Lại nói về tư duy “quản” trong dự thảo nghị định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp

(ĐTCK) Dù đã có một vài thay đổi theo chiều hướng tích cực sau khi lĩnh hội ý kiến đóng góp của các thành phần có liên quan, dự thảo cập nhật nhất của Nghị định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo vẫn còn nhiều điểm bất cập, chưa phù hợp với chủ trương kiến tạo của Chính Phủ.
Hiện gánh nặng cung cấp vốn cho doanh nghiệp và nền kinh tế đang đè lên vai các ngân hàng Hiện gánh nặng cung cấp vốn cho doanh nghiệp và nền kinh tế đang đè lên vai các ngân hàng

Chính phủ kiến tạo….

Trong hơn 2 năm qua Chính phủ đã hành động hết sức khẩn trương và quyết liệt để thực hiện chủ trương xây dựng một chính phủ kiến tạo, vì người dân và doanh nghiệp. Theo tinh thần này, các cơ quan Chính phủ cũng như chính quyền các địa phương đã triển khai có hiệu quả chủ trương này.

Kết quả được thể hiện rõ ở việc các tổ chức quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá ngày càng cao môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Điều này được hiện thực hóa bằng tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của năm 2017 (6,81%) và dự kiến trong cả năm nay (6,98%), trong khi những yếu tố vĩ mô nền tảng vẫn được duy trì ổn định.

Đây là thành quả rất khả quan nếu đặt trong bối cảnh đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chỉ ra là: “Cạnh tranh địa chính trị gay gắt, xung đột xảy ra ở nhiều nơi, kinh tế toàn cầu tiếp tục phục hồi nhưng cũng có nhiều rủi ro, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, chiến tranh thương mại gia tăng, giá dầu thô tăng mạnh cùng với những biến động về lãi suất, tỷ giá trên thị trường tiền tệ thế giới, khoa học công nghệ phát triển nhanh, đặc biệt là những thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tác động sâu rộng đến tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội”.   

Tuy đánh giá cao những thành tích đã đạt được, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng chỉ ra rằng “vẫn còn nhiều điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp, chưa cải cách thực chất”.

Ông cam kết, thời gian tới Chính phủ tiếp tục các giải pháp cắt giảm điều kiện kinh doanh doanh, cắt giảm chi phí, cải cách hành chính nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và tạo niềm tin thu hút mạnh hơn nữa đầu tư của lĩnh vực tư nhân, các tập đoàn lớn, tập đoàn xuyên quốc gia.

Ngoài việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, một trong những biện pháp cụ thể mà Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu ra để giúp giữ vững tốc độ phát triển kinh tế cao trong năm 2019 và những năm tiếp theo là đẩy mạnh phát triển thị trường tài chính, chứng khoán, tập trung phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt nam có quy mô khá nhỏ so với nền kinh tế 

Theo số liệu của Bộ Tài chính, đến cuối năm 2017, dư nợ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp chỉ tương đương 6,19% GDP, thấp hơn nhiều so với mức bình quân 20%-50% GDP của các nước trong khu vực.

Trong khi đó, quy mô của kênh tín dụng ngân hàng tương đương tới 130% GDP tính tại thời điểm cuối năm 2017. Rõ ràng là trách nhiệm cung cấp vốn cho doanh nghiệp và nền kinh tế hiện đang chủ yếu dồn lên vai của khối ngân hàng thương mại.

Để giảm gánh nặng nói trên cho các ngân hàng thương mại, nâng cao chất lượng tài sản của các tổ chức này, từng bước lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng thương mại, rất cần phải giải quyết bài toán thúc đẩy sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Để làm được việc này cần có những chính sách để khuyến khích doanh nghiệp sử dụng công cụ huy động vốn này, song song với việc tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhà đầu tư tham gia thị trường.

…Và dự thảo sửa đổi Nghị định 90/2011/NĐ-CP của Bộ Tài chính

Mặc dù thời gian qua Bộ Tài chính nổi lên như một cơ quan Chính phủ đi tiên phong trong việc cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân, nhưng với Dự thảo sửa đổi Nghị định 90/2011/NĐ-CP về Phát hành trái phiếu doanh nghiệp mà Bộ chủ trì soạn thảo và đã qua tiếp thu một số ý kiến của các đối tượng có liên quan, tinh thần này không được tiếp nối, thậm chí một số ý kiến còn cho rằng, nếu được ban hành còn có thể tạo ra thêm những khó khăn hơn cho cộng đồng doanh nghiệp trong việc huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Từ góc độ của nhà đầu tư trái phiếu, ngoài việc cân nhắc rủi ro của khoản đầu tư thì tính thanh khoản của trái phiếu là một trong những yếu tố chính được xem xét trong quá trình ra quyết định đầu tư. Dự thảo Nghị định quy định trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ chỉ được giao dịch trong phạm vi dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Quy định này làm giảm tính thanh khoản của trái phiếu trên thị trường thứ cấp, từ đó giảm tính hấp dẫn của kênh đầu tư trái phiếu. Đặc biệt, trong trường hợp trái phiếu đã do 99 nhà đầu tư (không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp) sở hữu, khi cần chuyển nhượng, nhà đầu tư sẽ phải tìm được đối tượng nhận chuyển nhượng toàn bộ khối lượng trái phiếu đang sở hữu mà không thể chuyển nhượng một phần. Quy định này gây bất lợi các nhà đầu tư, gây khó khăn cho họ khi muốn thoái vốn khỏi khoản đầu tư này trước ngày đáo hạn.

Về phía tổ chức phát hành, quy định trên có thể khiến họ khó huy động đủ số vốn cần thiết do 99 nhà đầu tư không đăng ký mua đủ số lượng trái phiếu phát hành. Lượng trái phiếu còn lại chưa được đăng ký mua, tổ chức phát hành cũng không thể tiếp tục chào bán cho nhà đầu tư có nhu cầu do số lượng nhà đầu tư đã đạt mức giới hạn mà nghị định đặt ra.

Chưa kể, tinh thần của quy định này chưa phù hợp với việc trái phiếu được tự do chuyển nhượng, sang tên (thông qua các hình thức mua bán, xử lý tài sản cầm cố, thừa kế, cho, tặng..). Luật Chứng khoán, Bộ luật Dân sự không cấm giao dịch và quyền giao dịch là quyền của người sở hữu tài sản.

Một điểm khác cũng cần đề cập tới ở đây là quy định báo cáo tài chính của đơn vị phát hành phải được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính của đơn vị có lợi ích công chúng theo quy định của Luật Kiểm toán độc lập. Hiện tại mới chỉ có 32 doanh nghiệp được Bộ Tài chính chấp thuận đủ điều kiện để kiểm toán báo cáo tài chính của đơn vị có lợi ích công chúng.

Trong khi đó, hiện có khoảng 1.400 doanh nghiệp niêm yết và 1.000 công ty đại chúng, nếu quy định như vậy thì các doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ sẽ khó tìm được công ty kiểm toán và khó đảm bảo yêu cầu về chất lượng, thời gian của đợt phát hành và phải chịu chi phí cao so với khả năng chịu đựng.

Chưa kể, Dự thảo đã quy định nhà đầu tư mua trái phiếu tự đánh giá mức độ rủi ro và tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình. Vì vậy, trái phiếu phát hành riêng lẻ mà buộc phải kiểm toán là không phù hợp. Nếu cơ quan quản lý nhà nước vẫn muốn kiểm toán báo cáo tài chính của đơn vị phát hành thì chỉ cần sử dụng báo cáo kiểm toán của một công ty kiểm toán được cấp phép hoạt động tại Việt Nam là đủ. Bởi bản thân công ty kiểm toán cũng như kiểm toán viên đã phải tuân thủ những quy định của Luật kiểm toán độc lập rồi.  

Ngoài ra, yêu cầu về công bố thông tin trước, trong và sau đợt phát hành quá nhiều và quá chi tiết, không khác gì một đợt chào bán trái phiếu ra công chúng, không phù hợp với một đợt phát hành riêng lẻ.

Với các điểm đã đề cập, không ít ý kiến cho rằng cơ quan soạn thảo cần cân nhắc hết sức kỹ lưỡng những “rào cản” không đáng có, đi ngược với tinh thần “kiến tạo và hỗ trợ”, trong Dự thảo nghị định này, nếu không hệ lụy dẫn tới sẽ là tiếp tục gây mất cân đối giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ, đẩy lãi suất lên cao và từ đó gây áp lực lạm phát - trái ngược với chủ trương và quan điểm điều hành kinh tế hiện nay của Chính phủ. Một hệ lụy gián tiếp khác là gây cản tới trở quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, không hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân.

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ