Nhìn lại diễn biến thị trường, trong tháng 12/2014, chỉ số VN-Index có lúc rớt sâu về 513 điểm, thấp hơn mức điểm khi “sự kiện Biển Đông” xảy ra hồi tháng 5/2014. Theo nhận định của các CTCK, 2 nguyên nhân chính khiến thị trường sụt giảm là Thông tư 36/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước siết tín dụng dành cho đầu tư cổ phiếu và giá dầu tiếp tục giảm khá nhanh. Khi giá dầu giảm, giá cổ phiếu nhóm dầu khí giảm mạnh. Cổ phiếu nhóm này chiếm tỷ trọng lớn trên toàn thị trường nên có tác động mạnh tới tâm lý NĐT và điểm số của thị trường.
Bước sang tuần giao dịch đầu tiên của năm 2015, thị trường có nhiều phiên tăng điểm, nhóm cổ phiếu ngân hàng được khối ngoại quan tâm, giao dịch trở nên sôi động. Không ít CTCK nhận định, cổ phiếu ngân hàng sẽ là “trụ” mới của thị trường. Những phiên sau đó, một số ngân hàng công bố kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2014 với những con số khả quan, càng khiến nhóm cổ phiếu này tăng độ “nóng”.
Chuyên gia chứng khoán Hoàng Thạch Lân đánh giá, trong ngắn hạn, thị trường tăng trở lại nhờ một số mã trụ cột như GAS với thông tin HĐQT GAS ra nghị quyết mua 10 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ, hay mã VCB đang được các NĐT nước ngoài mua ròng mạnh. Các mã này tăng giá và tạo sức lan tỏa đến nhiều mã khác trong cùng ngành.
Ngoài ra, thị trường tăng điểm là nhờ kỳ vọng, Thông tư 36 sẽ được giãn thời gian thi hành. Ông Lân không ủng hộ đề xuất giãn Thông tư 36, nhưng cho rằng, nếu đề xuất này được chấp thuận, các công ty chứng khoán sẽ có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị nguồn vốn phục vụ giao dịch ký quỹ (margin) của NĐT và một bộ phận NĐT không phải bán cổ phiếu để kết thúc các hợp đồng margin trước hạn. Điều này trong ngắn hạn có tác dụng tâm lý tích cực lên thị trường.
Về diễn biến giá dầu, giá dầu trên thế giới tiếp tục giảm xuống dưới 50 USD/thùng, có thời điểm còn 47 USD/thùng, thấp nhất trong gần 6 năm trở lại đây. Mặc dù vậy, thị trường đã không phản ứng mạnh như đợt giảm của giá dầu trước đó, dù nhiều NĐT từng có suy nghĩ, giá dầu tăng/giảm thì giá của những cổ phiếu dầu khí như GAS, PVS, PVD... sẽ tăng/giảm theo.
“Ngay cả khi giá dầu giảm về mức 45 - 50 USD/thùng, cộng với một số giả định xấu cho năm 2015, thì tôi và một số đồng nghiệp phân tích cũng đã lập dự phóng và thấy rằng, giá của các cổ phiếu đó là rẻ. Hơn nữa, nhiều quỹ ngoại (không tính quỹ ETF) đã tích cực mua vào ở vùng giá 60.000 - 70.000 đồng/CP đối với GAS, 20.000 - 30.000 đồng/CP đối với PVS, 55.000 - 60.000 đồng/CP đối với PVD, giúp gia tăng lực cầu và NĐT trong nước thấy được động thái đó, giúp họ tránh bán tháo cổ phiếu”, ông Hoàng Thạch Lân nói.
Phó giám đốc CTCK Dầu khí (PSI) Nguyễn Xuân Hưng đưa ra những kịch bản cho VN-Index tương ứng với dự báo về giá dầu. Cụ thể, giá dầu Brent 40 - 50 USD/thùng, dự phóng P/E cân bằng của PVN10 là 10 - 11 lần, VN-Index là 11,5 - 12,5 lần, tương đương 475 - 540 điểm. Tương tự, giá dầu 50 - 60 USD/thùng, VN-Index khoảng 510 - 585 điểm. Giá dầu tăng lên 60 - 70 USD/thùng hoặc 70 - 80 USD/thùng thì VN-Index có thể đạt tương ứng 525 - 620 điểm và 525 - 660 điểm. Tuy nhiên, ông Hưng lưu ý, các dự báo điểm số này chỉ để tham khảo, bởi nó có thể phản ánh không đầy đủ bức tranh toàn cảnh về thị trường do một số cổ phiếu vốn hóa lớn tăng giá. NĐT cần quan tâm đến các chỉ số như P/E, P/B của từng cổ phiếu.
Liên quan đến hoạt động của khối ngoại, ông Hưng cho biết, 9 tháng đầu năm 2014, khối ngoại mua ròng hơn 6.000 tỷ đồng; trong hai tháng 11 - 12/2014, khối này bán ròng khoảng 2.000 tỷ đồng, trong đó có 60 - 70 triệu USD xuất phát từ việc bán ra của 2 quỹ ETF ngoại tại Việt Nam. Đây là động thái mang tính ngắn hạn khi Mỹ công bố một số chỉ tiêu kinh tế tích cực, khiến dòng tiền rút dần về Mỹ.
Tính bình quân trên toàn khu vực châu Á thì dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài không sụt giảm.
Điều này cho thấy, xu hướng trên chỉ là ngắn hạn, trong dài hạn thì TTCK Việt Nam vẫn hấp dẫn NĐT nước ngoài. Thực tế, các NĐT ngoại đã rót 14,06 triệu USD vào Quỹ Market Vectors Vietnam ETF trong tuần từ ngày 5 - 9/1 vừa qua, nối tiếp mức rót ròng 2,83 triệu USD trong tuần trước đó.