Lãi lớn, bệnh viện duy nhất trên HoSE chuẩn bị huy động vốn xây thêm 2 bệnh viện

0:00 / 0:00
0:00
Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên sẽ tổ chức ĐHĐCĐ bất thường vào cuối tháng 11 này, thông qua phương án phát hành gần 26 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 16.000 đồng/cổ phiếu.
Lãi lớn, bệnh viện duy nhất trên HoSE chuẩn bị huy động vốn xây thêm 2 bệnh viện

Phát hành cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 2:1 với giá 16.000 đồng/cổ phiếu

Ngày 30/11, Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (mã TNH), bệnh viện duy nhất trên sàn HoSE sẽ tổ chức ĐHĐCĐ bất thường để thông qua phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ.

Tại ĐHĐCĐ thường niên tổ chức hồi tháng 6/2021, cổ đông Bệnh viện đã thông qua phương án phát hành 22,5 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông hiện hữu. Tuy vậy, tại ĐHĐCĐ lần này, HĐQT trình cổ đông phương án phát hành riêng lẻ mới, dựa trên nhu cầu vốn của công ty.

Theo đó, Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên dự kiến chào bán gần 26 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ thực hiện quyền là 2:1. Theo đó, căn cứ vào ngày đăng ký cuối cùng phân bổ quyền, cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu tại ngày chốt danh sách thì có 1 quyền mua. Cứ hai quyền mua thì được mua thêm 1 cổ phiếu mới. Giá phát hành dự kiến là 16.000 đồng/cổ phiếu. Trên thị trường, thị giá TNH đang ở mức 52.400 đồng/cổ phiếu.

Số tiền dự kiến thu được từ đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu là 415 tỷ đồng.

Một nửa số vốn thu về sẽ được công ty sử dụng để mua cổ phần, góp thêm vốn tăng tỷ lệ sở hữu tại các công ty liên kết (Công ty cổ phần Bệnh viện Mắt TNH Thái Nguyên và Công ty cổ phần Bệnh viện Phụ sản TNH Thái Nguyên) để đầu tư xây dựng 2 dự án bệnh viện mới.

Trong đó, 66,5 tỷ đồng được sử dụng để góp thêm vốn đầu tư vào Công ty cổ phần Bệnh viện Mắt TNH Thái Nguyên theo hình thức mua cổ phần để đầu tư Dự án Bệnh viện Mắt Thái Nguyên, nâng tỷ lệ sở hữu của TNH Công ty cổ phần Bệnh viện Mắt TNH Thái Nguyên từ 45% lên thành gần 85%.

Đồng thời, Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên sẽ phân bổ 141 tỷ đồng góp thêm vốn đầu tư vào Công ty cổ phần Bệnh viện Phụ sản TNH Thái Nguyên theo hình thức mua cổ phần để đầu tư Dự án Bệnh viện Phụ sản TNH Thái Nguyên, nâng tỷ lệ sở hữu tại Công ty cổ phần Bệnh viện Phụ sản TNH Thái Nguyên từ 48% lên gần 80%.

Một nửa vốn còn lại (207,5 tỷ đồng) sẽ được sử dụng để bổ sung vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh, phục vụ mở rộng và nâng công suất hoạt động của hệ thống bệnh viện hiện có và trả nợ vay ngân hàng.

Lãnh đạo công ty cho hay, phương án huy động và sử dụng vốn như trên là nhằm đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững và tiếp tục củng cố nội lực, tạo ra nhân tố đột phá nhằm đưa tốc độ tăng trưởng lên cao các năm tiếp theo.

Trong trường hợp chào bán cổ phần không phân phối hết hoặc thời gian phát hành kéo dài hơn dự kiến, HĐQT sẽ xem xét sử dụng linh hoạt các nguồn vốn bổ sung khác.

Thời gian thực hiện phát hành riêng lẻ là sau khi ĐHĐCĐ bất thường thông qua và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận chào bán, dự kiến trong quý IV năm nay hoặc quý I và quý II/2022.

Chia cổ tức 25% bằng cổ phiếu, bổ sung thêm ngành kinh doanh bất động sản

Ngoài nội dung phát hành riêng lẻ 26 triệu cổ phiếu riêng lẻ, tại ĐHĐCĐ bất thường tới đây, Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên cũng lấy ý kiến cổ đông thông qua phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020.

Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 ngày 30/6 của Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên đã đưa ra phương án chia cổ tức bằng tiền và cổ phiếu không quá 30% vốn điều lệ. Căn cứ Nghị quyết này, sau đó, HĐQT bệnh viện đã ban hành Nghị quyết về phát hành trả cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 25%. Tuy nhiên, quá trình triển khai phương án này gặp nhiều bất cập về thủ tục, nếu thực hiện sẽ mất nhiều thời gian.

Chính vì vậy, tại ĐHĐCĐ bất thường, ban lãnh đạo trình cổ đông hủy bỏ phương án trên và trình cổ đông thông qua tờ trình mới để dễ triển khai. Mức chia cổ tức vẫn là 25% bằng cổ phiếu.

Nguồn phát hành là từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến 31/12/2021. Thời gian thực hiện quý IV/2021 hoặc quý I/2021 sau khi ĐHĐCĐ thông qua và được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Vốn điều lệ sau khi phát hành cổ phiếu trả cổ tức là 518,7 tỷ đồng.

Ngoài ra, HDDQT TNH cũng trình cổ đông thông qua việc bổ sung ngành nghề kinh doanh mới: kKinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.

Lý do của việc bổ sung ngành nghề này là để đảm bảo điều kiện pháp lý trước khi công ty thự chiện việc cho thuê lại tòa nhà của của bệnh viện (hiện đang không có nhu cầu sử dụng). Sau khi bổ sung ngành nghề, dự kiến TNH sẽ cho Công ty cổ phần Bệnh viện Phụ sản TNH Thái Nguyên thuê để đầu tư xây dựng bệnh viện Phụ sản TNH Thái Nguyên.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2021, TNH đạt 308 tỷ doanh thu thuần, tăng 32% cùng kỳ năm trước, lợi nhuận trước thuế đạt 113 tỷ đồng, tăng 39%, lợi nhuận sau thuế đạt gần 110 tỷ đồng, tăng 37% cùng kỳ 2020.

Công ty cho biết lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ 9 tháng tăng 50% là do doanh thu thuần tăng 32% nhưng giá vốn chỉ tăng 16%. Mặc dù chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, tuy nhiên công ty đã đi vào hoạt động ổn định, tiếp nhận thêm nhiều bệnh nhân đến khám nên doanh thu tăng mạnh. Hơn nữa, công ty tiết kiệm chi phí dẫn tới biên lãi gộp lên tới 52%, cải thiện so với mức 46% cùng kỳ năm ngoái.

Công ty cổ phần Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên chính thức đi vào hoạt động từ năm 2014 đến nay, là hệ thống bệnh viện ngoài công lập lớn nhất các tỉnh miền núi vùng Đông Bắc, bao gồm Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên và Bệnh viện Đa khoa Yên Bình Thái Nguyên. Cả 2 bệnh viện đều ở nơi tập chung dân cư và khu công nghiệp lớn, các doanh nghiệp lớn như Samsung...

Năm 2021, TNH dự kiến doanh thu đạt 420 tỷ đồng, tăng 255 và lợi nhuận sau thuế 139 tỷ đồng, tăng 28%.

Thùy Liên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục