Thực trạng yếu và thiếu
Theo Bộ Tài chính, đến cuối năm 2017, dư nợ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp tương đương 6,19% GDP, trong khi quy mô của kênh tín dụng ngân hàng tương đương 130% GDP.
Dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam thấp hơn nhiều so với mức bình quân khoảng 20 - 50% GDP của các nước trong khu vực và chưa tương xứng với tiềm năng của nền kinh tế.
Sự tẻ nhạt trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp phần nào thể hiện qua số lượng các thương vụ phát hành ít ỏi. Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 8/2018, ngoài trường hợp Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest (VPI) phát hành thành công 200 tỷ đồng trái phiếu, thị trường chỉ ghi nhận thêm một trường hợp khác là BIDV phát hành thành công 300 tỷ đồng trái phiếu.
Khi lý giải nguyên nhân kém phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho rằng, xuất phát từ yếu tố lịch sử, hệ thống ngân hàng đã có quá trình phát triển gần 70 năm, trong khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp bắt đầu hình thành từ năm 2000.
“Đa phần các doanh nghiệp chưa nhận thức rõ về thị trường vốn, nên khi có nhu cầu vay vốn để sản xuất - kinh doanh thì họ nghĩ ngay đến kênh tín dụng ngân hàng. Cơ chế, chính sách chưa thực sự cân bằng giữa huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu và kênh tín dụng ngân hàng.
Các doanh nghiệp có tâm lý e ngại khi huy động vốn trái phiếu, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vì thói quen và nhận thức của doanh nghiệp, cùng với thủ tục vay vốn ngân hàng đơn giản hơn, chi phí có thể thấp hơn và đặc biệt là không phải thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin đối với nhà đầu tư mua trái phiếu”, bà Phan Thị Thu Hiền, Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính nhìn nhận.
Không chỉ bên cung, thực tế cho thấy bên cầu cũng đang bộc lộc nhiều hạn chế, nhu cầu đầu tư trên thị trường thiếu bền vững. Theo đó, cơ sở nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa đa dạng, thiếu vắng các nhà đầu tư dài hạn.
Các ngân hàng đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp đang chịu nhiều hạn chế, do phải tuân thủ các quy định về cho vay theo thông lệ quốc tế. Nhà đầu tư ngoại chưa tham gia, các quỹ hưu trí tự nguyện chưa hình thành cũng khiến cho sức cầu trên thị trường vốn đã yếu lại càng yếu hơn.
Lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng tương đương 85% GDP cho thấy, nhà đầu tư cá nhân gần như vắng bóng trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Ngoài ra, trung tâm thông tin tập trung về thị trường trái phiếu doanh nghiệp như nhiều thị trường lân cận đến nay chưa hình thành.
Bộ Tài chính cũng đang nghiên cứu hướng sửa đổi Luật Chứng khoán với định hướng xem xét việc gắn xếp hạng tín nhiệm với phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng.
Trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng hiện quá nhỏ, đa phần là phát hành riêng lẻ với đặc thù thông tin gần như không được công khai ra thị trường.
Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp chưa được xây dựng để tăng tính thanh khoản cho trái phiếu, điều này tác động không nhỏ tới hoạt động phát hành trên thị trường sơ cấp.
Sự thiếu vắng vai trò và hoạt động của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đang hạn chế việc tiếp cận kênh đánh giá để ra quyết định đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp của các nhà đầu tư.
“Những hạn chế trên đang khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp kém phát triển. Đáng nói là những tồn tại này kéo dài từ nhiều năm qua, nhưng việc đưa ra các giải pháp tháo gỡ quá chậm và kéo dài. Đến nay, vẫn chưa có những giải pháp cụ thể để phát triển thị trường”, một chuyên gia ở VBMA nói.
Đề xuất giải pháp
Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 90/2011/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Trong đó, Bộ này đề xuất nhiều giải pháp để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế như định hướng của Chính phủ, qua đó từng bước giúp doanh nghiệp giảm phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp huy động vốn trái phiếu.
Theo đó, thay vì phạm vi điều chỉnh rộng như tại Nghị định 90/2011/NĐ-CP, dự thảo nghị định thay thế văn bản này được giới hạn lại là Nghị định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Một trong những điểm nổi bật tại dự thảo, theo đại diện Bộ Tài chính, là nới lỏng điều kiện phát hành để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp huy động vốn trái phiếu, nhắm tới các nhà đầu tư tổ chức.
Đồng thời, dự thảo nghị định bổ sung các cơ chế nhằm tăng cường công khai thông tin của doanh nghiệp phát hành, để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư.
Bộ Tài chính cũng đang nghiên cứu hướng sửa đổi Luật Chứng khoán với định hướng xem xét việc gắn xếp hạng tín nhiệm với phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng.
Định hướng chính sách này nhằm tách bạch phương thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng và phát hành riêng lẻ, từ đó tạo thuận lợi cho cả bên mua và bên bán.
Bên cạnh cơ chế phát hành, Bộ tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế về đầu tư, nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp đảm bảo đồng bộ với các chính sách hiện hành trên thị trường tiền tệ, tín dụng nhằm tạo sự liên thông giữa việc phát triển các thị trường này.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết thêm, để đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cơ quan quản lý đang nghiên cứu chính sách khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư dài hạn như doanh nghiệp bảo hiểm, hệ thống quỹ hưu trí tự nguyện (một số công ty quản lý quỹ đang xin cấp phép thành lập quỹ hưu trí tự nguyện), nghiên cứu phát triển các quỹ tương hỗ, trong đó có các quỹ đầu tư vào trái phiếu.
Từ gợi mở của Nghị quyết số 28 ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội với định hướng đa dạng hoá danh mục, cơ cấu đầu tư của Quỹ bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc an toàn, bền vững, sắp tới, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu cơ chế đầu tư của Bảo hiểm xã hội để trình cấp có thẩm quyền cho phép hệ thống này đầu tư một phần vào các trái phiếu doanh nghiệp có xếp hạng tín nhiệm cao.
Cần sự hợp sức của các chủ thể tham gia thị trường
Để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp sôi động, chuyên nghiệp, cần sự vào cuộc đồng bộ, hợp sức của các chủ thể tham gia thị trường dưới sự chỉ đạo của Chính phủ trong cân đối phát triển thị trường vốn và thị trường tiền tệ.
Về phía cơ quan quản lý, cần thực hiện đồng bộ chính sách tín dụng theo hướng có lộ trình giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn; hạn chế tối đa cho vay vượt quá 15% vốn chủ sở hữu của các tổ chức tín dụng đối với một khách hàng để giảm bớt rủi ro về kỳ hạn, nguồn vốn cho hệ thống ngân hàng và thúc đẩy việc huy động vốn qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Cần thiết lập chuyên trang thông tin tập trung về trái phiếu doanh nghiệp tại Sở giao dịch chứng khoán gắn liền với cải tiến cơ chế công bố thông tin phát hành trái phiếu, nhằm tăng tính công khai, minh bạch trong quá trình huy động vốn trái phiếu.
Theo lộ trình phát triển thị trường trái phiếu, thời gian tới, dự kiến sẽ yêu cầu trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng phải thực hiện xếp hạng tín nhiệm khi điều kiện thị trường cho phép.
Nội dung này đang được nghiên cứu để quy định cùng với việc xây dựng dự thảo sửa đổi Luật Chứng khoán.
Đối với trái phiếu riêng lẻ, sẽ khuyến khích các doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm để tăng cường công khai, minh bạch. Để tiếp sức cho hình thành thị trường định mức tín nhiệm, cơ chế cho sự hình thành tổ chức tín nhiệm đã đồng bộ.
Một doanh nghiệp đã được Bộ Tài chính cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm. Hiện có 3 doanh nghiệp nước ngoài đang nghiên cứu thị trường Việt Nam và thể hiện sự quan tâm tới việc hình thành tổ chức xếp hạng tín nhiệm trong thời gian tới.
Về phần mình, để nâng cao khả năng huy động vốn trên thị trường trái phiếu, các doanh nghiệp cần tăng cường năng lực quản trị công ty, chất lượng kiểm toán báo cáo tài chính, nâng cao nghĩa vụ công bố, minh bạch thông tin để thu hút nhà đầu tư quan tâm và tham gia các đợt phát hành trái phiếu.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính