Kỳ vọng phi đô la hóa của Bitcoin vẫn đang xa vời

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kể từ khi Bitcoin ra đời hơn một thập kỷ trước, những người đề xuất tiền điện tử đã bị ám ảnh bởi việc phi đô la hóa, một thuật ngữ dùng để mô tả sự chuyển dịch khỏi vai trò của đồng đô la Mỹ là tiền tệ dự trữ toàn cầu.
Kỳ vọng phi đô la hóa của Bitcoin vẫn đang xa vời

Những lời kêu gọi ngày càng lớn hơn vào năm ngoái khi một số ngân hàng khu vực ở Mỹ phải đối mặt với tình trạng hỗn loạn và nợ liên bang đạt mức kỷ lục 34.000 tỷ USD. Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy đồng đô la vẫn là đồng tiền được ưa chuộng nhất trong các giao dịch quốc tế, với nhu cầu toàn cầu đối với trái phiếu chính phủ Mỹ không đổi.

Nhóm chiến lược gia FX của Credit Agricole cho biết: “Tỷ trọng của USD trong các giao dịch SWIFT quốc tế đã tăng vào năm 2023 và đạt mức cao nhất trong hơn 10 năm. Ngược lại, tỷ trọng của EUR sụt giảm mạnh, còn tỷ trọng của JPY và GBP không thay đổi đáng kể”.

Đồng đô la là đồng tiền dự trữ chính kể từ năm 1944 và các nhà đầu tư có xu hướng gửi tiền vào tài sản bằng đô la hoặc giữ đô la trong thời kỳ căng thẳng của nền kinh tế toàn cầu.

“Tầm quan trọng ngày càng tăng của đồng đô la với tư cách là đồng tiền được lựa chọn trong thanh toán và giao dịch quốc tế là một lý do khác để các nhà đầu tư công và tư nhân trên toàn cầu mua loại tiền này. Đổi lại, điều này sẽ làm chậm hơn nữa bất kỳ nỗ lực nào hướng tới phi đô la hóa”, các chiến lược gia của Credit Agricole cho biết.

Nói cách khác, đồng đô la có thể vẫn là loại tiền tệ được lựa chọn hoặc tài sản trú ẩn trong thời kỳ căng thẳng, hút tiền từ các tài sản khác như Bitcoin và cổ phiếu.

Theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tỷ trọng của đồng đô la trong dự trữ ngoại hối do các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới duy trì giữ ổn định ở mức 59% vào năm 2023, bằng mức của ba năm trước đó. Tỷ trọng của đồng euro giảm xuống mức thấp thứ hai kể từ năm 2017.

Liên quan đến xu hướng đầu tư nước ngoài vào trái phiếu Kho bạc Mỹ, các quốc gia ngoài châu Á đã bù đắp cho sự sụt giảm trong tỷ lệ nắm giữ của Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc) và Nhật Bản vào năm 2023, giữ cho tổng số toàn cầu ổn định.

“Chúng tôi tiếp tục cho rằng kỳ vọng về việc giảm mạnh nắm giữ đồng đô la là khá sớm. Thật vậy, chúng tôi lưu ý rằng trong khi tỷ lệ nắm giữ trái phiếu Kho bạc Mỹ của Trung Quốc và Hồng Kông (và ở mức độ thấp hơn là Nhật Bản) có xu hướng giảm trong suốt năm 2023, thì nhu cầu trái phiếu Kho bạc Mỹ từ phần còn lại của thế giới vẫn tăng khá tốt”, các chiến lược gia của Credit Agricole cho biết.

Theo Global Times, kho dự trữ trái phiếu kho bạc Mỹ của Trung Quốc đạt tổng cộng 769,6 tỷ USD trong tháng 10, đánh dấu mức giảm tháng thứ bảy liên tiếp và tổng cộng giảm 97,5 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2023. Việc tiếp tục giảm số lượng nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ của Trung Quốc đã thúc đẩy câu chuyện phi đô la hóa.

Việc Trung Quốc và Nhật Bản mua trái phiếu Kho bạc không phải là sự hào phóng của các quốc gia này như mọi người thường nhận thấy mà là một bài toán kinh tế. Các quốc gia này có thặng dư tài khoản vãng lai đáng kể (và thâm hụt tài khoản vốn), do đó họ sẽ đầu tư dự trữ ngoại hối thặng dư vào trái phiếu chính phủ Mỹ. Ngoài ra, đầu tư vào Kho bạc còn giúp Nhật Bản và Trung Quốc giữ cho đồng tiền của họ không tăng giá và duy trì thặng dư tài khoản vãng lai.

Nói một cách đơn giản, không có thị trường trái phiếu nào khác có chiều sâu và tính minh bạch để hấp thụ nhu cầu hàng tỷ đô la ngoài thị trường trái phiếu Mỹ.

Trong khi đó, hầu hết các ngân hàng trung ương đều không mặn mà với Bitcoin. Mặc dù sự tham gia của các tổ chức đã tăng lên trong những năm gần đây nhưng tiền điện tử vẫn tiếp tục hoạt động giống như một tài sản đầu tư hơn là nơi trú ẩn an toàn hoặc dự trữ toàn cầu trong tương lai. Ngoài ra, biến động giá cả cũng là một vấn đề. Do đó, ý tưởng về việc Bitcoin thay thế đồng đô la Mỹ làm nguồn dự trữ toàn cầu trong thời gian tới có vẻ xa vời.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục