Kỳ vọng thị trường trong nỗi lo không nhỏ

(ĐTCK) Dự báo xu hướng giao dịch của khối ngoại là một trong những nội dung được CTCK BIDV (BSC) chia sẻ tại Hội thảo Triển vọng kinh tế vĩ mô và TTCK cuối năm 2014, đầu 2015, vừa tổ chức tại TP. HCM.
Thị trường có thanh khoản không cao do hai bên mua bán đang ở thế thăm dò Thị trường có thanh khoản không cao do hai bên mua bán đang ở thế thăm dò

Động thái bán sau khi mua ròng 5.810 tỷ đồng

Nhiều câu hỏi được NĐT đặt ra cho đại diện BSC liên quan đến động thái bán ròng của khối ngoại đi kèm với thanh khoản sụt giảm liệu có đáng lo ngại trong quý cuối năm.

Ông Trần Thăng Long, Trưởng phòng Phân tích BSC cho rằng, các tháng trước, hoạt động bán ròng của khối ngoại khá “đặc biệt”, còn từ đầu tháng 10 đến nay có thể là động thái bán ròng thực sự. NĐT nước ngoài mua ròng ở rất nhiều thị trường trong những năm qua do nguồn tiền tương đối rẻ và có các gói kích thích kinh tế. Khi các yếu tố này không còn thì họ rút tiền về, vấn đề là tốc độ và mức độ thu về là bao nhiêu.

Ông Long cho biết, năm nay, tại TTCK Việt Nam, khối ngoại mua nhiều hơn năm ngoái rất nhiều và bán ra cũng ít hơn. Tính chung từ đầu năm đến nay, khối này vẫn đang mua ròng với khối lượng lớn. 9 tháng đầu năm, họ mua ròng 5.810 tỷ đồng, tăng 47% so cùng kỳ năm ngoái. Kỳ vọng, cuối năm nay sẽ có dòng tiền khác của khối này đổ vào thị trường Việt Nam.

Về tính thanh khoản trên thị trường sụt giảm, theo ông Long, điều này cũng rất bình thường, bởi sau giai đoạn tăng trưởng mạnh luôn là giai đoạn giảm điểm với thanh khoản thấp. Hai bên bán và mua đều đang thăm dò nhau nên giao dịch và thanh khoản không cao. 

Nên theo dõi động thái của các quỹ ETF

Bên cạnh động thái giao dịch của khối ngoại, động thái giao dịch của các quỹ ETF cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường. Do đó, từ tháng 6/2013, BSC thực hiện thống kê, dựa vào dữ liệu quá khứ và những tiêu chí chọn/loại cổ phiếu của các quỹ ETF để đưa ra những dự báo, tư vấn cho NĐT.

Theo đại diện BSC, những dự báo này có thể dự đoán động thái mua bán của các quỹ ETF từ 1 - 2 ngày và có xác suất đúng đến 80%. NĐT nên sử dụng dịch vụ tư vấn từ các nhân viên môi giới của BSC để tăng cơ hội chiến thắng, giảm thiểu rủi ro trong đầu tư. Ngoài ra, NĐT nên kiềm chế cảm xúc khi đầu tư và có thể lựa chọn những cổ phiếu được nhiều NĐT tổ chức đầu tư. 

NĐT “than” rủi ro

Tại hội thảo, NĐT “than thở” về việc họ phải đối mặt với nhiều rủi ro trên thị trường. Chẳng hạn, các rủi ro hệ thống như sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển của Việt Nam hồi tháng 5/2014 khiến TTCK lao dốc, NĐT trở tay không kịp.

Đặc biệt là rủi ro thông tin, không ít doanh nghiệp niêm yết công bố hoạt động có lãi lớn, nhưng sau khi kiểm toán soát xét thì mức lãi đó “teo” lại, thậm chí từ lãi biến thành lỗ. Đầu tư trên sàn UPCoM còn rủi ro hơn.

Xét ở khía cạnh công bố thông tin, với những doanh nghiệp niêm yết trên hai sàn HOSE và HNX, NĐT có thể tiếp cận báo cáo tài chính quý, bán niên và báo cáo năm, nhưng doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên UPCoM chỉ công bố báo cáo năm.

NĐT có rất ít thông tin về tình hình hoạt động của doanh nghiệp trên sàn này. Do đó, NĐT kiến nghị, cơ quan quản lý nên quy định, doanh nghiệp giao dịch trên UPCoM ít nhất cũng phải công bố thêm báo cáo tài chính bán niên.

Về vấn đề kỹ thuật, TTCK Việt Nam đã có 15 năm hình thành và phát triển, nhưng vẫn áp dụng cơ chế giao dịch T+3, trong khi TTCK Lào mới được thành lập đã áp dụng cơ chế giao dịch T+2. Việc 3 ngày sau khi mua mới được phép bán chứng khoán khiến NĐT gặp rủi ro. Trong 3 ngày này, nếu có thông tin bất lợi khiến thị trường hoặc giá cổ phiếu đó sụt giảm thì NĐT cũng không thể bán để cắt lỗ.

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục