Phú Mỹ Hưng và những giải trình… cụ thể
Liên doanh Phú Mỹ Hưng được thành lập năm 1993 với vốn pháp định 60 triệu USD, trong đó phía Việt Nam góp 18 triệu USD (bằng quỹ đất) chiếm 30%, phía nước ngoài là Công ty Phu My Hung Asia Holdings Corporation (PMH AH trước đây là Tập đoàn CT&D - Đài Loan) góp 42 triệu USD (bằng tiền mặt), chiếm 70%.
Về phía Việt Nam, Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) đại diện cho UBND TP.HCM góp 30% vốn qua quyền sử dụng đất, nguồn nhân lực, còn CT&D đầu tư 42 triệu USD, tương ứng 70% cổ phần trong Dự án Phát triển đô thị Phú Mỹ Hưng.
Theo UBND TP.HCM, từ năm 2010 đến 2014, Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng hoạt động kinh doanh có hiệu quả, lợi nhuận cao. Do tỷ lệ nắm giữ vốn của doanh nghiệp nhà nước trong liên doanh không chi phối, nên IPC không quyết định được việc chia lợi nhuận tại các công ty này, dẫn đến doanh nghiệp nhà nước bị giữ lại lợi nhuận không chia, ảnh hưởng đến việc nộp ngân sách trong tình hình khó khăn hiện nay.
Theo thống kê của TP.HCM, năm 2014, Phú Mỹ Hưng đã nộp ngân sách 1.292 tỷ đồng, nâng tổng số nộp ngân sách lũy kế từ ngày thành lập đến nay lên 7.071 tỷ đồng.
Về tình hình phân chia lợi nhuận, tính đến năm 2010, IPC đã được chia lợi nhuận 2.425 tỷ đồng. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Bửu Hội, Phó tổng giám đốc Phú Mỹ Hưng cho biết: “Nếu tính phần IPC thực nhận 2.425 tỷ đồng, cộng với phần thuế đã nộp vào ngân sách 7.071 tỷ đồng và cộng tiền sử dụng đất đã nộp vào ngân sách 5.827 tỷ đồng, thì thông qua việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng, tổng thu của ngân sách TP.HCM tính đến nay là 15.323 tỷ đồng”.
Trả lời câu hỏi có hay không vì tỷ lệ phần vốn trong liên doanh thấp dẫn đến yêu cầu về phân chia lợi nhuận từ phía Việt Nam không được thông qua trong liên doanh, ông Nguyễn Bửu Hội cho biết, trong giai đoạn từ cuối năm 2009, hoạt động kinh doanh của liên doanh gặp nhiều khó khăn do thị trường bất động sản không thuận lợi. Để nâng cao chất lượng phục vụ và thu hút khách hàng, Phú Mỹ Hưng đã đầu tư xây dựng các công trình có quy mô lớn như khu The Cresent (2.000 tỷ đồng).
Thêm vào đó, từ năm 2011, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND TP.HCM, công ty liên doanh phải đóng tiền sử dụng đất đối với phần diện tích chưa ký kết hợp đồng mua bán (khoảng 63 ha) với số tiền gần 6.000 tỷ đồng. Để giải quyết các gánh nặng về tài chính trên, thông qua Hội đồng Thành viên, Phú Mỹ Hưng đã huy động tất cả các nguồn lực về tài chính, kết hợp vay ngân hàng.
Từ năm 2010 đến 2014, tuy việc kinh doanh có chiều hướng phục hồi, có lợi nhuận, nhưng liên doanh vẫn chưa trút bỏ được gánh nặng về tài chính. Trước tình hình đó, thông qua tỷ lệ biểu quyết 67%, Hội đồng Thành viên Phú Mỹ Hưng đã thống nhất: tạm thời không chia lãi cho cả hai bên trong liên doanh, để lại nguồn lãi thu được từ kinh doanh để tái đầu tư, phát triển kinh doanh (Biên bản cuộc họp Hội đồng Thành viên số 13/PMH - HĐTV - 14, ngày 7/5/2014).
“Quyết định trên được đưa ra dựa trên bài toán kinh doanh và hướng đến lợi ích lâu dài của liên doanh, bởi nếu chia lợi nhuận cho phía Việt Nam (IPC) 30%, thì phải chia lợi nhuận cho phía nước ngoài (PMH AH) là 70%. Về phía đối tác nước ngoài trong Liên doanh, PMH AH cũng rất mong muốn được chia phần lợi nhuận của mình để chuyển về nước. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh khó khăn về tài chính của Liên doanh, nếu thực hiện việc chia lợi nhuận cho 2 bên, Liên doanh buộc phải vay tiền ngân hàng (với lãi suất 10%/năm), tiền lãi này sẽ cấu thành chi phí, làm giảm lợi nhuận của các năm sau đó. Cộng với các khoản vay hiện tại, gánh nặng tài chính của Liên doanh sẽ là rất lớn. Tất nhiên, IPC cũng phải chia sẻ 30% gánh nặng đó”, ông Hội phân tích.
Việc phân chia lợi nhuận có phù hợp quy định?
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Bửu Hội cho rằng, dưới góc độ pháp luật, việc tạm thời không chia lãi cho cả hai bên là phù hợp.
Trong Công văn 573/BTP-PLSKT ngày 28/2/2014 của Bộ Tư pháp và Công văn 2402/BKHĐT-QLKKT ngày 22/4/2014 gửi Phú Mỹ Hưng có khẳng định: Theo Luật Doanh nghiệp, công ty chỉ chia lợi nhuận cho các thành viên khi công ty kinh doanh có lãi, đã hoàn thành các nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật; đồng thời vẫn phải đảm bảo thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản đến hạn trả khác sau khi chia lợi nhuận (Điều 61).
Việc quyết định chia lợi nhuận hay không, chia như thế nào là thuộc quyền tự chủ của doanh nghiệp và luật này quy định hội đồng thành viên là cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án sử dụng và phân chia lợi nhuận (điểm g, khoản 2, Điều 47, Luật Doanh nghiệp).
Bộ Tư pháp còn khẳng định rõ: “Việc doanh nghiệp quyết định tạm thời không chia lãi các năm 2010, 2011, 2012 cho các bên trong công ty liên doanh, để lại nguồn thu từ kinh doanh để tái đầu tư, phát triển kinh doanh là phù hợp với quy định của pháp luật”(đính kèm trích dẫn 2 công văn của Bộ Tư pháp và Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Như vậy, việc tạm thời chưa phân chia lợi nhuận cho các bên đối tác trong Liên doanh Phú Mỹ Hưng là phù hợp pháp luật và tình hình hoạt động của Công ty. Việc phân chia lợi nhuận sẽ được tiếp tục thực hiện sòng phẳng theo quy định của pháp luật.
Ngay sau khi có buổi làm việc với ông Hội, chúng tôi đã liên hệ với IPC, thì được biết Tổng giám đốc mới là ông Tề Trí Dũng (vừa được điều chuyển từ Bến Thành Group về) hiện đang đi học.
Thư ký của ông Tề Trí Dũng cho biết thêm: “Tổng giám đốc mới đảm nhận cương vị, nên vẫn đang nắm bắt thông tin. Sau khi xem xét sẽ trả lời vào thời điểm thích hợp”.
Khi làm việc với Ban Quản lý đầu tư và xây dựng khu Nam TP.HCM, cơ quan phụ trách quản lý quy hoạch và xây dựng khu vực này, thì được biết, Trưởng ban là ông Hà Phước Thắng cũng vừa được điều chuyển về Ban Quản lý và đang đi công tác, nên chuyên viên văn phòng (tên là Phong) đề nghị Báo Đầu tư fax công văn yêu cầu phỏng vấn, nếu được ông Hà Phước Thắng đồng ý, thì mới có công văn trả lời.