Lãi suất chịu nhiều sức ép mới

(ĐTCK) Nhiều chuyên gia kinh tế và lãnh đạo ngân hàng đang có chung nhận định “lãi suất không những không có cửa giảm mà nhiều khả năng sẽ tăng”.
Lãi suất liên ngân hàng từ nay đến Tết âm lịch nhiều khả năng duy trì ở mức tương đối cao Lãi suất liên ngân hàng từ nay đến Tết âm lịch nhiều khả năng duy trì ở mức tương đối cao

Thanh khoản không còn dồi dào

Phân tích của Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho biết, sau 7 tháng năm 2016, Ngân hàng Nhà nước (Ngân hàng Nhà nước) đã khởi động lại thị trường mở (OMO). Cụ thể, tuần đầu tiên của tháng 12 đã có 35.059,88 tỷ đồng được bơm mới qua kênh này, trong khi lượng vốn đáo hạn là 2.571,88 tỷ đồng. Do vậy, 32.488 tỷ đồng đã được Ngân hàng Nhà nước bơm ròng qua kênh OMO.

Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã ngừng phát hành tín phiếu ở tất cả các loại kỳ hạn nhưng lượng vốn đáo hạn qua kênh này trong tuần vừa qua vẫn đạt 2.590 tỷ đồng. Diễn biến trên cho thấy, thanh khoản hệ thống ngân hàng trong thời điểm hiện tại đã không còn dư thừa nhiều như trong quý III vừa qua.

Lãi suất liên ngân hàng trong tuần qua tiếp tục xu hướng tăng mạnh so với tuần trước đó, đạt mức cao nhất trong vòng 10 tháng trở lại đây ở cả ba loại kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm tăng 1,25%, đạt mức 5,1%/năm; kỳ hạn 1 tuần tăng 1,17%, lên mức 5,11%/năm; kỳ hạn 2 tuần tăng 0,95%, đạt mức 5,07%/năm. Theo Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng tính đến hết tháng 11/2016 đạt mức 15,8%, trong khi tăng trưởng huy động là 15,2%.

Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần nhận định: “Việc tín dụng tăng tốc mạnh trong tháng vừa qua là diễn biến không bất ngờ do nhu cầu vay vốn trong nền kinh tế thường tăng cao vào dịp cuối năm.

Điều này đã khiến cho thanh khoản hệ thống ngân hàng có những căng thẳng nhất định, qua đó trực tiếp đẩy lãi suất liên ngân hàng lên một mặt bằng mới. Chúng tôi cho rằng, lãi suất liên ngân hàng từ nay đến Tết âm lịch còn duy trì ở mức tương đối cao, dao động từ 4,5 - 5%/năm”. 

Và tỷ giá với những biến động

Sau phiên họp thường kỳ tháng 12 diễn ra trong 2 ngày 13 - 14/12, Ủy ban Thị trường mở (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định nâng lãi suất định hướng 0,25%, lên mức 0,5 - 0,75%. Ngay hôm sau, ngày 15/12/2016, thị trường ngoại hối dậy sóng với tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 22.135 đồng, tăng 11 điểm so với ngày trước đó và tỷ giá bán ra được niêm yết ở mức 22.749 đồng.

Tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng sau khi mở cửa ở mức 22.725 đồng, tương đương giá đóng cửa ngày hôm trước, đã nhanh chóng tiến đến ngưỡng chặn trên của thị trường là tỷ giá bán ra của Ngân hàng Nhà nước, giao dịch quanh khoảng 22.745 - 22.755 đồng. Tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do giao dịch quanh mức 23.300 - 22.360 đồng, tăng khoảng 30 - 50 điểm so với ngày trước đó.

“Thị trường ngoại hối liên ngân hàng trở nên căng thẳng, thanh khoản sụt giảm khiến tâm lý lo ngại gia tăng và kéo theo tình trạng đầu cơ, găm giữ từ phía doanh nghiệp, cá nhân cũng như các ngân hàng thương mại khiến Ngân hàng Nhà nước đã phải bán ra gần 1 tỷ USD tính đến cuối tuần qua”, một lãnh đạo ngân hàng cho biết. 

Cẩn trọng lạm phát vượt kế hoạch

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2016 tăng 0,48% so với tháng trước, tăng 4,52% so với cùng kỳ năm trước, CPI bình quân 11 tháng năm 2016 tăng 2,47% so với bình quân cùng kỳ năm 2015.

Thực tế 11 tháng, lạm phát đã đạt 4,52% và chỉ còn 0,48% là vượt ngưỡng kế hoạch 5% của năm 2016. Tổng cục Thống kê cũng dự báo, tháng 12/2016, CPI sẽ tăng cao hơn bởi nhu cầu tiêu dùng phục vụ dịp lễ, Tết khiến giá các mặt hàng thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, may mặc, giầy dép, đồ dùng cá nhân sẽ tăng…

Đối với năm 2017, theo nghị quyết của Quốc hội, mục tiêu lạm phát tăng bình quân khoảng 4%, tuy nhiên, phát biểu trong cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá, chiều 22/12, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, có nhiều thách thức để thực hiện mục tiêu này, khi giá nhiều mặt hàng đã xuống đáy và đang có xu hướng tăng trở lại.

Bên cạnh đó, yếu tố thiên tai khó dự đoán cũng tiềm ẩn áp lực lên mặt bằng giá lương thực, thực phẩm. Trong khi giá dầu được dự đoán sẽ hồi phục trong năm 2017 nhờ cung cầu trên thị trường dầu mỏ trở lại trạng thái cân bằng…

Nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho rằng: “Với mục tiêu lạm phát tăng bình quân khoảng 4%, dư địa để Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ, tăng cung tiền M2 như đã làm trong năm 2016 là không nhiều. Ngoài ra, trong bối cảnh đồng USD dự đoán sẽ mạnh năm 2017, lợi suất trái phiếu toàn cầu gia tăng, việc cắt giảm hay duy trì lãi suất thấp của Ngân hàng Nhà nước chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn”. 

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục