Bài toán tỷ giá đã được hóa giải khi Fed giữ nguyên chính sách lãi suất thấp, nhưng câu chuyện lãi suất cao lại đang nóng lên khi ngân hàng tiếp tục tăng nhẹ chi phí đầu vào. Vì vậy, lãi suất cho vay khó giảm thêm, nhất là với vốn trung, dài hạn.
Tăng trưởng tín dụng đang là điểm sáng của nền kinh tế và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian còn lại của năm khi các doanh nghiệp bước vào mùa kinh doanh cao điểm. Tuy nhiên, một nỗi lo đang khiến không ít doanh nghiệp phải suy tính khi lãi suất đầu vào của ngân hàng nhích lên, tạo mặt bằng mới. Theo nhiều chuyên gia tài chính, trước bối cảnh này, lãi suất cho vay khó kỳ vọng giảm sâu. Bài toán giảm lãi suất đang gặp trở ngại lớn khi tỷ giá tăng thời gian vừa qua.
Lãi suất huy động các ngân hàng cổ phần, nhất là ở những nhà băng quy mô nhỏ, đã nhích lên trong 2 tuần đầu của tháng 9, với các kỳ hạn ngắn điều chỉnh tăng 0,1 - 0,5%/năm. Saigonbank đã tăng thêm 0,1%/năm; VIB tăng từ 0,2 - 0,3%/năm; ABBank tăng lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn thêm 0,2%/năm. Mức lãi suất cao nhất được áp dụng tại các kỳ hạn dài. Đơn cử tại SeABank, lãi suất kỳ hạn 12 tháng là 6,8%/năm; Viet Capital Bank là 7,4%/năm; VietA Bank cũng ở mức tương đương, nhưng dành cho khách hàng 45 tuổi trở lên.
Sở dĩ lãi suất huy động vốn tăng nhẹ, theo nhận định của các chuyên gia tài chính - tiền tệ, do áp lực huy động vốn cuối năm gia tăng khi nhu cầu tín dụng mùa cao điểm của doanh nghiệp cải thiện tích cực hơn. Vì thế, lãi suất cho vay ra khó có thể giảm dù cạnh tranh về thị phần tín dụng khá gay gắt và chính sách lãi suất thấp được xem là công cụ tốt để ngân hàng thu hút khách hàng.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, lãi suất tiết kiệm đang tăng nhẹ do các ngân hàng thương mại e ngại sẽ có một sự chuyển dịch dòng tiền từ tiết kiệm VND sang USD và các kênh đầu tư khác, nhất là với bất động sản. Vì thế, ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm để giữ chân khách hàng và thu hút nguồn tiền nhàn rỗi.
“Khi lãi suất huy động trong xu hướng tăng vào cuối năm thì lãi suất cho vay cũng khó giảm”, TS. Hiếu nói.
Thực tế, huy động vốn của ngân hàng có dấu hiệu chững lại từ giữa năm 2015, trong khi tăng trưởng tín dụng lại cao hơn nhiều so với tỷ lệ tăng trưởng dư nợ tín dụng. Số liệu đưa ra từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tính đến 20/8/2015, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng ước tăng 7,26% so với đầu năm (cùng kỳ năm 2014 tăng 7,92%).
Do vậy, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, lãi suất cho vay sẽ khó giảm, vì tỷ lệ NIM (tỷ lệ thu nhập lãi thuần) của các ngân hàng hiện nay tương đối thấp, khoảng 2,5 - 2,7%. Nợ xấu vẫn đang ám ảnh ngân hàng, nên điều chỉnh lãi suất giảm khó.
Theo thông tin từ NHNN, hiện mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến với các lĩnh vực ưu tiên ở mức khoảng 6 - 7%/năm đối với kỳ hạn vay ngắn hạn. Các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước tiếp tục áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên là 9 - 10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh thông thường 6,8 - 9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3 - 11%/năm đối với trung và dài hạn.
Với mức lãi suất này, TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, ngân hàng cần thiết phải xem xét điều chỉnh giảm thêm lãi suất, nhất là đối với vốn trung, dài hạn (giảm khoảng 1%), mới khuyến khích doanh nghiệp tiếp cận vốn tái mở rộng đầu tư, sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, theo TS. Lịch, để kỳ vọng lãi suất cho vay giảm sâu trong bối cảnh hiện nay không dễ, bởi lạm phát kiểm soát ở mức thấp, nhưng áp lực chi phí đầu vào khó giảm khi các kênh đầu tư khác có dấu hiệu ấm lên, nhất là bất động sản; nợ xấu đòi hỏi trích dự phòng cao…
Đồng quan điểm, một thành viên trong Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, lãi suất tiền gửi được các ngân hàng tăng nhẹ lên gần đây chỉ là một biến động nhỏ của thị trường khi tỷ giá VND/USD tăng lên. Mặt khác hiện nay, nhu cầu vay đang có xu hướng tăng, đặc biệt là trong các tháng cuối năm, nên lãi suất có phần tăng nhẹ và đó là yếu tố bình thường trong việc cung cầu vốn cho thị trường.
“Tuy nhiên, ngân hàng nên duy trì lãi suất tiền đồng 4 - 7%/năm, bảo đảm lãi suất cho vay phổ biến từ 6 - 10%/năm để không tăng thêm chi phí sản xuất của doanh nghiệp”, vị chuyên gia trên khuyến nghị.