Giới đầu tư đặt kỳ vọng vào đảng Dân chủ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall kết thúc tuần thứ tư của tháng 9 với một phiên giao dịch biến động dữ dội trước khi chốt phiên tăng điểm
Giới đầu tư đặt kỳ vọng vào đảng Dân chủ

Kỳ vọng trên thị trường chứng khoán Mỹ được đẩy lên cao hơn trước thông tin Đảng Dân chủ tại Hạ viện đang chuẩn bị đề xuất gói cứu trợ kinh tế mới trị giá 2.200 tỷ USD và dự kiến sẽ bỏ phiếu trong tuần này.

Tuy nhiên, khả năng gói cứu trợ này thành hiện thực khá thấp khi con số 2.200 tỷ USD vẫn cao hơn nhiều so với mức mà các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa sẵn sàng chi ra.

Bên cạnh đó, những đồn đoán rằng cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay có thể kéo dài do việc kiểm phiếu chậm hoặc đối mặt với các thách thức pháp lý cũng đang ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý thị trường.

Phát biểu trong phiên điều trần trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính của Hạ viện Mỹ cùng với Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết, nền kinh tế Mỹ đang chứng kiến đà tăng trưởng nhanh chóng song vẫn để ngỏ việc đưa ra thêm các biện pháp kích thích tài khóa, ngay cả khi các cuộc đàm phán về vấn đề này tại Washington đang bế tắc.

Theo giới quan sát, những vấn đề cũ vẫn đang là tác động chính trên thị trường như tình hình kinh tế - chính trị bất ổn ở Mỹ, tình hình dịch bệnh đáng lo ngại ở châu Âu và tình trạng thiếu các biện pháp hỗ trợ tài chính và tiền tệ mới của Washington.

Về dữ liệu kinh tế, Bộ Thương mại Mỹ hôm thứ Sáu báo cáo, số đơn hàng mới đối với những hàng hóa thiết yếu do Mỹ sản xuất, trong đó có máy móc, sản phẩm điện tử... đã tăng 1,8% trong tháng 8/2020, cao hơn mức dự kiến tăng 0,5% đưa ra trước đó, cho thấy sự phục hồi về chi tiêu mua sắm thiết bị đang diễn ra sau một đợt sụt giảm kéo dài.

Tuy nhiên, báo cáo lạc quan từ Bộ Thương mại Mỹ không thay đổi quan điểm, sự phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới sau khi rơi vào suy thoái do đại dịch đang chậm lại khi nguồn tiền mà chính phủ dành để trợ giúp cho các doanh nghiệp và hàng chục triệu người Mỹ thất nghiệp cạn kiệt.

Cả ba chỉ số chính của phố Wall đều bật tăng mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần, phục hồi một phần đà sụt giảm trong tuần qua, khi nhóm cổ phiếu công nghệ khởi sắc từ đà lao dốc trong tháng 9. Cụ thể, cổ phiếu Amazon tăng 2,5% và cổ phiếu Facebook tăng 2,1%, cổ phiếu Apple vọt 3,8%, cổ phiếu Microsoft tăng 2,3% và cổ phiếu Netflix tăng 2,1%.

Giới phân tích cho rằng, kết quả tích cực trong phiên 25/9 không phải là xu hướng lâu dài, thị trường đã chịu áp lực trong một thời gian dài và đến phiên này, nhà đầu tư đã tranh thủ mua vào khi các cổ phiếu hạ giá.

Kết thúc phiên 25/9, chỉ số Dow Jones tăng 358,52 điểm (+1,34%), lên 27.173,96 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 51,87 điểm (+1,60%), lên 3.298,46 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 111,30 điểm (+2,26%), lên 10.913,56 điểm.

Chốt tuần, S&P 500 giảm 0,63%. Dow Jones mất 1,74% và Nasdaq Composite tăng 1,1%.

Chứng khoán châu Âu có phiên cuối tuần diễn biến trái chiều và ghi nhận tuần giảm tồi tệ nhất kể từ tháng 6. Giới đầu tư không khỏi lo lắng rằng, làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai sẽ cản trở tốc độ phục hồi kinh tế tại lục địa già.

Pháp và Anh thiết lập kỷ lục mới về số ca nhiễm Covid-19 gia tăng vào hôm thứ Năm (24/9), trong khi Chính phủ Tây Ban Nha đề xuất phong tỏa trở lại thủ đô Madrid sau khi số ca nhiễm tại quốc gia này vượt qua con số 700.000, cao nhất tại châu Âu.

Kết thúc phiên 25/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 19,89 điểm (+0,34%), lên 5.842,67điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 137,37 điểm (-1,09%), xuống 12.469,20 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 32,96 điểm (-0,69%) xuống 4.729,66 điểm.

Tính chung tuần qua, chỉ số FTSE 100 giảm 2,74%, chỉ số DAX giảm 4,93% và CAC40 giảm 4,99%.

Chứng khoán châu Á kết thúc tuần với phiên giao dịch ảm đạm. Chứng khoán Nhật Bản hồi phục nhẹ theo chân phố Wall phiên đêm hôm trước, nhờ những kỳ vọng về các biện pháp kích thích của Mỹ sẽ bù đắp cho lo ngại về hiện trạng yếu kém của nền kinh tế toàn cầu.

Chứng khoán Trung Quốc giảm nhẹ và ghi nhận tuần tệ nhất kể từ giữa tháng 7, khi sự gia tăng các ca nhiễm Covid-19 mới tại nhiều nước đã dấy lên lo ngại về tốc độ phục hồi kinh tế toàn cầu.

Kết thúc phiên 25/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 116,80 điểm (+0,51%), lên 23.204,62 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 3,76 điểm (-0,12%), xuống 3.219,42 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 75,65 điểm (-0,32%), xuống 23.235,42 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 6,09 điểm (+0,27%), lên 2.278,79 điểm.

Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,67%, chỉ số Shanghai Composite giảm 3,56%, chỉ số Hang Seng giảm 4,99% và chỉ số KOSPI giảm 5,54%.

Giá vàng thế giới phiên cuối tuần quay đầu giảm do áp lực chốt lời sau phiên tăng khá tốt trước đó. Ngoài ra, yếu tố tác động mạnh đến giá vàng gần đây là đồng USD tăng trở lại cũng đã gây sức ép lên đà hồi phục của vàng.

Theo giới phân tích, hiện tại, đà tăng giá của vàng đang bị thách thức bởi một loạt các nguyên nhân như sức mạnh của đồng USD, bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 và làn sóng Covid-19 quay trở lại tại nhiều nước. Mặc dù vậy, trong dài hạn nhiều ý kiến cho rằng, chính sách tiền tệ nới lỏng của Mỹ và các gói kích thích kinh tế trên toàn cầu vẫn sẽ là các yếu tốt hỗ trợ mạnh cho giá vàng tăng.

Kết thúc phiên 25/9, giá vàng giao ngay giảm 7,40 USD (-0,40%), xuống 1.861,10 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 10 giảm 13,40 USD (-0,72%), xuống 1.855,5 USD/ounce.

Trong tuần, giá vàng giao ngay giảm 4,5%, giá vàng tương lai giảm 4,7%.

Tuần này, thị trường khá lạc quan và có nhiều kỳ vọng giá vàng sẽ tăng. Khảo sát về giá vàng tuần tới với 16 chuyên gia trên phố Wall, có 6 người, chiếm 37,5% dự báo vàng sẽ tăng giá, 5 người, chiếm 31,25% cho rằng giá vàng giảm và như vậy cũng đã có 5 ngưởi, chiếm 31,25%, dự báo giá vàng sẽ đi ngang.

Đối với khảo sát trực tuyến với sự tham gia của 2.391 nhà đầu tư, 50% tin rằng giá vàng sẽ tiếp tục tăng, 34% cho rằng giá vàng giảm và 16% có quan điểm giá vàng sẽ ít thay đổi.

Giá dầu phiên giao dịch cuối tuần điều chỉnh giảm nhẹ do lo ngại số trường hợp nhiễm Covid-19 tăng sẽ khiến nhu cầu nhiên liệu suy giảm, trong khi có khả năng xuất khẩu dầu trở lại từ Libya sẽ bổ sung nguồn cung vào thị trường.

Kết thúc phiên 25/9, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,21 USD (-0,52%), xuống 40,04 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,15 USD (-0,35%), xuống 42,26 USD/thùng.

Tính chung cả tuần, giá dầu WTI giảm 2,27%, giá dầu Brent giảm 1,81%.

Quỳnh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục