Ưu tiên xử lý nợ
Dù vẫn tranh thủ cơ hội kinh doanh vốn trong mùa cao điểm cuối năm, song các nhà băng cho hay, việc được ưu tiên nhất lúc này là đẩy mạnh xử lý, thu hồi các khoản nợ xấu.
Theo Chủ tịch HĐQT một ngân hàng tại TP. HCM, nợ xấu hiện không chỉ phát sinh từ các khoản vay cũ, mà ngay cả khoản vay mới cũng phát sinh nợ xấu. Nợ nhóm 2, 3 chuyển thành nhóm 4, 5 (nhóm có khả năng mất vốn) trong một thời gian ngắn, khiến ngân hàng không kịp trở tay. Vì thế, điều quan trọng hơn trong lúc này với Ngân hàng là thu hồi nợ. Đó cũng là lý do tăng trưởng tín dụng của nhà băng này đến cuối tháng 9/2014 vẫn chưa thoát khỏi tình trạng âm so với thời điểm cuối năm 2013.
“Với mục tiêu lợi nhuận đưa ra cho năm nay ở mức khá khiêm tốn trên tổng vốn điều lệ, chưa đầy 2.000 tỷ đồng, nhưng đến hết quý III/2014, Ngân hàng chỉ mới đạt hơn phân nửa kế hoạch, nên việc hoàn thành được kế hoạch hay không còn phụ thuộc vào xử lý nợ. Vì nợ xấu tăng nhanh hơn tiến độ xử lý, nên dự phòng cũng tăng đáng kể”, vị Chủ tịch trên nói.
Tại cuộc họp với Đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM mới đây, lãnh đạo ABBank cho hay, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng khá chậm trong 9 tháng đầu năm, trong khi nợ xấu không ngừng tăng, nhất là từ khi áp dụng các quy định phân loại nợ và trích lập dự phòng nợ xấu mới kể từ tháng 6/2014. Một phần, theo lãnh đạo của ABBank, doanh nghiệp tốt nên đầu ra khó, vì thế tín dụng tăng trưởng không theo kế hoạch. Tuy nhiên, trước tình hình thị trường hiện nay, lãnh đạo ABBank cho rằng, ưu tiên của Ngân hàng vẫn là chất lượng tín dụng hơn đẩy mạnh số lượng. Vì thế, cán bộ tín dụng đều thẩm định cẩn thận hơn, kể cả quy trình cho vay, vì lo ngại đến việc hình sự hóa khi rủi ro nợ xấu gia tăng.
Bởi thực tế, nếu tín dụng tăng, nợ xấu cũng đồng thời tăng lên thì khoản dự phòng rủi ro mất vốn tăng lên sẽ “ăn mòn” lợi nhuận. ABBank không tránh khỏi tình trạng này, khi lợi nhuận chỉ đạt 170 tỷ đồng trong 2 quý đầu năm nay, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2013.
Tương tự ABBank, DongA Bank cũng tập trung cho nhiệm vụ xử lý và thu hồi nợ xấu, song tỷ lệ nợ xấu tại nhà băng này vẫn tăng lên trong 9 tháng qua, nên lợi nhuận dù đã đạt 50% chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra (khoảng 260 tỷ đồng), song khá khiêm tốn so với những năm trước. Vì thế, DongA Bank đã có thông báo tới cổ đông xin hoãn chi trả cổ tức đợt 1/2014 như dự kiến.
Tại ACB, ngân hàng này áp dụng chỉ tiêu xử lý nợ xấu vào kế hoạch kinh doanh. Nếu nợ xấu xử lý dưới 3%, lãnh đạo phòng tín dụng mới được tiếp tục cho vay, nhưng nếu nợ xấu cao hơn mức này sẽ phải hạn chế đưa vốn ra thị trường để kiểm soát rủ ro.
Trong khi đó, tiến trình xử lý nợ xấu được các nhà băng cho biết còn rất phức tạp, thủ tục phát mại tài sản nhiêu khê khiến ngân hàng khó xử lý nhanh và thu hồi nợ. Trường hợp bán nợ xấu cho VAMC, trước mắt, ngân hàng làm “sạch” được bảng cân đối kế toán, nhưng vẫn phải trích dự phòng rủi ro. Vì thế, cách xử lý nợ tốt nhất lúc này của các ngân hàng vẫn là “hy sinh” lợi nhuận để trích dự phòng.
Lợi nhuận ra sao?
Lãnh đạo một số nhà băng (DongA Bank, ACB, Eximbank) cho biết, tăng trưởng tín dụng của những nhà băng này đến cuối tháng 9 vẫn còn khá khiêm tốn. Do đó, nguồn thu từ hoạt động tín dụng đóng góp vào lợi nhuận có phần giảm so với trước. Một phần, do phải trích dự phòng rủi ro khá cao.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP. HCM cũng cho biết, 9 tháng đầu năm, các NHTM có trụ sở tại TP. HCM có lãi trên 4.600 tỷ đồng, có phần cải thiện so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, qua số liệu báo cáo của các NHTM về NHNN TP. HCM thì thu nhập từ tín dụng chỉ đóng góp 45,1% vào tổng lợi nhuận của các nhà băng. Điều đó cho thấy, áp lực lợi nhuận từ tín dụng đang gia tăng, đặc biệt là ở những ngân hàng có nợ xấu cao và tăng trưởng tín dụng chậm.
Tổng giám đốc một ngân hàng cho hay, nợ xấu tăng nhanh kể từ ngày 1/6/2014 đang là mối lo cho Ngân hàng và dự phòng rủi ro nợ xấu đang “ngốn” dần lợi nhuận. Ngân hàng có thể chỉ đạt 50% chỉ tiêu lợi nhuận năm 2014 đề ra và khả năng sẽ không trả cổ tức cho cổ đông.
Chủ tịch HĐQT một ngân hàng có vốn 5.000 tỷ đồng cho biết, với chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra cho năm nay ở mức 500 tỷ đồng, mức phù hợp với tình hình kinh doanh khó khăn hiện nay và trong 2 quý đầu năm, Ngân hàng đã đạt trên 50% kế hoạch. Thế nhưng, theo vị chủ tịch trên, đến thời điểm này, Ngân hàng vẫn chưa dám chắc có thể hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận hay không. Lý do là dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh kể từ tháng 6/2014, khi Ngân hàng phải áp dụng quy định phân loại nợ mới tại Thông tư 09/2014/TT-NHNN.
Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT OCB cho biết, song song với tăng trưởng tín dụng, OCB đang ưu tiên đẩy mạnh xử lý và thu hồi nợ xấu. Tình hình nợ xấu của OCB được KPMG đánh giá đã có chuyển biến tích cực trong những tháng gần đây, trích lập dự phòng rủi ro tín dụng từ đầu năm đến nay chỉ ở mức vài trăm tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, OCB cũng đã bán nợ xấu cho VAMC trên 1.000 tỷ đồng, nhưng theo ông Tuấn, OCB có thể đạt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm ở mức 360 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh tại một số ngân hàng TMCP quy mô vừa có khả quan hơn. Sacombank được xem là một trong ngân hàng TMCP có lợi nhuận cao nhất sau các ngân hàng TMCP có tỷ lệ sở hữu Nhà nước chi phối, với lợi nhuận 9 tháng đầu năm ở mức trên 2.200 tỷ đồng. Theo lãnh đạo Sacombank, Ngân hàng tự tin hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận 3.000 tỷ đồng trước thuế, vì tín dụng Sacombank tăng trưởng tốt.
Lãnh đạo Techcombank, ACB cho hay, đến nay, các nhà băng này đã hoàn thành khoảng 80 - 90% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm, ở mức trên 1.000 tỷ đồng, nên việc kỳ vọng hoàn thành chỉ tiêu không khó.