Kỳ vọng tăng trưởng kinh tế phục hồi mạnh 5 năm tới

(ĐTCK) Kịch bản cơ sở được các chuyên gia của Ban Phân tích dự báo thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia - NCIF (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) dự báo, tăng trưởng kinh tế trung bình giai đoạn 2016 - 2020 của Việt Nam có thể đạt mức 6,55%.
Tăng trưởng kinh tế được kỳ vọng hồi phục mạnh với sự hỗ trợ từ các FTA, lực đẩy từ DN FDI và nhu cầu bên ngoài

Đây là một trong các kịch bản kinh tế được NCIF công bố tại Hội thảo khoa học quốc tế “Kinh tế Việt Nam trong trung hạn: triển vọng và một số ảnh hưởng của yếu tố môi trường”. Tại kịch bản này, giả định là tăng trưởng kinh tế thế giới tiếp tục ổn định ở mức trung bình 3% theo dự báo vào tháng 7/2016 của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Để đạt được mức tăng trưởng tại kịch bản cơ sở, TS Đặng Đức Anh thuộc NCIF cho rằng, cần có các yếu tố đầu vào của bối cảnh trong nước bao gồm: đầu tư khu vực nhà nước được cải thiện nhiều hơn cả về tốc độ giải ngân và hiệu quả; điều hành chính sách có nhiều cải thiện, thủ tục pháp lý và môi trường đầu tư tiếp tục được thuận lợi hóa; tốc độ tăng đầu tư toàn xã hội trung bình giai đoạn tăng 7%.

“Đặc biệt, hệ thống tài chính cần được duy trì ổn định, chính sách tài khóa và tiền tệ tương đối linh hoạt. Các hiệp định thương mại tự do (FTA) được triển khai hiệu quả giúp đầu tư và xuất khẩu của Việt Nam cải thiện hơn”, TS Đặng Đức Anh cho biết.

Kịch bản cao và thấp hơn kịch bản cơ sở tuy ít khả năng song vẫn có thể xảy ra, theo các chuyên gia NCIF. Đối với kịch bản thấp, dự báo tốc độ tăng trưởng chỉ đạt khoảng 6%, thậm chí có thể dưới 6%, nếu các điều kiện trong và ngoài nước không được thuận lợi như kỳ vọng. Đối với kịch bản cao hơn, NCIF dự báo tăng trưởng kinh tế có thể đạt mức 6,85% - 7,01%, đồng thời duy trì được sự phát triển bền vững, tạo tiền đề cho những giai đoạn kế hoạch 5 năm tiếp theo.

Đối với kịch bản cao, TS Đức Anh cho rằng, cần có các yếu tố đầu vào quan trọng như nền kinh tế đạt được những kỳ vọng tại kịch bản cơ sở nhưng tiến trình tái cơ cấu kinh tế cần triển khai mạnh mẽ hơn, đặc biệt là cải cách triệt để thể chế quản lý, qua đó nâng cao hiệu quả đầu tư công, năng suất lao động đạt được mức trung bình của các nước ASEAN, giảm lãi suất cho vay ngắn hạn xuống mức trung bình của các nước đang phát triển. Bên cạnh đó, bắt buộc đòi hỏi đẩy mạnh thoái vốn nhà nước và sử dụng nguồn vốn thu được vào đầu tư kết cấu hạ tầng. Đồng thời, rủi ro đối với nền kinh tế như nợ công hay rủi ro hệ thống tài chính mà cụ thể là nợ xấu phải được giải quyết triệt để.

Trên cơ sở tính toán các kịch bản này, các chuyên gia NCIF đã đưa ra dự báo một số diễn biến lớn của bối cảnh kinh tế trong nước giai đoạn 5 năm tới. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam sẽ thoát khỏi giai đoạn suy giảm và bắt đầu chu kỳ phục hồi mới. Hơn nữa, tăng trưởng kinh tế được kỳ vọng hồi phục mạnh với sự hỗ trợ từ các FTA, lực đẩy từ các doanh nghiệp FDI và nhu cầu bên ngoài.

ThS Lê Tất Phương (NCIF) cũng nhấn mạnh sự khởi sắc trong hoạt động kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân với xu hướng thay đổi tích cực trong cơ cấu vốn đầu tư, khi tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực tư nhân trong cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội đã gần bắt kịp với tỷ trọng của khu vực nhà nước.

“Chủ trương ưu tiên bố trí vốn hỗ trợ theo hình thức đối tác công tư sẽ khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư phát triển xã hội trong giai đoạn tới, nhất là trong lĩnh vực giao thông vận tải”, ông Phương cho biết.

Liên quan đến dòng vốn đầu tư gián tiếp, NCIF cho rằng, việc thúc đẩy các doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường, đồng thời phát triển khu vực kinh tế tư nhân được thể hiện rõ qua chủ trương của Chính phủ trong việc đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán, không giới hạn tỷ lệ sở hữu và sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này sẽ tạo động lực thu hút vốn đầu tư gián tiếp trong giai đoạn 2016 - 2020.

Nhắc tới những thách thức đối với nền kinh tế trong giai đoạn tới, TS Đặng Đức Anh khuyến cáo xu hướng biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường sẽ tác động tới tất cả các vùng miền, các lĩnh vực kinh tế. Trong đó, tài nguyên nước, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, y tế - sức khỏe và khu vực ven biển sẽ chịu tác động mạnh nhất. Dự báo trung bình giai đoạn 2016 - 2020, thiên tai và ô nhiễm môi trường có thể làm giảm GDP khoảng 0,6%/năm.

Theo PGS. TS Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), điều này đặt ra thách thức không nhỏ, đòi hỏi cần có các chính sách phù hợp nhằm đảm bảo hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục