Lạc quan cho tuần giao dịch mới

(ĐTCK) Khi NĐT quay lại và dẫn dắt thì không có lý do gì TTCK lại giảm. Cơ hội đang mở ra phía trước nhưng dường như vẫn còn thiếu vắng thông tin hỗ trợ, thiếu vắng người dẫn dắt.
Biểu đồ phân tích kỹ thuật VN-Index (Nguồn: HOSE) Biểu đồ phân tích kỹ thuật VN-Index (Nguồn: HOSE)

Khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) thông báo sẽ tăng cung tiền từ mức 70.000 tỷ yên lên 80.000 tỷ (tương đương 724 tỷ USD), TTCK thế giới đã có 1 tuần tăng điểm đầy ấn tượng. Nhưng khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ám chỉ sẽ có thêm hành động nếu cần để thúc đẩy nền kinh tế thì sự bùng nổ thực sự đã bắt đầu.

Nhiều chỉ số chứng khoán đã lập kỷ lục mới với mức tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Chứng khoán Mỹ tăng trong phiên giao dịch nhiều biến động ngày 6/11, giúp chỉ số S&P 500 và Dow Jones thiết lập các mức cao kỷ lục mới. Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,4% lên mức kỷ lục 17.554,5 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 0,38% lên mức cao kỷ lục 2.031,2 điểm, còn chỉ số Nasdaq tăng 0,38% lên 4.638,47 điểm. Dường như nhịp giảm mạnh hồi đầu tháng 10 với những nỗi lo sợ về việc Fed tăng lãi suất đã sớm đi vào quên lãng. Thị trường đã bứt phá và tạo ra những vùng hỗ trợ mạnh nên lo ngại về rủi ro đảo chiều giảm sẽ khó xảy ra hơn.

Khi sự ổn định trên TTCK thế giới quay trở lại, dòng tiền ngoại nhờ đó sẽ ổn định hơn sau một tuần xáo động. Diễn biến của dòng vốn tại 2 quỹ ETF tại Việt Nam cho thấy, tín hiệu tích cực hơn và dòng tiền đã có xu hướng quay lại, dù chưa nhiều. Quỹ FTSE ETF đã hút được một lượng tiền với khoảng gần 500.000 CCQ nhưng tại VNM ETF thì chưa có sự thay đổi nào. Nhưng chừng đó cũng là đủ bởi nếu xét về mặt chu kỳ thì dòng tiền quay trở lại sẽ mạnh mẽ hơn từ tháng 12 cho đến tháng 3 sang năm.

TTCK Việt Nam cũng được đánh giá là có một tuần khá ổn định. Những biến động tạo ra không còn quá lớn và cầu mua vào đang khá chủ động ở vùng giá thấp hơn. Có thời điểm một số tin đồn lại xuất hiện và nó vẫn khiến cho NĐT lo sợ trong một khoảnh khắc nhất định. Nhưng nhìn chung, thị trường đang dần bình ổn quanh ngưỡng 600 điểm. Đây là một kết quả được đánh giá là tích cực và những yếu tố trên sẽ sớm thúc đẩy dòng tiền quay trở lại.

Với 4 phiên đầu tuần có tính điều chỉnh từ nhịp tăng cuối tháng 10 thì phiên 7/11 có thể chính thức báo hiệu nhịp điều chỉnh đã hết và mở ra cơ hội bứt tốc lên vùng kháng cự mạnh 609-610 điểm đối với VN-Index. Cho dù chưa thực sự lạc quan, nhưng những tín hiệu phát đi từ những cổ phiếu có tính dẫn dắt thị trường như SSI, KBC, HAG, REE... đang mang đến hơi thở lạc quan cho tuần giao dịch kế tiếp. Một điểm tích cực nữa đó là khối lượng giao dịch đã có xu hướng tăng trở lại và tăng hơn 28% so với phiên trước đó. Điều này cho thấy, ở nhịp điều chỉnh giảm thì bên bán chủ động giảm nhiệt và trong nhịp tăng, khối lượng giao dịch cũng tăng tương ứng, cho thấy cầu mua đã bắt đầu trở lại.

Một thông tin khá quan trọng và có thể là yếu tố tích cực cho thị trường tuần tới liên quan đến đợt chào bán trái phiếu chính phủ vừa qua. Đây thực sự là một thành công ngoài dự kiến ở cả khía cạnh số lượng dư mua cho đến lãi suất. Với lượng gọi thầu 1 tỷ USD, nhưng có đến 10,6 tỷ đăng ký mua của 437 NĐT và lãi suất chỉ là 4,8% so với mức dự định ban đầu là 5,125%/năm. Mức lãi suất thấp nhất trong các đợt phát hành từ trước đến nay (lần lượt là 6,875%/năm và 6,755/năm đối với trái phiếu phát hành năm 2005 và 2010.

Đợt chào bán trái phiếu lần này diễn ra đồng thời với giao dịch hoán đổi hai trái phiếu chính phủ đã phát hành ra thị trường vốn quốc tế trước đó với hạn thanh toán vào năm 2016 và 2020.

Kết quả đăng ký hoán đổi lại trái phiếu đã phát hành được chấp nhận mua lại là 726.626.000 USD, trong đó mua lại 436.452.000 USD trái phiếu phát hành năm 2005 và 290.174.000 USD trái phiếu phát hành năm 2010.

Có lẽ, việc Fitch nâng hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên một bậc (từ B+ lên BB-) và Moody (từ B2 lên B1) là yếu tố mang đến thành công.

Ở góc độ khác thì hẳn nhiên chúng ta thấy rằng, NĐT nước ngoài vẫn thực sự nhìn thấy cơ hội và tiềm năng của Việt Nam. Rất có thể, sự kiện này sẽ giúp cho NĐT có cái nhìn tích cực hơn với TTCK Việt Nam và đó là cơ hội để dòng vốn quay trở lại các quỹ ETF sớm.

Khi NĐT quay lại và dẫn dắt thì không có lý do gì TTCK lại giảm. Cơ hội đang mở ra phía trước nhưng dường như vẫn còn thiếu vắng thông tin hỗ trợ, thiếu vắng người dẫn dắt. Những yếu tố này sẽ hội tụ một cách đầy đủ hơn trong 2 tháng cuối cùng của năm 2014 này.

CTCK IVS

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục