Kỳ vọng Việt Nam sẽ sớm có CTCK tầm cỡ khu vực

(ĐTCK) Sau khi Đề án tái cấu trúc TTCK được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 12/2012, số CTCK thành viên Sở GDCK TP. HCM (HOSE) giảm từ 98 xuống còn 89 công ty. 
Nâng tầm TTCK là một trong những mục tiêu quan trong của ngành Nâng tầm TTCK là một trong những mục tiêu quan trong của ngành

Trong 89 CTCK này, có 4 công ty đang bị Sở đình chỉ hoạt động giao dịch để thực hiện thủ tục chấm dứt tư cách thành viên.

Nếu như quý IV/2012, thị phần môi giới của 10 CTCK đứng đầu thị trường là 60,9%, thì đến quý IV/2013, tức sau 1 năm thực hiện Đề án tái cấu trúc, con số này là 65,19%, phần nào thể hiện sự dịch chuyển thị trường từ các công ty thực hiện tái cấu trúc sang các công ty đang hoạt động tốt, đồng thời thể hiện sự tập trung ngày càng sâu vào các công ty đứng đầu.

Tổng vốn chủ sở hữu của các CTCK vào cuối năm 2012 là trên 36.000 tỷ đồng, đến cuối quý III/2014, mức vốn này đạt hơn 38.000 tỷ đồng. Nhân sự cấp cao của các công ty cũng có sự thay đổi mạnh mẽ với sự xuất hiện nhiều nhân sự mới, trẻ trung, năng động và được đào tạo bài bản về chứng khoán và TTCK. Một số công ty đã chủ động tìm kiếm những đối tác lớn hơn để thực hiện hợp nhất, sáp nhập nhằm gia tăng tính cạnh tranh và không bị đào thải khỏi cuộc chơi.

Về chất lượng hoạt động, các CTCK đã tăng cường và chú trọng nhiều hơn vào công tác quản trị rủi ro. Các hoạt động chịu nhiều rủi ro như cho vay margin đã dần được tự động hóa để hạn chế sự can thiệp của con người, từ đó hạn chế sự tùy ý khó kiểm soát. Các quyết định đầu tư cũng được thực hiện cẩn trọng hơn.

Đối với các công ty trong tốp đầu của thị trường, họ tiếp tục đầu tư mạnh vào hạ tầng công nghệ, áp dụng các chuẩn mực quốc tế trong vận hành hoạt động, phát triển thêm nhiều mảng dịch vụ và sản phẩm mới. Các CTCK khác thì không phát triển tràn lan như trong giai đoạn trước, mà tập trung vào thế mạnh, khách hàng truyền thống, thận trọng trong việc tìm hướng đi mới.

Nhìn về tương lai, thách thức của các CTCK trong thời gian tới chính là việc theo kịp các đòi hỏi của thị trường trong triển khai các sản phẩm, dịch vụ mới. Thị trường ngày càng phát triển, nhu cầu về các sản phẩm mới ngày càng nhiều. Để tham gia giao dịch sản phẩm phái sinh, các CTCK phải là thành viên của sàn phái sinh với các đòi hỏi về vốn, công nghệ, nhân sự và quản trị rủi ro cao hơn thị trường cơ sở rất nhiều.

Các CTCK có thể trở thành nhà tạo lập thị trường đối với các sản phẩm này. Đối với sản phẩm chứng quyền mà HOSE đang nghiên cứu triển khai, các CTCK tham gia với vai trò vừa là nhà phát hành, vừa là tổ chức tạo lập thị trường. Ngay đối với với sản phẩm ETF vừa được niêm yết và giao dịch tại Sở, CTCK ngoài việc môi giới cho nhà đầu tư, còn có thể tham gia làm thành viên lập quỹ và tổ chức tạo lập thị trường.

Những CTCK có tiềm lực mạnh về vốn sẽ thuận lợi hơn khi tham gia các nghiệp vụ mới, từ đó đa dạng hóa dịch vụ cung cấp cho khách hàng và mở rộng thị phần. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần có sự đầu tư về con người, về quy trình nghiệp vụ, về quản trị rủi ro. Ngược lại, các CTCK khác nhiều khả năng chỉ có thể tham gia một phần trong các sản phẩm mới đó, vì vậy, họ sẽ gặp khó khăn hơn trong cạnh tranh khách hàng, thị phần. Đối với các CTCK này, thách thức đối với họ chính là xác định rõ vai trò và định hướng hoạt động kinh doanh trong điều kiện thị trường mới.

Ngoài việc song hành cùng khối CTCK trong các hoạt động minh bạch công bố thông tin, hướng dẫn các công ty hiểu và tuân thủ quy định pháp luật…, trong thời gian qua, HOSE đã phối hợp chặt chẽ với các CTCK tổ chức nhiều buổi hội thảo, lớp đào tạo nhằm tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sản phẩm mới dành cho nhân viên CTCK và nhà đầu tư như: Hội thảo trao đổi kinh nghiệm về tư vấn niêm yết và đăng ký đấu giá cho các CTCK; Diễn đàn nâng cao tính thanh khoản cho TTCK; Diễn đàn thị trường phái sinh (phối hợp với Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán); lớp phổ biến kiến thức về ETF. Ngoài ra, Sở hỗ trợ các CTCK trong việc nâng cấp, thay đổi công nghệ và dịch vụ nhằm phục vụ nhà đầu tư ngày càng tốt hơn.

Với vai trò quan trọng của các CTCK trên TTCK, HOSE kỳ vọng khối công ty này hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, chuyên môn hóa trong các hoạt động. Mỗi công ty tìm được chỗ đứng thích hợp trên thị trường. Trong những năm tới, Việt Nam sẽ có các CTCK tầm cỡ khu vực, từ đó góp phần nâng cao hình ảnh của TTCK Việt Nam, cùng thị trường vươn lên những tầm cao mới. 

Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục