VHC sẽ biến thách thức thành cơ hội
Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC)
Năm 2018, ngành thủy sản Việt Nam trong đó có cá tra được dự báo sẽ tích cực với tình hình xuất khẩu đang tốt lên. Đáng chú ý, Việt Nam đã vượt qua được phép thử đầu tiên trong quá trình xem xét tương đồng của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA). Chỉ có 3 quốc gia vượt qua được rào cản này, trong đó Việt Nam là nước xuất khẩu cá tra lớn nhất vào Hoa Kỳ, do đó chúng tôi kỳ vọng giá trị xuất khẩu sẽ tăng trưởng tốt.
Tại thị trường Trung Quốc, việc kiểm soát nhập khẩu theo đường biên mậu được siết chặt, đồng thời xu thế tiêu dùng mới chú trọng vào chất lượng, hàm lượng dinh dưỡng, tính truy xuất của sản phẩm và tính tiện dụng là điều kiện tốt để VHC gia tăng tỷ trọng xuất khẩu. Bên cạnh đó, thuận lợi từ các hiệp định EVFTA, CPTPP là động lực để VHC khai phá các thị trường mới có ưu đãi về thuế quan và gia tăng xuất khẩu. Ngoài ra, việc Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan quản lý tích cực tháo gỡ các vướng mắc trong quy định về môi trường, thủ tục xuất khẩu, rào cản thị trường…, tạo động lực từ bên trong cho hoạt động xuất khẩu nói chung và các doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng.
Dù vậy, thiếu hụt nguồn cung con giống là một trong những rủi ro lớn đối với các doanh nghiệp cá tra trong năm nay. Với VHC, chúng tôi nhìn nhận, đây vừa là rủi ro nhưng cũng là cơ hội để doanh nghiệp có thể nắm bắt, bởi giá cả nguyên liệu tăng kéo theo giá thành sản phẩm tăng, giá bán cũng sẽ tăng theo.
Để giảm thiểu tác động từ thiếu hụt nguồn cung đến hiệu quả kinh doanh, giải pháp của VHC đã và đang thực hiện là tập trung phát triển vùng nguyên liệu. Trong giai đoạn 2018 - 2019, Công ty sẽ tăng diện tích tự nuôi để tăng tỷ lệ tự chủ nguồn nguyên liệu lên tối đa 80% bao gồm cả phát triển vùng ươm giống chất lượng cao và nuôi cá thịt.
VHC sẽ tập trung tăng thị phần tại các thị trường truyền thống và mở rộng các thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Nhật Bản, Mexico, đồng thời đa dạng hóa danh mục sản phẩm giá trị gia tăng, tập trung vào các sản phẩm ready-to-cook (sạch từ nguồn). Để đảm bảo sản lượng, Công ty sẽ tăng công suất tại nhà máy Thanh Bình, Đồng Tháp, sau khi hoàn tất mua lại nhà máy vào năm 2017. Trên cơ sở đó, năm 2018, VHC đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu 14%, đạt 6.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng khoảng 10%, đạt 650 tỷ đồng.
EVE tập trung chiếm lĩnh thị trường phía Nam
Ông Lee Jae Eun, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Everpia (EVE)
Năm 2017, Hội đồng quản trị EVE đã xây dựng chiến lược 5 năm với mục tiêu tăng trưởng kinh doanh 30% mỗi năm.
Một trong những chiến lược mũi nhọn EVE tập trung để tăng doanh thu là chiếm lĩnh thị trường phía Nam. Đến cuối năm 2017, toàn miền Nam có gần 250 đại lý đang hoạt động. Tuy nhiên, do gia nhập thị trường này khá muộn, nên tỷ lệ đại lý bán độc quyền chưa nhiều, dẫn tới hiệu quả chưa cao. Thời gian tới, Công ty sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống đại lý, tăng số lượng đại lý độc quyền quy mô lớn, bên cạnh việc mở mới khoảng 10 showroom quy chuẩn nhằm tăng khả năng nhận
diện thương hiệu Everon tại đây.
Với khí hậu, văn hóa và thị hiếu của khách hàng miền Nam có nhiều điểm khác biệt so với miền Bắc, để có thể đưa ra những sản phẩm phù hợp với thị hiếu khách hàng, EVE sẽ thành lập Viện Thiết kế miền Nam. Các sản phẩm khăn, mành rèm mới cũng là vũ khí của EVE trong chiến lược tấn công thị trường miền Nam. Thời gian nắng dài trong năm tại khu vực này thích hợp cho việc phát triển doanh thu từ ngành hàng mành, rèm.
Với những chiến lược trên, doanh thu bán hàng trong 5 năm tới tại thị trường phía Nam kỳ vọng sẽ tăng gấp 5 lần so với hiện tại.
VDP tập trung hoàn thiện công tác quản trị, đột phá về công nghệ
Ông Hoàng Văn Hòa, Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương Vidipha (VDP)
Ngành dược Việt Nam vẫn được đánh giá có triển vọng phát triển tốt so với tốc độ phát triển chung của nền kinh tế khi nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng tăng. Tâm lý thích sử dụng thuốc ngoại vẫn hiện hữu, nhưng thuốc ngoại có nhiều loại, trong đó sản phẩm của châu Âu, Mỹ có giá thành khá đắt, các sản phẩm có nguồn gốc Trung Quốc thì chưa tạo được niềm tin của nhiều người, từ đó mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp dược nội.
Tuy nhiên, cơ hội chỉ thực sự đến với các doanh nghiệp có đột phá về công nghê, tạo ra các sản phẩm có giá trị sử dụng gắn với hiệu quả điều trị, cũng như những doanh nghiệp bám sát và kiên trì đáp ứng mục tiêu chiến lược phát triển ngành dược Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 của Thủ tướng Chính phủ. Các doanh nghiệp cạnh tranh phi thị trường hoặc lạm dụng không đúng yếu tố thị trường sẽ dần yếu đi.
Trong bối cảnh đó, VDP nhận thấy doanh nghiệp có nhiều cơ hội phát triển dựa trên những chính sách vĩ mô rõ ràng, nhu cầu và khả năng thanh toán tăng của người tiêu dùng ngày càng cải thiện. Đó cũng là cơ hội để VDP khẳng định năng lực kỹ thuật, tài chính, kinh nghiệm của mình. Song song đó, thách thức vẫn tồn tại với doanh nghiệp dược có gốc là doanh nghiệp nhà nước, đó là hệ thống quản trị công ty, mà VDP không phải ngoại lệ.
Năm 2018, VDP dự kiến doanh thu giảm khoảng 15% so với năm 2017, nguyên nhân là do giảm nguồn thu từ Dự án 17-21 Nguyễn Văn Trỗi, nhưng lợi nhuận từ sản xuất - kinh doanh giai đoạn 2018 - 2019 có thể tăng ít nhất 10%, phấn đấu lợi nhuận giai đoạn 2020 - 2022 tăng trưởng ít nhất 15%.
Cơ sở để lợi nhuận của VDP tăng trưởng đến từ việc cơ cấu lại sản phẩm, đầu tư công nghệ và hoàn thiện hệ thống quản trị doanh nghiệp. Trước mắt, Công ty sẽ tập trung vào việc hợp lý hóa quá trình sản xuất, đồng thời tối ưu hóa quản trị doanh nghiệp, thay đổi phương thức phân phối thu nhập, cơ cấu lại sản phẩm. Sau đó, VDP tiếp tục đầu tư vào công nghệ và nguồn nhân lực một cách toàn diện để đảm bảo và nâng cao hiệu quả hoạt động cho doanh nghiệp.
STK sẽ tận dụng cơ hội từ Hiệp định CPTPP
Ông Đặng Triệu Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sợi Thế kỷ (STK)
Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ mở ra cơ hội lớn cho ngành dệt may Việt Nam nói chung và STK nói riêng. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (cơ sở dữ liệu WITS), kim ngạch nhập khẩu hàng dệt may năm 2016 của 6 nước lớn trong khối CPTPP bao gồm Canada, Mexico, Australia, New Zealand, Chile và Peru là gần 40 tỷ USD. Thị phần xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang các quốc gia này hiện ở mức kiêm tốn, khoảng từ 1 - 5%, do thuế suất đối với hàng nhập khẩu dệt may khá cao (Canada 17 - 18%, Mexico 30%, Australia 10%, New Zealand 10%...)
Các quốc gia nói trên đều có cam kết sẽ cắt giảm đáng kể thuế suất nhập khẩu hàng dệt may từ các quốc gia thành viên CPTPP khi Hiệp định có hiệu lực. Chẳng hạn, Canada sẽ giảm thuế suất về 0% đối với trên 50% các loại mặt hàng dệt may, số còn lại sẽ giảm trong 4 năm. Mexico sẽ miễn thuế ngay 16% các loại mặt hàng, số còn lại giảm dần trong 10 - 16 năm. Australia sẽ giảm ngay thuế suất về 0% với trên 50 loại mặt hàng, số mặt hàng còn lại sẽ cắt giảm thuế về 0% trong 3 - 4 năm. New Zealand sẽ giảm ngay thuế về 0% trên 50% loại mặt hàng, còn lại sẽ giảm dần trong 5 - 7 năm.
Trong 11 nước thuộc khối CPTPP, Việt Nam có quy mô xuất khẩu dệt may lớn nhất. Do đó, với mức cắt giảm thuế suất nhập khẩu hàng may mặc của các nước CPTPP nói trên, Việt Nam sẽ hưởng lợi nhiều nhất vì đơn hàng từ các nước nhiều khả năng sẽ đổ vào. STK sẽ được hưởng lợi gián tiếp từ việc dịch chuyển đơn hàng do các nước trong khối CPTPP sẽ áp dụng nguyên tắc “từ sợi trở đi” (nghĩa là để được hưởng ưu đãi thuế quan thì hàng may mặc xuất đi từ Việt Nam phải được làm từ sợi sản xuất ở Việt Nam).
Các công ty dệt may nước ngoài có thể ồ ạt vào Việt Nam nhằm tận dụng ưu đãi thuế quan. Tuy nhiên, STK đã cạnh tranh với các công ty nước ngoài trong gần 20 năm qua và với lợi thế thương hiệu, chất lượng, giá cả cạnh tranh, STK không lo ngại về vấn đề này.
Năm 2018, Công ty đặt mục tiêu đạt doanh thu 2.354 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 125,9 tỷ đồng. Cơ cấu bán hàng năm 2018 được dự kiến là doanh thu nội địa khoảng 39%, xuất khẩu (bao gồm xuất khẩu nội địa) khoảng 61%, với các thị trường chính như Hàn Quốc, Nhật Bản và Thái lan chiếm gần 60% doanh thu xuất khẩu.
STK đang hợp tác với đối tác chiến lược để xúc tiến cung ứng sợi Recycle đến các nước châu Âu, Pakistan, Indonesia. Hiện nay, các nước này đang có nhu cầu lớn về sợi Recycle để làm sản phẩm Recycle cho các thương hiệu lớn trên thế giới.
STK cũng có kế hoạch thâm nhập thị trường Mexico và Malaysia vì đây là 2 quốc gia có nền công nghiệp dệt may tương đối tiềm năng nhưng yếu về nền công nghiệp sợi xơ dài.
CSM không cạnh tranh giảm giá, mà tập trung củng cố hệ thống phân phối
Ông Nguyễn Minh Thiện, Thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghiệp Cao su miền Nam (CSM)
Nhìn chung, thị trường ô tô trong nước và thế giới đều nằm trong xu hướng phát triển. Cùng với đó, Chính phủ khuyến khích doanh nghiệp trong nước sản xuất và xuất khẩu ô tô, tạo tiền đề thuận lợi cho những doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ trong ngành như săm lốp phát triển.
Hiện nay, ngoài Mỹ, một loạt nước khác như Brazil, Ấn Độ cũng áp thuế chống phá giá đối với sản phẩm săm lốp Trung Quốc. Điều này có lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu săm lốp ở các quốc gia khác ngoài Trung Quốc, trong đó có Việt Nam.
Song song với cơ hội, thách thức cũng gia tăng bởi sự cạnh tranh mạnh mẽ đến từ các nước ASEAN như Thái Lan, Indonesia. Từ ngày 1/1/2018, thuế suất nhập khẩu ô tô các nước trong khu vực giảm còn 0%, theo đó những sản phẩm lốp nhập khẩu vào Việt Nam nhiều hơn.
Đối với thị trường trong nước, các doanh nghiệp nằm trong khối FDI có nhà máy sản xuất đặt tại Việt Nam, chẳng hạn Kumho, Sailun…, đang đẩy mạnh đầu tư nâng công suất nhà máy.
Mặt khác, với diễn biến giá dầu phục hồi, một số nguyên phụ liệu từ dầu như than đen, cao su tổng hợp, vải mành đều tăng giá làm chi phí đội lên. Tuy nhiên, một điểm tích cực là giá cao su tự nhiên dự báo trong năm 2018 sẽ không biến động mạnh, trong khi Công ty đã chủ động dự trữ cao su thiên nhiên ở mức giá tương đương năm 2016, thấp hơn so với năm 2017, vì vậy tác động vào giá nguyên vật liệu trong năm nay sẽ phụ thuộc đáng kể vào giá dầu.
Trước tình hình đó, chiến lược mà CSM đề ra trong năm nay là tập trung củng cố hệ thống phân phối, có những chính sách hậu mãi để giữ chân đại lý cũng như khách hàng, thay vì cạnh tranh bằng giảm giá bán.
Cũng trong năm 2018, CSM có kế hoạch tăng tỷ trọng xuất khẩu từ 30% lên 35% trong cơ cấu doanh thu thông qua đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ lốp bán thép PCR. Dự án 500.000 lốp bán thép PCR được triển khai từ giữa năm 2017, dù tình hình tiêu thụ tốt nhưng chưa đạt điểm hòa vốn. CSM đặt mục tiêu sẽ nâng công suất sản xuất lốp PCR lên 1 triệu lốp/năm. Hiện nay, công suất đạt 70.000 lốp/tháng và dự kiến đạt công suất 100.000 lốp/tháng vào giữa năm nay. Tại mức này, CSM kỳ vọng sẽ đạt điểm hòa vốn và lãi nhẹ từ sản phẩm nhóm sản phẩm PCR.
Tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên sắp tới, Hội đồng quản trị CSM dự kiến sẽ trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2018 với chỉ tiêu doanh thu 3.800 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 105
tỷ đồng.
Cuộc chiến thương mại không đáng ngại bằng lợi suất trái phiếu Mỹ tăng
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược Công ty Chứng khoán MB (MBS)
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ký biên bản ghi nhớ về việc áp thuế cao lên hàng hóa Trung Quốc với giá trị 60 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ hiện nay khoảng 460 tỷ USD/năm. Do đó, nếu dự kiến trên được thực thi thì sẽ gây thiệt hại đáng kể cho Trung Quốc và kích thích các biện pháp trả đũa.
Sự kiện này đang dấy lên lo ngại về ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu và khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại. Về lý thuyết, cuộc chiến này khiến hàng hóa các nước xuất khẩu sang nhau sẽ khó khăn, giá thành trở nên cao, tác động đến túi tiền của người tiêu dùng ở tất cả các nước. Tổng cầu trên toàn cầu nhiều khả năng sẽ sụt giảm do khả năng chi trả thấp hơn. Việt Nam cũng nằm trong danh sách các đối tác thương mại có thặng dư thương mại thuộc loại lớn với Mỹ, nhưng nằm gần cuối bảng, vì vậy rủi ro là không đáng ngại.
Ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại có thể tác động sang mảng tiền tệ, mặc dù Mỹ tăng lãi suất nhưng hiện nay USD tiếp tục yếu để tăng sức cạnh tranh, xuất khẩu nhiều hàng của Mỹ. Điều này có lợi cho Việt Nam, tỷ giá theo đó sẽ không gây áp lực và có cơ hội giữ nguyên trong năm 2018. Bên cạnh đó, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm còn hơn 2,8%, từ mức hơn 2,9% vào cuối ngày 22/3. Vì vậy, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) vào Việt Nam nhiều khả năng sẽ không bị ảnh hưởng và thực tế cho thấy, dòng vốn này đang ở trạng thái mua ròng.
Tuy nhiên, chúng ta cần theo dõi động thái của lợi suất trái phiếu Mỹ, vì nếu lợi suất tăng vọt sẽ là yếu tố đáng lo ngại, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế và tiền tệ Mỹ, khi đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực lên dòng vốn và tiền tệ thế giới, có thể khiến dòng vốn chảy ngược về Mỹ và tỷ giá USD/VND biến động tăng.
Đối với yếu tố lạm phát trong năm 2018, chúng tôi cho rằng, mức lạm phát có thể cao hơn năm 2017, vì giá cả nhiều hàng hóa trên thế giới nhiều khả năng tăng cao. Theo đó, lãi suất sẽ khó có điều kiện giảm. Do đó, dù lạc quan về kinh tế năm 2018, song sự cẩn trọng vẫn rất cần thiết.
Yếu tố nội tại vẫn quyết định sức tăng trưởng của nền kinh tế
Ông Trương Duy Khiêm, Giám đốc chi nhánh, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS)
Kinh tế Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới vì vậy những rủi ro bên ngoài tác động đến kinh tế trong nước là tất yếu, quan trọng là Việt Nam phải chuẩn bị tinh thần để đối phó với những rủi ro đó như thế nào.
Hiện Mỹ là đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam, kinh tế Mỹ tác động đến kinh tế Việt Nam qua kiều hối, đầu tư, xuất nhập khẩu. Chính sách bảo hộ thương mại, tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ gây ảnh hưởng đến lãi suất trên thế giới nói chung và Việt Nam không là ngoại lệ. Xu hướng bảo hộ của Mỹ gây ra rào cản kinh tế, điều này sẽ ảnh hưởng đến thuế suất của các ngành xuất khẩu của Việt Nam.
Hiện tại, Nhà nước đang có những chính sách kích thích các doanh nghiệp trong nước phát triển và nếu như các doanh nghiệp phát triển không đúng hướng sẽ gây ra nợ xấu. Vấn đề nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam dù đã cải thiện nhưng vẫn chưa giải quyết dứt điểm.
Một trong những điểm sáng là Việt Nam đang duy trì chính sách lãi suất và ổn định lạm phát ở mức thấp, điều này sẽ thu hút dòng vốn từ nhà đầu tư nước ngoài để phát triển kinh tế trong nước. Tuy nhiên, nếu kiểm soát không được lãi suất và lạm phát sẽ tạo ra rủi ro cho toàn hệ thống khi nợ xấu hệ thống ngân hàng có thể sẽ gia tăng trở lại, ảnh hưởng chung đến nền kinh tế và hoạt động xuất nhập khẩu, thị trường bất động sản cũng bị ảnh hưởng.
Đối với Việt Nam, tác động ngoại lực và nội lực đều đáng lo ngại. Tuy nhiên, yếu tố quyết định vẫn là nội tại của Việt Nam khi cần kiềm chế và ổn định thực lực trong nước, chuẩn bị nội lực để đương đầu với những thay đổi, tác động từ bên ngoài.
Lạm phát là yếu tố cần cân nhắc
Bà Trần Hà My, Chuyên viên cao cấp - Kinh tế vĩ mô Khối phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT
Trong năm 2018, chúng tôi cho rằng, nhà đầu tư cần cẩn trọng với 3 rủi ro.
Thứ nhất, việc nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể làm đảo chiều định hướng chính sách tiền tệ của nhiều quốc gia khác, trong đó Việt Nam khó tránh khỏi bị ảnh hưởng.
Thứ hai, chính sách “nước Mỹ trên hết” đã được Tổng thống Donald Trump thực hiện khá triệt để từ ý chí đến lời nói và hành động. Việt Nam đã là một quốc gia đã hội nhập sâu vào kinh tế toàn cầu với giá trị xuất khẩu tương đương quy mô GDP, động thái trả đũa thương mại hay nói cách khác là chiến tranh thương mại nếu xảy ra sẽ gây xáo trộn đến hoạt động thương mại, sản xuất và tăng trưởng của nền kinh tế trong nước.
Thứ ba, lạm phát quay trở lại đang là chủ đề được nhiều người quan tâm trên quy mô toàn cầu, không chỉ ở các nền kinh tế phát triển mà dự báo sẽ nóng dần đối với Việt Nam từ nay đến cuối năm. Các giải pháp điều hành của Chính phủ nếu không mang lại hiệu quả kiểm soát lạm phát có thể gây bất ổn cho nền kinh tế, làm giảm niềm tin tiêu dùng và ảnh hưởng đến tăng trưởng.
Mặt khác, các yếu tố nội tại của nền kinh tế có mối tương quan chặt chẽ với nhau, chẳng hạn lạm phát tăng cao sẽ khiến đồng nội tệ mất giá, hay lãi suất cho vay ảnh hưởng đến nhu cầu vay của doanh nghiệp và người dân. Ước lượng một cách tương đối, chúng tôi xếp hạng rủi ro lạm phát là yếu tố cần cân nhắc hàng đầu trong bối cảnh vĩ mô hiện tại.
Bởi lẽ, nếu lạm phát tăng mạnh trong giai đoạn kinh tế đang đi vào chu kỳ cuối của tăng trưởng sẽ khiến nhà điều hành chịu áp lực buộc phải thắt chặt chính sách tiền tệ, khi đó những tài sản tăng giá mạnh trước đó chịu áp lực điều chỉnh đầu tiên. Riêng đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, rủi ro dòng vốn đầu tư nước ngoài rút ra sau một thời kỳ dài tích lũy sẽ ảnh hưởng đến kỳ vọng và hành động của nhà đầu tư trong nước.