Khoảng 1 tuần nữa, kịch bản kinh tế 2018 sẽ được trình Chính phủ

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng các kịch bản kinh tế 2018 và báo cáo Chính phủ trước ngày 15/3. Câu hỏi đặt ra là, liệu năm nay, nền kinh tế sẽ đi theo kịch bản nào?
Lạm phát là một trong rất nhiều rủi ro cần phải lường trước và thận trọng trong điều hành kinh tế 2018. Lạm phát là một trong rất nhiều rủi ro cần phải lường trước và thận trọng trong điều hành kinh tế 2018.

Kịch bản nào?

Còn khoảng một tuần nữa, kịch bản kinh tế 2018 sẽ chính thức được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ. Bởi vậy, vào thời điểm này, chưa có bất cứ thông tin nào liên quan đến kịch bản được tiết lộ.

“Chúng tôi vẫn đang nỗ lực thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Chúng tôi cũng đang hối thúc các bộ, ngành, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước gửi báo cáo về kế hoạch năm để làm cơ sở xây dựng và hoàn thiện các kịch bản tăng trưởng kinh tế 2018”, ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết.

Cần phải nhắc lại rằng, năm ngoái, sau 6 tháng đầu năm kinh tế tăng trưởng khó khăn, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng các kịch bản tăng trưởng kinh tế kèm theo các giải pháp điều hành linh hoạt, cụ thể, hiệu quả.

Nhờ vậy, năm 2017, nền kinh tế đã đạt được nhiều kỳ tích. Năm nay, xác định “không ngủ quên trên vòng nguyệt quế”, ngay từ quý I, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng các kịch bản tăng trưởng kinh tế để kịp thời có giải pháp điều hành quyết liệt, phù hợp.

Tuy kịch bản chính thức chưa được đưa ra, song theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, kinh tế 2018 hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5 - 6,7%, thậm chí cao hơn.

“Tiếp nối đà tăng trưởng của năm 2017, năm nay, không quá khó để nền kinh tế đạt được mục tiêu này”, chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh nhận xét.

Chính Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, khi công bố các báo cáo về tình hình kinh tế vĩ mô, cũng đưa ra các nhận định tương tự. Thậm chí, con số mà Ủy ban đưa ra lên tới 6,8%.

“Nếu các chính sách cải thiện bên cung phát huy tác dụng thì dự báo tăng trưởng GDP năm 2018 có thể đạt mức cao hơn”, ông Đặng Ngọc Tú, Trưởng ban Nghiên cứu và Điều phối chính sách của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết.

Kinh tế 2018 hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5 - 6,7%, thậm chí cao hơn

Trong khi đó, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) cho rằng, kinh tế Việt Nam có thể diễn ra theo 3 kịch bản. Kịch bản trung bình, có nhiều khả năng xảy ra nhất, thì tăng trưởng GDP là 6,71%, kịch bản cao là 7%, còn kịch bản thấp là 6,31%.

Trong đó, kịch bản cao tuy ít khả năng xảy ra hơn nhưng cũng có thể đạt được, nếu các nỗ lực cải cách kinh tế được thực thi hiệu quả.

Thực tế, sau đà tăng trưởng cao của năm 2017, nền kinh tế đã tiếp tục xu hướng tích cực trong 2 tháng đầu năm nay.

Theo đó, một trong những chỉ số quan trọng nhất tác động tới tăng trưởng kinh tế là chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong 2 tháng đầu năm nay tăng tới 15,2% so với cùng kỳ, cao hơn 6 lần so với mức tăng chỉ 2,4% của cùng kỳ năm trước.

Sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh là cơ sở để kỳ vọng tăng trưởng GDP của trước mắt là quý I năm nay sẽ cao hơn khá nhiều so với mức tăng trưởng 5,15% của quý I năm ngoái.

Trong báo cáo về tình hình kinh tế vĩ mô 2 tháng đầu năm vừa được công bố, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng đã nhấn mạnh, hoạt động sản xuất tiếp tục có những diễn biến tích cực nhờ những chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ theo tinh thần Nghị quyết 01/NQ-CP.

“Tăng trưởng kinh tế cũng đang được hưởng lợi từ đà tăng trưởng của năm 2017 và tính chu kỳ của nền kinh tế. Tính toán cho thấy, chu kỳ của nền kinh tế trong ngắn hạn đang tiếp tục xu hướng phục hồi từ quý II/2017, báo hiệu xu hướng tăng trưởng khả quan của nền kinh tế trong năm 2018”, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định.

Cẩn trọng những rủi ro

Một cách thẳng thắn, khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh cho rằng, dù kinh tế 2018 là khả quan, song vẫn còn rất nhiều rủi ro cần phải lường trước và thận trọng trong điều hành. Rõ nét nhất là lạm phát.

“Năm nay, áp lực lạm phát sẽ lớn hơn, qua 3 tháng đầu năm sẽ thấy rõ hơn điều đó. Thêm nữa, cần lưu ý, sản xuất nông nghiệp năm nay có thể sẽ khó khăn hơn năm trước; còn sản xuất công nghiệp cũng khó tăng cao do các nhà sản xuất lớn như Samsung đã đạt mức tăng trưởng tới hạn”, chuyên gia Cao Viết Sinh nhận định.

Cũng theo ông Cao Viết Sinh, một rủi ro nữa mà nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt trong năm 2018 là xu hướng bảo hộ thương mại của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sẽ ảnh hưởng tới thương mại và kinh tế toàn cầu.

“Có thể những ảnh hưởng trực tiếp tới xuất khẩu của Việt Nam không lớn, nhưng những đổi thay chính sách của Mỹ, bao gồm cả việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể tăng lãi suất USD, có thể gây áp lực đến tỷ giá và giá trị của đồng Việt Nam.

Nếu VND bị mất giá, sẽ gây hệ lụy với xuất nhập khẩu, tới ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam”, chuyên gia Cao Viết Sinh nói.

Trên thực tế, những động thái gần đây của chính quyền Tổng thống Donald Trump làm dấy lên mối lo ngại về nguy cơ một cuộc chiến thương mại, do đó sẽ ảnh hưởng lớn tới kinh tế toàn cầu và điều này đòi hỏi Việt Nam phải có chính sách ứng phó kịp thời.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu các bộ, ngành cần tập trung nghiên cứu, khẩn trương đề xuất các nhiệm vụ, đối sách kịp thời trước việc Mỹ và nhiều nước, các đối tác lớn đang điều chỉnh chính sách, như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tăng thuế một số mặt hàng nhập khẩu, dựng hàng rào thương mại, tăng lãi suất...

Đây là những rủi ro mới xuất hiện trước khi Quốc hội quyết nghị Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2018 và trước khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 01 về các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô năm 2018.

Hồi đầu năm, Ban Kinh tế Trung ương cũng vạch ra một loạt thách thức của nền kinh tế trong năm 2018.

Đó là tăng trưởng đột biến khu vực chế biến, chế tạo - động lực chính cho tăng trưởng cao của năm 2017 khó có khả năng duy trì; dư địa hạn hẹp của chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; tốc độ xử lý các tập đoàn kinh tế, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước vẫn chậm do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan…

Chưa kể, còn là những thách thức liên quan đến những hạn chế, yếu kém tiềm ẩn đã tích tụ nhiều năm như bộ máy hành chính cồng kềnh, thủ tục hành chính còn rườm rà, không hợp lý, chi phí phi chính thức trong giao dịch của doanh nghiệp và người dân; rồi điều kiện thời tiết không thuận lợi có thể làm giảm đáng kể năng lực sản xuất nông nghiệp như đã từng diễn ra trong năm 2016…

Hóa giải được những thách thức trên là cách để nền kinh tế Việt Nam có một kịch bản tăng trưởng tốt trong năm 2018.

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục