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống tính đến 7/10/2021 đạt 7,42%. Tín dụng có dấu hiệu chậm lại trong 3 tháng qua dưới tác động của dịch bệnh kéo dài. Trong khi đó, thanh khoản hệ thống ngân hàng tiếp tục được hỗ trợ nhờ dòng tiền đáo hạn thanh toán của giao dịch bán ngoại tệ kỳ hạn về Ngân hàng Nhà nước trong 6 tháng đầu năm ước khoảng 130.000-140.000 tỷ đồng.

Các nghiệp vụ thị trường mở không được thực hiện và nhờ vậy, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng chủ yếu đi ngang ở mức thấp. Lãi suất VND liên ngân hàng trong tuần từ 18/10 - 22/10 tiếp tục giảm nhẹ ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống. Chốt phiên 22/10, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: Qua đêm 0,66%/năm (giảm 0,03 điểm phần trăm); 1 tuần 0,78%/năm (giảm 0,03 điểm phần trăm); 2 tuần 0,89%/năm (giảm 0,02 điểm phần trăm); 1 tháng 1,15%/năm (giảm 0,02 điểm phần trăm). Với diễn biến này, thanh khoản hệ thống vẫn duy trì trạng thái dồi dào, kéo theo việc một số ngân hàng tiếp tục điều chỉnh giảm biểu lãi suất tiết kiệm.

Lãi suất huy động vốn VND ghi nhận xu hướng giảm nhẹ trong tháng 8 và 9 ở nhiều ngân hàng thương mại. Cụ thể, trong nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối như BIDV và Agribank đã giảm 0,1%/năm lãi suất các kỳ hạn trên 12 tháng đối với cả khách hàng cá nhân và tổ chức. Đối với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, nhiều ngân hàng đã đồng loạt giảm lãi suất từ 0,1-0,4%/năm ở hầu hết kỳ hạn trong tháng 8 như MBBank, VIB, OCB, SHB, Techcombank, TPBank, Sacombank, LienVietPostBank, HDBank và tiếp tục giảm thêm lãi suất 0,1-0,2%/năm trong 2 tuần cuối tháng 9 tại một số ngân hàng như LienVietPostBank, ACB, SHB và VIB.

Như vậy, tính đến cuối tháng 9/2021, lãi suất toàn thị trường dao động chủ đạo quanh biên độ 3,3-3,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,2-5,7%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 5,4-6,8%/năm. Trong đó, tại kỳ hạn ngắn, khối ngân hàng có vốn nhà nước chi phối và một số ngân hàng thương mại cổ phần lớn như MBBank, VPBank, Techcombank, Sacombank, LienVietPostBank, MSB niêm yết lãi suất thấp nhất thị trường (thấp hơn nhóm ngân hàng lãi suất cao từ 0,2-2%/năm); tại kỳ hạn trung và dài, các ngân hàng Techcombank, VPBank, MBBank vẫn là nhóm thấp nhất thị trường (thấp hơn khối ngân hàng có vốn nhà nước chi phối từ 0,2-0,7%/năm). Đáng chú ý, lãi suất huy động tháng 9 hình thành trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng gần như đứng yên và thanh khoản hệ thống ngân hàng luôn dồi dào.

Không đặt mục tiêu giảm lãi suất đầu vào

Sang tháng 10/2021, các hợp đồng mua ngoại tệ kỳ hạn của Ngân hàng Nhà nước tiếp tục được thực hiện. Không những vậy, Kho bạc Nhà nước cũng bắt đầu mua một lượng lớn ngoại tệ, tăng cung VND ra thị trường. Điều này khiến thanh khoản hệ thống ngân hàng càng trở nên dồi dào hơn.

Tính đến cuối tháng 7/2021 so với cuối năm 2020, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tăng 9,88% và chiếm 20,11% trong tổng tín dụng nền kinh tế (cùng kỳ 2020 tăng 5,47% và chiếm tỷ trọng 19,87%); tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh chứng khoán tăng 1,3% và chiếm tỷ trọng 0,47% (cùng kỳ năm 2020 giảm 15,83% và chiếm tỷ trọng 0,3%); tín dụng phục vụ nhu cầu đời sống tăng 6,37% và chiếm tỷ trọng 20,02% (cùng kỳ năm 2020 tăng 2,25% và chiếm tỷ trọng 20,09%).

Trong khi đó, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước được kỳ vọng sẽ tiếp tục xu hướng nới lỏng là chủ đạo, tập trung vào các giải pháp hỗ trợ thanh khoản cho doanh nghiệp (giảm lãi suất, miễn giảm phí, cơ cấu nợ...) trong bối cảnh nền kinh tế còn đối mặt với nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh, theo đó cả năm ước tăng trưởng chỉ khoảng 2,5-3%.

Do chưa thể đẩy mạnh tín dụng, đồng thời được bổ sung nguồn cung VND lớn như trên, một số ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất tiết kiệm trong tháng 10/2021, dù chưa hình thành xu hướng giảm như tháng trước.

Chẳng hạn, tại Nam A Bank, các kỳ hạn 8 - 11 tháng và 12 tháng lần lượt giảm lãi suất xuống mức 5,9%/năm và 6,1%/năm, cùng thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với tháng trước đó. Các kỳ hạn 25-29 tháng được ấn định với mức lãi suất là 6,5%/năm và các kỳ hạn 30 - 33 tháng là 6,4%/năm, cùng giảm 0,2 điểm phần trăm trong tháng này.

Tại NCB, lãi suất ngân hàng này giảm nhẹ từ 0,05-0,2 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn: Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng giảm từ 3,9%/năm xuống 3,8%/năm, kỳ hạn 6 tháng từ 6,25%/năm xuống 6,1%/năm, kỳ hạn 12 tháng giảm từ 6,4%/năm xuống 6,35%/năm.

Tương tự, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng tại VIB giảm từ 3,6%/năm xuống 3,4%/năm, kỳ hạn từ 6 tháng về mức 5%/năm, kỳ hạn 24 tháng giảm từ 6,1%/năm xuống 5,8%/năm. Còn Eximbank giảm lãi suất tiền gửi 0,1 điểm phần trăm kỳ hạn 6 tháng về mức 5,1%/năm, kỳ hạn 12 tháng còn 5,7%/năm, kỳ hạn trên 12 tháng còn 6%/năm.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp BIDV tính toán: “Tín dụng cả năm 2022 dự kiến đạt mức tăng trưởng khoảng 11-12% và cao hơn tăng trưởng huy động vốn khoảng 1-2%”.

Theo đó, mặt bằng lãi suất VND trên thị trường 1 được cho là sẽ có xu hướng đi ngang trong quý cuối năm nay, sau khi đã điều chỉnh giảm nhẹ ở quý trước đó trong bối cảnh các yếu tố tác động vẫn ở trạng thái khá giằng co và chưa có yếu tố nào đủ mạnh để tiếp tục kéo giảm lãi suất một cách rõ rệt.

Giám đốc nguồn vốn một ngân hàng thương mại cổ phần nhận định, thanh khoản VND của hệ thống ngân hàng dự kiến tiếp tục duy trì trạng thái tương đối ổn định, nhưng mức độ dồi dào có thể giảm bớt về cuối năm khi nhu cầu thanh toán bằng tiền mặt có xu hướng gia tăng theo chu kỳ. Cùng với đó, cân đối huy động - cho vay dự kiến cũng có xu hướng thu hẹp dần trong bối cảnh hoạt động tín dụng cuối năm sôi động trở lại do tác động của yếu tố mùa vụ cũng như quá trình nới lỏng dần các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.

Trong diễn biến liên quan, trao đổi với báo chí, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, lãi suất tiết kiệm từng kỳ hạn có sự khác biệt nhưng tính bình quân, mức lãi suất này hiện vào khoảng 5-5,5%/năm. Theo ông Tú, lãi suất tiết kiệm giảm mạnh khiến tốc độ tăng trưởng huy động thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng cho vay, nên không thể đặt ra bài toán giảm thêm lãi suất đầu vào để giảm lãi suất cho vay.

“Với mức lạm phát giả định 3%, cần duy trì mức lãi suất tiết kiệm tối thiểu như hiện nay để đảm bảo lợi ích của người gửi tiền. Mức độ chênh lệch lãi suất cho vay và tiết kiệm tùy từng ngân hàng, nhưng bình quân đang ở mức 2-2,5%/năm là con số hợp lý”, Phó thống đốc nói.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục