Khảo sát của Đầu tư Chứng khoán cho thấy, lãi suất huy động ở các ngân hàng trong nước cao nhất là 8,6 - 8,7%/năm với kỳ hạn dài. Một số ngân hàng có thể trả thêm từ 0,2 - 0,5%/năm, hoặc cao hơn (tùy kỳ hạn, tùy số tiền gửi) như Nam A Bank, VietABank, TPBank, VietCapitalBank…
Đó là chưa kể các ngân hàng còn tăng lãi suất tiết kiệm online. Nếu lãi suất online trước đây phổ biến được cộng thêm 0,2%/năm thì nay tăng thêm từ 0,5 - 1%/năm và không đưa ra hạn mức tiền gửi.
Lãi suất chứng chỉ tiền gửi cũng tiếp tục giữ ở mức cao. Tại VietABank, từ tháng 4, lãi suất chứng chỉ tiền gửi ghi danh cho khách hàng cá nhân cao nhất là 9,1%/năm với hình thức nhận lãi cuối kỳ và 8,38%/năm với hình thức nhận lãi hàng tháng. Đầu tháng 4, SHB có chương trình phát hành 10.000 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp, lãi suất 8,9%/năm.
Cá nhân mua chứng chỉ mệnh giá dưới 2 tỷ đồng, lãi suất áp dụng cho các kỳ hạn 18, 24 và 36 tháng lần lượt là 8,6%/năm, 8,7%/năm và 8,8%/năm. Với chứng chỉ mệnh giá 2 tỷ đồng trở lên, lãi suất áp dụng lần lượt là 8,7%/năm; 8,8%/năm và 8,9%/năm.
Tại Sacombank, khách hàng cá nhân, tổ chức mua chứng chỉ tiền gửi dài hạn có ghi danh mệnh giá tối thiểu 1 triệu đồng, thời hạn 7 năm (84 tháng) được nhận mức lãi suất 8,6%/năm. BIDV từ tháng 3 cũng có chương trình chứng chỉ tiền gửi trung, dài hạn từ đầu tháng 3, lãi suất 7,6%/năm cho hình thức lãi suất cố định và 7,5%/năm cho lãi suất thả nổi. LienVietPostBank có chương trình huy động vốn bằng chứng chỉ tiền gửi cho các kỳ hạn 15 tháng, 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng với lãi suất 8,1%/năm (cao hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm cùng kỳ hạn từ 0,7 - 1%/năm).
Chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, Giám đốc phụ trách khối nguồn vốn một ngân hàng cho biết: “Các ngân hàng phát hành chứng chỉ với lãi suất trên 9%/năm chủ yếu là do nhu cầu huy động thêm vốn trung và dài hạn.
Quy định mới về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn giảm từ 45% về 40% sẽ chính thức có hiệu lực trong năm nay và rất có thể sẽ bị rút xuống mức 30% trong thời gian tới. Dự báo trong thời gian tới, lãi suất huy động trung, dài hạn khó có khả năng giảm dù tăng trưởng tín dụng đang ở mức thấp”.
Báo cáo của NHNN gửi các đại biểu Quốc hội tuần qua cho biết, ngày càng có nhiều yếu tố gây áp lực tăng lãi suất. Trong bối cảnh đó, cơ quan này đã chủ động điều tiết tiền tệ, hỗ trợ thanh khoản, lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp, tạo điều kiệm ổn định lãi suất của các tổ chức tín dụng.
Không chỉ vậy, NHNN còn chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối vốn hợp lý, tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện phấn đấu giảm lãi suất cho vay; đồng thời điều chỉnh tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn giảm dần theo lộ trình góp phần giảm áp lực lãi suất cho các tổ chức tín dụng.
Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần nhận định, dự báo lãi suất sẽ tăng của cơ quan quản lý cũng như các ngân hàng thương mại bởi nguyên do những biến động và bất ổn kinh tế thế giới như cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể lan thành chiến tranh tiền tệ. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố trên thị trường vẫn đang giúp ổn định lãi suất huy động, thậm chí khó có cơ hội tăng lãi suất.
Ví dụ như, trong tuần cuối tháng 5, NHNN hút ròng 41.079 tỷ đồng qua kênh tín phiếu. Trên kênh OMO, NHNN không có hoạt động nào mới và cũng không có lượng đáo hạn nào trong tuần. Tính đến thời điểm hiện tại, đang có lượng tín phiếu lưu hành là 84.799 tỷ đồng, không có lượng OMO đang lưu hành nào.
Tính lũy kế kể từ đầu năm 2019 đến nay, NHNN đã hút ròng tổng cộng 141.307 tỷ đồng qua hai kênh OMO và tín phiếu. Thanh khoản tương đối dồi dào là cơ sở để NHNN hút ròng mạnh trên thị trường mở trong những tuần gần đây
Lãi suất huy động kỳ hạn 12, 13 tháng ghi nhận sự điều chỉnh trái chiều ở các ngân hàng, một số ngân hàng lớn điều chỉnh giảm từ 30 - 40 điểm phần trăm, nhưng cũng có ngân hàng điều chỉnh tăng thêm 20 - 30 điểm phần trăm. Mức lãi suất hiện tại dao động trong vùng 6,4 - 7,8%/năm. Nhưng, lãi suất huy động thị trường 1 với các kỳ hạn ngắn ổn định ở mức 4,1 - 5,5%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 5,5 - 7,45%/năm với kỳ hạn 6 tháng đến dưới 12 tháng.
Lãi suất liên ngân hàng tuần qua có xu hướng giảm ở đa số các kỳ hạn. Với kỳ hạn qua đêm và 1 tuần, lãi suất giảm lần lượt 0,3%/năm và 0,15%/năm, từ mức 3,25%/năm và 3,2%/năm xuống mức 2,95%/năm và 3,05%/năm. Đối với kỳ hạn 2 tuần, lãi suất lại tăng từ 3,23%/năm lên 3,35%/năm.
“Thanh khoản thị trường hiện tương đối dồi dào, qua đó giúp lãi suất liên ngân hàng liên tục duy trì ở mức thấp”, một lãnh đạo cao cấp Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN khẳng định.