Lãi suất giảm kích thích dòng tiền trở lại chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
Bà Thiều Thị Nhật Lệ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quản lý Quỹ UOB Asset Management (Việt Nam) cho rằng, thời điểm này, nhà đầu tư nên xem xét cổ phiếu tiềm năng tốt để tích lũy cho đầu tư dài hạn.
Bà Thiều Thị Nhật Lệ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quản lý Quỹ UOB Asset Management (Việt Nam) Bà Thiều Thị Nhật Lệ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quản lý Quỹ UOB Asset Management (Việt Nam)

Theo bà, tình hình kinh tế thế giới nửa cuối năm 2023 và các yếu tố bên ngoài sẽ tác động ra sao đến Việt Nam?

Theo số liệu vừa công bố, lạm phát của Mỹ trong tháng 5/2023 ghi nhận mức tăng 4% so với cùng kỳ và chỉ tăng 0,1% so với tháng trước, thấp nhất trong vòng 2 năm qua. Tuy nhiên, rủi ro lạm phát vẫn còn hiện hữu. Bằng chứng là các ngân hàng trung ương trên thế giới chưa cho thấy dấu hiệu giảm lãi suất và có thể vẫn duy trì mặt bằng lãi suất cao hết năm nay.

Ngoài ra, rủi ro và bất ổn về địa chính trị và cuộc xung đột Nga - Ukraine tiếp tục tác động tới kinh tế thế giới. Nhiều dự báo cho thấy, kinh tế Mỹ và châu Âu có thể bị suy thoái trong thời gian tới.

Những rủi ro trên sẽ tác động không tốt đến nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam khi tình hình xuất khẩu có sự giảm sút. Những điều này ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế trong năm nay và dòng tiền nước ngoài có thể chưa sớm quay trở lại mạnh tại thị trường Việt Nam.

Chính sách tiền tệ của Việt Nam đang dần được nới lỏng, mặt bằng lãi suất giảm dần. Liệu xu hướng giảm có tiếp tục trong nửa cuối năm?

Những chính sách này đã giúp cải thiện tâm lý nhà đầu tư và kích thích dòng tiền từ các nhà đầu tư cá nhân quay trở lại thị trường chứng khoán. Từ đây đến cuối năm, nếu lạm phát và tỷ giá duy trì ổn định như từ đầu năm, chúng tôi cho rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ có dư địa để giảm thêm lãi suất chính sách nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Nhưng khó có thể kỳ vọng những đợt giảm lãi suất mạnh khi mặt bằng lãi suất chính sách Việt Nam đã tiệm cận mức lãi suất tham chiếu ở Mỹ, đặc biệt là nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định tiếp tục tăng lãi suất trong nửa cuối năm.

Lãi suất tiết kiệm giảm, liệu dòng tiền có quay lại chứng khoán, bất động sản trong 2 quý còn lại của năm 2023?

Lãi suất tiết kiệm giảm kích thích dòng tiền quay trở lại thị trường chứng khoán. Điều này thể hiện rõ khi Chính phủ thực hiện cắt giảm lãi suất kể từ cuối tháng 3, đầu tháng 4, thanh khoản trung bình mỗi ngày của thị trường chứng khoán trong tháng 4 và tháng 5 đã tăng mạnh 30 - 40% so với tháng 2 và tháng 3.

Tuy nhiên, nhìn chung, lãi suất tiết kiệm vẫn còn ở mức khá cao và các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho thị trường bất động sản cần có thời gian để phát huy tác dụng và khôi phục hoàn toàn niềm tin từ phía nhà đầu tư, từ đó họ mới có thể đẩy mạnh nguồn vốn vào thị trường.

Đâu là cơ hội với nhà đầu tư tại thị trường Việt Nam trong năm nay và lĩnh vực, ngành nghề nào nên được xem xét để tích lũy cổ phiếu, thưa bà?

Hiện nay, chúng tôi thấy rủi ro lạm phát, rủi ro lãi suất, cũng như rủi ro của các đợt bán tháo của thị trường đã giảm. Do đó, đây là thời điểm khá tốt để các nhà đầu tư quay trở lại thị trường tìm kiếm cơ hội đầu tư tốt để tích lũy cho dài hạn. Trong giai đoạn này, nhà đầu tư nên tập trung vào các lĩnh vực, ngành nghề được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ của Chính phủ, đặc biệt là từ xu hướng lãi suất giảm và đẩy mạnh giải ngân đầu tư công vào cơ sở hạ tầng.

Nhà đầu tư có nên xem xét cổ phiếu tiềm năng để tích lũy ngay từ lúc này, hay nên chờ đợi thêm một thời gian mới tìm kiếm cơ hội tốt?

Thị trường hiện tại nhìn chung đã ổn định hơn khi tâm lý nhà đầu tư được cải thiện, không còn nhiều đợt bán tháo mạnh kể từ đầu năm nhờ vào các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. Dòng tiền quay trở lại thị trường cũng là chỉ báo tích cực cho sự phục hồi của chỉ số VN-Index trong thời gian tới. Do đó, tôi cho rằng, thời điểm này, nhà đầu tư nên xem xét cổ phiếu tiềm năng tốt để tích lũy cho đầu tư dài hạn.

Vân Linh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục