Vì sao có đề xuất nâng trần nợ Chính phủ/GDP lên 55%?
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, theo quy định của Luật Quản lý nợ công, Quốc hội quyết định mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công và các chỉ tiêu về an toàn nợ trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm. Tại Nghị quyết số 10/2011/QH13 về kế hoạch phát triển kinh - tế xã hội giai đoạn 2011-2015, Quốc hội khóa XIII đã phê chuẩn các chỉ tiêu về nợ đến năm 2015 là nợ công không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP.
Ngoài các chỉ tiêu nợ giai đoạn 2011-2015 đã được Quốc hội phê chuẩn tại Nghị quyết nói trên, các chỉ tiêu nợ đến năm 2020 đã được đặt ra tại Chiến lược nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030, tại Chiến lược này, Chính phủ đã xác định mục tiêu đến năm 2020 là nợ công không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 55% GDP.
"Tính đến đầu tháng 10/2016, VN-Index tăng gần 19%, HNX-Index tăng 7%, vốn hóa TTCK đạt 1.676.000 tỷ đồng, bằng 40% GDP"
Vũ Thị Mai.
Cũng theo Bộ trưởng, mới đây Chính phủ có báo cáo Quốc hội nợ Chính phủ năm 2015 đã ở mức 50,3% GDP và dự kiến ở mức trên 53% GDP trong các năm 2016-2019. Đây là một thực tế do huy động của Chính phủ phải bảo đảm bù đắp bội chi và cho đầu tư phát triển theo các báo cáo kế hoạch tài chính 5 năm và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Để bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn cho bội chi và cho đầu tư phát triển nhằm đạt các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020, Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt chỉ tiêu nợ Chính phủ giai đoạn 2016-2020 không quá 55% GDP.
Việc xác định chỉ tiêu nợ Chính phủ không quá 55% GDP cũng hợp lý gữa các cấu phần nợ công theo hướng giảm nghĩa vụ nợ dự phòng từ bảo lãnh Chính phủ, đồng thời kiểm soát mức dư nợ chính quyền địa phương.
Ông Dũng cho biết, Chính phủ cũng đồng thời xây dựng các giải pháp nhằm mục tiêu kiểm soát các chỉ tiêu nợ trong giới hạn cho phép. Theo đó, đầu tư của Nhà nước chỉ tập trung vào các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế, có sức lan tỏa lớn; cắt giảm mạnh bảo lãnh Chính phủ, tiếp tục tái cơ cấu nợ công; thúc đẩy phát triển thị trường vốn trong nước. Chính phủ sẽ ưu tiên phát triển nhà đầu tư dài hạn và đa dạng hóa công cụ nợ, mở rộng cơ sở nhà đầu tư.
Thúc thị trường vốn, cách nào?
Trả lời câu hỏi của Đầu tư Chứng khoán về việc Chính phủ sẽ làm gì để thúc đẩy thị trường vốn phát triển, bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, TTCK năm 2016 khởi sắc là điểm tựa để Chính phủ đặt niềm tin vào giải pháp này.
Theo bà Mai, các chỉ tiêu hoạt động trên TTCK cho thấy những kết quả tích cực: tính đến đầu tháng 10/2016, VN-Index tăng gần 19%, HNX-Index tăng 7%, vốn hóa TTCK đạt 1.676.000 tỷ đồng, bằng 40% GDP.
Điểm đáng chú ý là thanh khoản trên thị trường tăng khá tốt: mỗi ngày có khoảng 8.400 tỷ đồng được chuyển nhượng trên toàn TTCK, trong đó vốn ngày càng chảy mạnh qua kênh trái phiếu Chính phủ (5.400 tỷ đồng). Kênh đầu tư cổ phiếu và chứng chỉ quỹ có giá trị giao dịch bình quân khoảng 3.080 tỷ đồng/phiên.
Mặc dù tính riêng trong tháng 10, TTCK có sự giảm điểm khá mạnh, nhưng theo bà Mai, phát triển thị trường vốn là câu chuyện dài hạn, làm bằng nhiều giải pháp.
Về phía nhà quản lý, bà Mai cho biết, sẽ tập trung hoàn thiện khung pháp lý theo hướng tăng cung hàng hóa có chất lượng trên thị trường. Cùng với đó, khung pháp lý mới, đặc biệt là Luật Chứng khoán dự kiến được làm mới vào năm 2017, sẽ đa dạng hóa phương thức chào bán để tạo điều kiện tối đa cho các DN huy động vốn trên cơ sở công bố thông tin minh bạch.
Nhà quản lý cũng sẽ thúc đẩy sự ra đời của các sản phẩm tài chính mới và quyết tâm ra mắt TTCK phái sinh vào năm 2017, để tăng tính chuyên nghiệp, tăng sức hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.
Một giải pháp mới, theo chia sẻ của bà Mai, là tiến hành tổ chức lại 2 Sở GDCK và triển khai đồng bộ hệ thống công nghệ thông tin, giảm chi phí, tăng năng lực phục vụ thị trường. Liên quan đến tái cấu trúc Sở GDCK, Chính phủ hiện vẫn đang xem xét Đề án hợp nhất Sở, trong đó có 3 điểm mấu chốt là hợp nhất về bộ máy, hợp nhất về công nghệ và hợp nhất về thị trường. Bên cạnh kênh dẫn vốn ngân hàng, thị trường vốn đang được kỳ vọng sẽ vững đà tăng trưởng, góp sức giảm dần áp lực nợ lên vai Chính phủ trong tương lai.