MWG không phải chào mua công khai TAG
Với tỷ lệ biểu quyết thông qua là 97,29%, những lá phiếu của cổ đông Công ty cổ phần Thế giới số Trần Anh (TAG) trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông ngày 31/8 vừa qua đã quyết định cho việc Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (MWG) sẽ nhận chuyển nhượng 25% vốn điều lệ của TAG và không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai. Sau đó, TAG sẽ thực hiện hủy niêm yết tự nguyện 24,9 triệu cổ phiếu TAG đang niêm yết trên HNX và chuyển sang đăng ký giao dịch trên UPCoM.
Ông Trần Xuân Kiên, Chủ tịch TAG cho biết, sau khi hủy niêm yết, nếu cổ đông có yêu cầu, TAG sẽ thực hiện mua lại cổ phiếu từ cổ đông để làm cổ phiếu quỹ trong phạm vi thẩm quyền quyết định của Đại hội đồng cổ đông, phạm vi tài chính của Công ty và theo quy định của pháp luật.
Trước đó, ông Kiên chia sẻ, nếu Đại hội đồng cổ đông TAG cho phép MWG mua trên 25% cổ phần TAG mà không phải thực hiện việc chào mua công khai thì MWG có nhu cầu mua lại cổ phần TAG từ tất cả các cổ đông TAG. Hiện tại, MWG đã lên kế hoạch phát hành riêng lẻ 6,7 triệu cổ phiếu để tài trợ cho kế hoạch M&A và khả năng cao là dùng để hoán đổi cổ phần TAG. Việc hoán đổi cổ phần tại các đơn vị dự kiến sẽ sớm được thực hiện trong quý IV/2017.
PAN Foods liên tục tăng sở hữu tại BBC
Sau nhiều lần mua cổ phần để tăng tỷ lệ sở hữu tại Công ty cổ phần Bibica (BBC), Công ty cổ phần Thực phẩm PAN (PAN Food - một thành viên của Tập đoàn PAN) đã chào mua thành công thêm 977.647 cổ phiếu BBC, chính thức đưa BBC trở thành công ty con. Hiện tại, PAN Food sở hữu 7.720.577 cổ phiếu BBC, tương ứng với tỷ lệ sở hữu 50,07% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của BBC.
Kể từ năm 2014 đến nay, PAN Food đã thực hiện nhiều thương vụ M&A với mục tiêu đầu tư, sở hữu và hợp nhất các công ty có thế mạnh trong ngành thực phẩm chế biến như Lafooco, Aquatex Bến Tre...
Cùng với chiến lược thống nhất các công ty thành viên khác trong hệ thống, PAN Food cho biết, sẽ cùng với BBC gia tăng sức mạnh cộng hưởng thông qua việc phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, huy động vốn, gia tăng đầu tư hạ tầng công nghệ sản xuất, củng cố và phát triển hệ thống phân phối.
BBC vốn là doanh nghiệp có thương hiệu trong ngành sản xuất bánh kẹo, có thời gian dài (đỉnh điểm là năm 2012 - 2013) xảy ra mâu thuẫn nội bộ giữa nhóm cổ đông lớn trong nước và cổ đông lớn Lotte đến từ xứ sở kim chi. Trước kế hoạch thôn tính của Lotte, hoạt động đầu tư của BBC từng có giai đoạn gần như bị ngưng trệ. Tuy nhiên, cuối tháng 8, BBC đã thuộc về Tập đoàn PAN.
Về với PAN, BBC cho biết, Công ty tận dụng được thế mạnh của PAN Food trong việc nâng cao hệ thống quản trị tài chính. Năm 2016, BBC đạt doanh thu hơn 1.263 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 81 tỷ đồng, trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 12%. Năm 2017, Công ty đặt mục tiêu doanh thu trên 1.400 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 104,3 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 86,6 tỷ đồng, cổ tức dự kiến từ 12 - 18%.
Nhiều “cặp đôi” khác
Công ty cổ phần Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (SBT) đang thực hiện các thủ tục M&A cuối cùng với Đường Biên Hòa (BHS). Hơn 297 triệu cổ phiếu BHS đã hủy niêm yết từ ngày 30/8/2017 để hoán đổi cổ phiếu SBT.
Theo đó, SBT sẽ phát hành gần 304 triệu cổ phiếu để hoán đổi toàn bộ cổ phiếu BHS đang lưu hành, theo tỷ lệ 1:1,02. Đối với các cổ đông sở hữu cổ phiếu BHS đang bị hạn chế chuyển nhượng, sau khi hoán đổi sang cổ phiếu SBT vẫn bị hạn chế chuyển nhượng theo thời hạn quy định. Sau sáp nhập, BHS sẽ được đổi tên thành Công ty TNHH MTV Đường TTC Biên Hòa - Đồng Nai, với vốn điều lệ hơn 2.978 tỷ đồng và trở thành công ty con của SBT.
Trước đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Kido (KDC) đã nâng tỷ lệ sở hữu tại Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam - CTCP (VOC) lên 51% vốn. VOC lọt vào tầm ngắm của KDC từ 3 năm trước vì doanh nghiệp này có nhiều công ty con và công ty liên kết trong mảng dầu ăn có thương hiệu như Công ty cổ phần Dầu thực vật Tường An (TAC - đã chuyển nhượng cho KDC), Công ty cổ phần Dầu thực vật Tân Bình (Nakydaco), Công ty Dầu ăn Golden Hope Nhà Bè, Công ty Dầu thực vật Cái Lân (Calofic)…
Một số thương vụ M&A như Tập đoàn Geleximco tham gia tái cấu trúc Công ty cổ phần Đầu tư tổng hợp Hà Nội (SHN), Công ty cổ phần Ngoại thương và Phát triển Đầu tư TP.HCM (FDC) M&A với Công ty cổ phần Thiết kế và Xây dựng Đất Phúc.
Cần thời gian để kiểm định sự thành công của các thương vụ M&A. Song thông qua một số thương vụ đã thực hiện trước đó cho thấy, M&A giúp thị trường cân bằng hơn giữa người bán và người mua, quan trọng nhất là tìm được người làm chủ thực sự giúp doanh nghiệp phát triển.