Thưa PGS-TS, ngay trước khi khép lại năm 2018, đón năm mới 2019, Trung ương Đảng khóa XII đã họp Hội nghị lần thứ 9, với trọng tâm bàn thảo là công tác cán bộ của Đảng. Dư luận các tầng lớp nhân dân rất quan tâm và kỳ vọng vào những quyết sách về cán bộ của Đảng thời gian tới. Ông đánh giá thế nào về sự kỳ vọng này?
Tôi cho rằng, dư luận nhân dân quan tâm và đặt nhiều kỳ vọng vì Trung ương bàn tới công tác cán bộ của Đảng trong một thời điểm quan trọng, thể hiện ở mấy điểm.
Một là, về thực tiễn, trong nhiệm kỳ XII, Trung ương đã phải xử lý nhiều cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, từ nghỉ hưu đến đương chức, từ ủy viên Trung ương đến cả ủy viên Bộ Chính trị. Điều đó cho thấy, dù được Đảng ta hết sức chú trọng, quan tâm, nhưng công tác cán bộ vẫn còn những hạn chế, mà Trung ương Đảng đã thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá. Trung ương xem xét công tác cán bộ chiến lược trong bối cảnh đó không chỉ là nhiệm vụ định kỳ, nhiệm vụ chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ XIII, mà còn mang ý nghĩa rất thời sự.
Hai là, sau quá trình chuẩn bị, Trung ương thực hiện bước chuẩn bị quan trọng cho đội ngũ cán bộ chiến lược của Đảng. Cụ thể, đã xem xét hơn 200 cán bộ quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2021 - 2016.
Ba là, Trung ương lấy phiếu tín nhiệm các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, trước hết là Bộ Chính trị, Ban Bí thư để đánh giá mức tín nhiệm của cán bộ cấp cao về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và năng lực thực tiễn.
Đó là những việc hệ trọng của Đảng, liên quan trực tiếp tới đội ngũ trước mắt và lâu dài của Đảng.
Việc xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương lần này có điểm gì mới, thưa PGS-TS?
Công tác quy hoạch cán bộ đã được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo từ sớm và đã được đề cập ở nhiều nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Năm 2004, Bộ Chính trị khoá IX đã ra Nghị quyết số 42-NQ/TW về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, việc xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược mới được thực hiện lần đầu tiên từ khóa XI.
PGS-TSKH Nguyễn Trọng Phúc
Qua tổng kết, rút kinh nghiệm cách làm của khóa XI, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII khẳng định phải tiếp tục làm và làm một cách căn cơ, bài bản, chặt chẽ hơn.
Việc xem xét Tờ trình quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2021 - 2026 là phần việc thực hiện theo Kế hoạch số 11 về xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ tới.
Lần đầu tiên, Bộ Chính trị khóa XII thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021 - 2026, do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban.
Trước đây, Trung ương quy hoạch cho nhiều khóa, nhưng lần này, chỉ tập trung cho khóa XIII (nhiệm kỳ 2021 - 2026). Trung ương cũng không làm đồng thời các chức danh, mà làm từng bước, cụ thể là Hội nghị Trung ương 9 vừa xem xét quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, sau này sẽ xem xét quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh chủ chốt của Ðảng, Nhà nước.
Điểm đáng lưu ý nữa là, quy hoạch lần này mang tính chủ động, chuẩn bị nhân sự bài bản, dân chủ, làm từ các địa phương, bộ, ngành, có danh sách công khai từ các bộ, ngành trước khi trình Trung ương xem xét.
Điều quan trọng là trong suốt quá trình này, Đảng ta luôn nhấn mạnh những vấn đề căn cốt về công tác cán bộ và các hình thức giám sát, phòng ngừa, chống “chạy quy hoạch”, chạy chức quyền; có những tiêu chí, tiêu chuẩn rõ ràng, toàn diện về phẩm chất, trí tuệ, đạo đức và năng lực thực tiễn để xem xét, lựa chọn cán bộ.
Sự chuẩn bị bài bản, căn cốt đó của Đảng cụ thể như thế nào, thưa ông?
Nhìn vào các Hội nghị Trung ương gần đây, chúng ta có thể thấy rõ điều đó.
Tại Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII), Trung ương đã nêu vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tiếp đó, Hội nghị Trung ương 7 nhấn mạnh việc tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Tới Hội nghị Trung ương 8, Đảng ta ban hành Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Ngay tại Hội nghị Trung ương 9 vừa diễn ra, Trung ương bỏ phiếu tín nhiệm các đồng chí lãnh đạo cao nhất trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư - một trong những việc cụ thể của trách nhiệm nêu gương…
Quy hoạch cán bộ là một quá trình động, có thể bổ sung những người đủ tiêu chuẩn, phẩm chất và đưa ra khỏi quy hoạch những cán bộ có vấn đề, không đủ tiêu chuẩn...
Như vậy, khi xem xét quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa mới, Đảng đã có đủ các cơ sở, được chuẩn bị kỹ lưỡng, theo từng bước, các bước lại liên quan đến nhau. Cụ thể, phải căn cứ vào yêu cầu đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy của Nghị quyết Trung ương 6 để chọn cán bộ; phải căn cứ vào yêu cầu, điều kiện, tiêu chuẩn xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược Nghị quyết Trung ương 7 đề ra mà xem xét quy hoạch; phải thực hiện quy định về trách nhiệm nêu gương của Nghị quyết Trung ương 8 mà xem xét, lựa chọn, vì khi cán bộ thực sự làm gương thì uy tín trong Đảng, trong nhân dân sẽ tốt. Đây cũng chính là dựa vào dân mà xây dựng Đảng.
Nhưng công tác cán bộ của Đảng phải nhìn nhận theo chiều sâu, chiều rộng, gắn kết với nhiều vấn đề, nhiều nội dung khác về xây dựng Đảng mà Đảng ta đã chỉ ra. Một trong những nội dung mang tính gốc rễ, nền tảng chính là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Thực tiễn công tác cán bộ vừa qua cho thấy, càng phải làm tốt nội dung này, bởi nguy hiểm nhất là để lọt những người cơ hội chính trị, những người suy thoái vào đội ngũ cán bộ chiến lược.
Như ban đầu PGS-TS đã nêu, thực tiễn thời gian qua, chúng ta đã phải kỷ luật, xử lý nhiều cán bộ, thậm chí là cán bộ cấp cao vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước. Khi xem xét vụ việc thì đều được báo cáo là làm đúng quy trình. Vậy vì sao vẫn “lọt” những cán bộ suy thoái, biến chất như vậy?
Việc này có 2 điểm đáng lưu ý.
Một là, quy trình thì đúng, nhưng nó đã bị hình thức hóa do nể nang, ngại va chạm, thậm chí bị vô hiệu hóa do dân chủ không đảm bảo, tập thể lãnh đạo bị các cá nhân cầm quyền chi phối bằng cách này, cách khác. Vì thế, cán bộ có sai phạm, uy tín thấp, nhưng vẫn “lọt” vào vị trí quan trọng.
Hai là, quy trình làm đúng, đã lựa chọn được cán bộ theo yêu cầu, nhưng khi được giao cương vị, trọng trách rồi thì bản thân cán bộ đó thiếu tu dưỡng, rèn luyện, bị lợi ích, tham vọng quyền lực thao túng, còn tập thể thiếu giám sát, uốn nắn, nên dẫn đến sa ngã, sai phạm.
Chính vì hai yếu tố trên mà Trung ương nhấn mạnh đến việc công khai, minh bạch trong lựa chọn cán bộ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhắc đến việc kiên quyết không để lọt những người suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; cơ hội chính trị, xu nịnh, chạy chức, chạy quyền... vào quy hoạch cấp chiến lược, làm ảnh hưởng uy tín của Đảng, suy giảm niềm tin của nhân dân.
Đồng thời, quy hoạch cán bộ là một quá trình động, có thể bổ sung những người đủ tiêu chuẩn, phẩm chất và đưa ra khỏi quy hoạch những cán bộ có vấn đề, không đủ tiêu chuẩn, năng lực, đạo đức…
Chúng ta đã có những quy trình, quy chuẩn, tiêu chí khá rõ ràng, có sự chuẩn bị bài bản, chu đáo, nhưng việc đánh giá một cán bộ, xét cho cùng, lại do chính con người thực hiện. Vậy phải làm thế nào để đánh giá cán bộ đúng, thực chất, thưa ông?
Đánh giá một con người vốn đã là việc khó, đánh giá một cán bộ cấp chiến lược - nghĩa là một con người gắn với những yêu cầu chiến lược, những tầm nhìn chiến lược, thì lại càng khó. Chính vì vậy, bên cạnh việc xây dựng những tiêu chí, quy trình khoa học, khả thi, chuẩn bị chu đáo, thì còn đòi hỏi rất lớn ở trách nhiệm, sự công tâm của mỗi đồng chí ủy viên Trung ương khóa XII.
Ở đây, lại trở lại câu chuyện nêu gương. Có một thực tế là, các đồng chí đương nhiệm trong Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, sắp tới, sẽ có người tái cử, tiếp tục đảm nhiệm trọng trách; có người sẽ nghỉ vì hết tuổi theo quy định, hoặc thậm chí không đủ uy tín tái cử… Vậy nhưng khi xem xét quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa mới, tất cả phải thực sự công tâm, vì lợi ích đất nước mà mang hết hiểu biết, kinh nghiệm của mình để lựa chọn, giới thiệu những đồng chí đủ năng lực, uy tín, đạo đức tiếp tục gánh vác nhiệm vụ được Đảng, nhân dân giao phó.
Trong bối cảnh chúng ta đang xem xét quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ sắp tới, Đảng ta tổ chức lấy phiếu tín nhiệm các đồng chí lãnh đạo Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Theo ông, việc này có ý nghĩa như thế nào?
Đó chính là sự nêu gương của Đảng, là sự cầu thị của Đảng để mong muốn xây dựng một Đảng thực sự vững mạnh. Khi Đảng thực sự cầu thị, nêu gương, thì nhân dân càng thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.
Đối với mỗi đồng chí lãnh đạo, việc lấy phiếu tín nhiệm là dịp được nhìn nhận bản thân, từ đó đề cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân.
Khi chính những đồng chí lãnh đạo cao nhất đã nêu gương và lan tỏa tinh thần trách nhiệm đó ra toàn Đảng, thì không có lý gì nhân dân không đặt niềm tin vào Đảng, không có lý do gì chúng ta không kỳ vọng vào việc Đảng ta sẽ ngày càng mạnh lên cả về tổ chức, về chính trị, về tư tưởng và đạo đức để hoàn thành sứ mệnh đưa đất nước phát triển phồn thịnh.