Khó giảm vì ngân hàng sợ rủi ro cao
Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần cho rằng, lãi suất cho vay không nên giảm theo kiểu hiệu ứng của can thiệp bằng biện pháp hành chính, mà nên để quy luật thị trường chi phối. Thực tế, lãi suất đã giảm dần trong thời gian qua, một phần do tín dụng khó tăng, nợ xấu không giảm, ngân hàng phải cạnh tranh về lãi suất để tìm khách hàng tốt.
Cũng theo vị tổng giám đốc trên, trong bối cảnh hiện nay, lãi suất được các ngân hàng áp dụng tùy từng đối tượng DN cụ thể. Với kỳ hạn ngắn (3 tháng), lãi suất cho vay tại Vietcombank hiện chỉ còn 4%/năm.
“Không cần đến động thái giảm lãi suất đầu vào, các NHTM đã phải giảm lãi suất đầu ra. Lãi suất cho vay DN tốt thấp hơn nhiều so với DN yếu. Điều này có thể bất công với các DN yếu, nhưng trong lúc này, lợi thế chủ động thỏa thuận lãi suất vẫn thuộc về DN mạnh”, vị tổng giám đốc này nói.
Tuy nhiên, các ngân hàng cho rằng, khó có thể giảm mạnh lãi suất cho vay trung, dài hạn. Vì rủi ro đối với vốn trung, dài hạn cao, nợ xấu khó lường trước tình hình sức mua yếu, tồn kho tăng và dự báo sẽ còn kéo dài sang năm sau nên vốn chủ yếu tập trung cho vay ngắn hạn. Còn nếu DN có nhu cầu vốn trung, dài hạn buộc trả lãi suất 11 - 13%/năm.
Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cho rằng, sở dĩ lãi suất cho vay trung, dài hạn còn cao là do cho vay trung, dài hạn tiềm ẩn rủi ro cao, do bối cảnh kinh tế vẫn đang tiếp tục khó khăn. Vả lại, với DN tốt, nhu cầu vốn tín dụng chỉ ngắn hạn nên lãi suất cũng được các ngân hàng chào ở mức thấp hơn.
Thực tế, vốn trung, dài hạn chủ yếu dành cho khách hàng cá nhân vay vốn mua nhà để ở, vay tiêu dùng, trả góp trong vài năm, thậm chí lên đến hàng chục năm. Vì thế, lãi suất cho vay vốn trung, dài hạn và tiêu dùng luôn được các ngân hàng áp dụng cao nhất trong các loại hình tín dụng. Thậm chí, với tín dụng tiêu dùng cá nhân được các công ty tài chính triển khai, lãi suất có thể lên tới 40 - 50%/năm để bù đắp rủi ro.
Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần trên địa bàn TP. HCM cũng cho rằng, khó có thể kỳ vọng lãi suất cho vay trung, dài hạn giảm sâu. Vì vốn huy động của ngân hàng hiện nay chủ yếu là ngắn hạn, đồng thời tỷ lệ cho phép sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn cũng chỉ ở mức 30%. Chi phí huy động vốn trung, dài hạn hiện nay của ngân hàng là 7 - 8%/năm, trần lãi suất đầu vào 5,5%/năm chỉ áp dụng với kỳ hạn dưới 6 tháng. Như vậy, cho vay ra ở mức 11 - 13%/năm đối với vốn trung, dài hạn thì chênh lệch giữa huy động và cho vay còn phải đạt 3 - 4%/năm mới đủ bù chi phí và trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.
Lãi vay vẫn là áp lực với DN
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM cho biết, các DN kinh doanh bất động sản trên địa bàn Thành phố còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng, kể cả gói vốn 30.000 tỷ đồng triển khai dự án nhà ở xã hội. Ngoài ra, lãi suất tiếp tục là áp lực lớn với các DN bất động sản, bởi vốn vay chủ yếu là trung, dài hạn vẫn đang phổ biến ở mức 12 - 13%/năm.
Theo ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc CTCP Visssan, lãi suất thấp chủ yếu cho vay kỳ hạn ngắn; còn mặt bằng lãi suất cho vay trung, dài hạn vẫn khá cao. Vì thế, với việc giảm trần lãi suất huy động mới đây, ông Mười cho rằng, các ngân hàng nên tính toán giảm lãi suất cho vay, nhất là với vốn trung, dài hạn. Có như vậy, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12 - 14% ngành ngân hàng đưa ra cho năm nay mới có thể đạt được.
Cùng với đợt giảm trần huy động thêm 0,5%/năm mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình kêu gọi 4 ngân hàng quốc doanh lớn phải giảm thêm lãi suất vay trung, dài hạn về tối đa 10%/năm.
TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, mức lãi suất cho vay hiện nay đối với nguồn vốn trung, dài hạn ở mức trên 11%/năm là khá cao. So với chỉ số tăng giá hiện nay, lãi suất cho vay vẫn vượt quá khả năng chịu đựng của DN. TS. Lịch kiến nghị, NHNN cần xem xét dùng công cụ điều hành để giảm lãi suất trung và dài hạn xuống, nhằm giúp DN có thể tập trung đầu tư sản xuất - kinh doanh, góp phần đắc lực cho công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế.