Phiên giao dịch đầu tuần, chứng khoán Mỹ có một khởi đầu tích cực và tiếp tục thăng hoa đến cuối phiên khi giới chức Washington liên tục đưa ra các phát biểu về việc nối lại các cuộc đàm phán về gói viện trợ kinh tế mới vốn đã bị trì hoãn vài tuần nay. Bước tiến đầy hy vọng này được coi là động lực chính cho giai đoạn khởi sắc tiếp theo của thị trường.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cho biết, các cuộc đàm phán về gói viện trợ mới với Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin sẽ tiếp tục trong ngày thứ Hai (28/9) và tin tưởng cuộc đàm phán lần này sẽ tìm được một giải pháp thích hợp.
Theo giới quan sát, không chắc có bất kỳ cơ hội nào để gói viện trợ có thể được tung ra trước cuối năm nay nhưng đây là tin tức mang lại cho nhà đầu tư sự tự tin. Ngoài ra, sau vài tuần bán tháo trên diện rộng, thị trường đang có tâm lý bắt đáy.
Cuộc tranh luận đầu tiên trên sóng truyền hình giữa Tổng thống Mỹ Doanld Trump và ứng cử viên Tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden sẽ diễn ra vào ngày thứ Ba (29/8), được dự báo nhiều khả năng làm thay đổi quỹ đạo của cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay. Đây sẽ là tâm điểm theo dõi của các nhà đầu tư trong tuần này.
Cả ba chỉ số chính trên Phố Wall đều tăng điểm với sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu năng lượng, tài chính, bên cạnh nhóm cổ phiếu công nghệ.
Kết thúc phiên 28/9, chỉ số Dow Jones tăng 410,10 điểm (+1,51%), lên 27,584.06 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 53,14 điểm (+1,61%), lên 3,351.6 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 203,96 điểm (+1,87%) lên 11,117.53 điểm.
Chứng khoán châu Âu tăng mạnh trở lại phiên ngày thứ Hai khi các nhà đầu tư săn tìm cổ phiếu trong lĩnh vực ngân hàng, sau khi cổ phiếu nhóm này lao dốc xuống mức thấp kỷ lục vào tuần trước. Bên cạnh đó, dữ liệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi nhanh chóng cũng là động lực thúc đẩy thị trường.
Sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc đang được tạo đà bởi các chính sách kích thích tài khoá của chính phủ và kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh đáng kinh ngạc. Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Trung Quốc, lợi nhuận trong tháng 8 của các công ty công nghiệp nước này tăng trưởng 19,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 613 tỷ nhân dân tệ (tương đương 89,8 tỷ USD) và đây là tháng tăng thứ tư liên tiếp.
Kết thúc phiên 28/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 85,26 điểm (+1,46%), lên 5.927,93 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 401,67 điểm (+3,22%), lên 12.870,87 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 113,61 điểm (+2,40%), lên 4.843,27 điểm.
Chứng khoán châu Á cũng có phiên giao dịch đầu tuần lạc quan. Chứng khoán Nhật Bản tăng điểm khi nhiều công ty sẽ chia cổ tức trong tuần này đã thúc đẩy lực cầu. Chứng khoán Trung Quốc gần như không đổi, nhưng chỉ số bluechip nhích lên trước dữ liệu kinh tế khởi sắc.
Kết thúc phiên 28/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 307,00 điểm (+1,32%), lên 23.511,62 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 1,88 điểm (-0,05%), xuống 3.217,53 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 240,63 điểm (+1,04%), xuống 23.476,05 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 29,29 điểm (+1,29%), lên 2.308,08 điểm.
Giá vàng phục hồi ở mức vừa phải trong phiên giao dịch đầu tuần. Thị trường kim loại quý đang được hỗ trợ bởi sự sụt giảm của chỉ số đồng USD trong phiên ngày thứ Hai.
Kết thúc phiên 28/9, giá vàng giao ngay tăng 20,00 USD (+1,07%), lên 1.881,20 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 10 tăng 15,00 USD (+0,81%), lên 1.872,80 USD/ounce.
Giá dầu tăng nhẹ trước những dữ liệu tích cực từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, tăng thêm kỳ vọng về sự phục hồi nhu cầu nhiên liệu trên toàn cầu.
Kết thúc phiên 28/9, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,35 USD (0,86%), lên 40,60 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,51 USD (+1,20%), lên 42,43 USD/thùng.