Lãi suất có thể giảm thêm 0,25-0,5 điểm phần trăm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thanh khoản dồi dào, lạm phát ở mức hợp lý… là lý do để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể giảm thêm lãi suất điều hành những tháng cuối năm.
Mặt bằng lãi suất kỳ vọng giảm 0,25-0,5%/năm so với mức hiện tại. Mặt bằng lãi suất kỳ vọng giảm 0,25-0,5%/năm so với mức hiện tại.

Lãi suất thấp, trái phiếu chính phủ hút khách

Thị trường tiền tệ liên ngân hàng tuần từ 17-21/8, lãi suất VND liên ngân hàng tăng nhẹ ở các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần, lần lượt ở mức 0,01%/năm; 0,08%/năm và 0,04%/năm, đưa lãi suất các kỳ hạn này lên mức 0,19%/năm; 0,32%/năm và 0,34%/năm.

Lãi suất liên ngân hàng tiếp tục duy trì ở mức thấp cho thấy thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn đang dồi dào.

NHNN tiếp tục không thực hiện hoạt động bơm/hút ròng trên thị trường mở, khi từ 17-21/8 vẫn  chào thầu 5.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 3%/năm. Không có khối lượng trúng thầu và đáo hạn trong tuần qua.

Lượng tín phiếu và OMO đang lưu hành vẫn duy trì ở mức 0 từ cuối tháng 6 tới nay. Trong thời gian tới, NHNN có thể sẽ tiếp tục không can thiệp đến thị trường mở khi thanh khoản hệ thống dư thừa.

Thực tế, tính đến đầu tháng 8, lãi suất huy động tiếp tục được điều chỉnh giảm ở hầu hết các ngân hàng cổ phần, với mức giảm khoảng 20-50 điểm cơ bản so với thời điểm đầu tháng 7.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần cho rằng: “Thanh khoản dồi dào cùng với lạm phát thuận lợi là cơ sở để lãi suất tiền gửi có thể tiếp tục giảm từ 0,7-1 điểm phần trăm tại các kỳ hạn”.

Đồng tình với quan điểm trên, giám đốc khối nguồn vốn môt ngân hàng có vốn nhà nước nhìn nhận: “Lãi suất vẫn trong xu hướng giảm, vấn đề chỉ là mức độ giảm như thế nào”. Theo vị này, mặt bằng lãi suất ở mức thấp là một trong những  lý do khiến trái phiếu chính phủ trở nên hút khách thời gian qua, mà ngân hàng là nhà đầu tư lớn nhất trên thị trường này.

Thực tế, trong tuần qua, Kho bạc Nhà nước tổ chức gọi thầu tại 4 loại kỳ hạn 5 năm, 10 năm, 15 năm và 20 năm, khối lượng gọi thầu lần lượt ở mức 1.000 tỷ đồng, 4.000 tỷ đồng, 1.500 tỷ đồng và 1.000 tỷ đồng.

Kết quả, lượng đặt thầu cho kỳ hạn 5 năm bằng 1,9 lần giá trị gọi thầu, nhưng không có lượng trúng thầu nào; kỳ hạn 10 năm bằng 1,57 lần giá trị gọi thầu và tỷ lệ trúng thầu đạt 77% tại mức lãi suất 2,88%/năm, tăng 0,03%/năm so với lần trúng thầu gần nhất; kỳ hạn 15 năm bằng 2 lần giá trị gọi thầu và tỷ lệ trúng thầu đạt 73% tại mức lãi suất 3,05%/năm, tăng 0,02%/năm; kỳ hạn 20 năm bằng 1,15 lần giá trị gọi thầu và tỷ lệ trúng thầu đạt 35% tại mức lãi suất 3,34%/năm không đổi so với lần trúng thầu gần nhất.

Trong tuần này, dự kiến Kho bạc Nhà nước sẽ gọi thầu 5.500 tỷ đồng tại 4 kỳ hạn 5 năm, 10 năm, 15 năm và 30 năm.

Kỳ vọng mặt bằng lãi suất giảm thêm

Theo bà Thái Thị Việt Trinh, chuyên viên Phân tích vĩ mô KB Securities, động thái NHNN hạ lãi suất điều hành vào đầu tháng 8 chủ yếu mang yếu tố tâm lý và cơ quan này vẫn để ngỏ khả năng tiếp tục hạ lãi suất điều hành những tháng cuối năm trong nỗ lực cân bằng mục tiêu tăng trưởng kinh tế và ổn định vĩ mô.

Trước đó, vị chuyên gia này nhận định ít có khả năng NHNN tiếp tục hạ lãi suất điều hành với điều kiện tăng trưởng tín dụng hồi phục và dịch Covid-19 được kiểm soát hoàn toàn tại Việt Nam.

Tuy nhiên, việc dịch bệnh tái bùng phát vào cuối tháng 7, cộng với tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp khiến khả năng lãi suất điều hành được giảm thêm trở nên rõ ràng hơn.

Trong bối cảnh biến động của kinh tế trong nước cũng như quốc tế, các mục tiêu ổn định vĩ mô cần được ưu tiên.

Đối với lạm phát bình quân, theo bà Thái Thị Việt Trinh, hiện vẫn duy trì dự báo tăng 4% - là yếu tố then chốt quyết định việc NHNN có tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng hay không. Nếu lạm phát hạ nhiệt trong thời gian tới sẽ là điều kiện thích hợp để NHNN đưa ra thêm một đợt hạ lãi suất điều hành.

“Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay được dự báo tiếp tục giảm trong thời gian tới với 3 yếu tố chính: Kỳ vọng điều chỉnh lãi suất điều hành, thanh khoản tiếp tục dư thừa và NHNN cho phép giãn lộ trình giảm vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn giúp giải tỏa áp lực cơ cấu nguồn vốn huy động của ngân hàng”, bà Trinh nhận định.

Thực tế, NHNN vừa ban hành Thông tư 08/2020/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Theo đó, lộ trình giảm tỷ lệ tối đa sử dụng nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung - dài hạn của các ngân hàng được lùi thêm một năm.

Cụ thể, từ 1/1/2020 đến 30/9/2021, tỷ lệ này được áp dụng ở mức 40%; từ 1/10/2021 đến 30/9/2022 giảm còn 37%; từ 1/10/2022 đến 30/9/2023 tiếp tục giảm về 34% và từ 1/10/2023 là 30%.

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận Kinh tế vĩ mô, Khối Phân tích CTCK VNDirect cho rằng, lãi suất có thể giảm thêm trong những tháng tới, cụ thể là kỳ vọng lãi suất điều hành (lãi suất tái chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn) của NHNN cũng như lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng thương mại cùng giảm khoảng 0,25-0,5 điểm phần trăm so với hiện tại, trong đó lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn có thể giảm mạnh hơn so với các kỳ hạn dài.

“Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, bước sang năm 2021, NHNN sẽ giữ nguyên các lãi suất điều hành chủ chốt so với mặt bằng lãi suất dự kiến vào cuối năm 2020. Thay vào đó, NHNN có thể hỗ trợ thị trường tiền tệ thông qua thị trường mở, gia tăng dự trữ ngoại hối, nâng trần tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại, hoặc lùi thời hạn áp dụng các tiêu chuẩn an toàn tài chính cao hơn đối với các ngân hàng”, ông Hinh nói.

Hồng Dung

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục