Kỳ vọng gia tăng quy mô FDI nội khối và với thế giới

0:00 / 0:00
0:00
Cộng đồng ASEAN đầy đủ hình thành vào năm 2025 cùng với việc thắt chặt quan hệ với các đối tác lớn sẽ góp phần gia tăng hợp tác kinh tế-đầu tư nội khối và giữa ASEAN với thế giới.
Kỳ vọng gia tăng quy mô FDI nội khối và với thế giới

ASEAN đang phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ

“Việt Nam là một trong những nước đóng góp mạnh mẽ nhất cho một ASEAN năng động, kiên cường, định vị về kinh tế như hiện nay”. Nhận định này được ông Satvinder Singh, Phó tổng thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng Kinh tế ASEAN đưa ra trong bối cảnh ASEAN đang cho thấy khả năng phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ, bất chấp những thách thức kinh tế mà cả thế giới phải phải đối mặt.

Kể từ khi chính thức gia nhập ASEAN ngày 28/7/1995, Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển và thành công của ASEAN và đóng vai trò là một thành viên “tích cực, chủ động và có trách nhiệm”.

Về kinh tế, Việt Nam là một trong hai nước có tỷ lệ thực hiện cao nhất các cam kết trong kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (sau Singapore). Việt Nam cũng tích cực tham gia thúc đẩy xây dựng/triển khai các thỏa thuận hợp tác kinh tế nội khối và giữa ASEAN với các đối tác; đóng góp các sáng kiến hợp tác trên các lĩnh vực như hỗ trợ các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ; thuận lợi hóa thương mại, phát triển thương mại điện tử, tăng cường kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN, thúc đẩy phát triển đồng đều và bền vững.

Bên cạnh đó, các trụ cột hợp tác chính trị - an ninh, văn hóa - xã hội cũng được Việt Nam tích cực tham gia.

Đặc biệt, đảm nhiệm nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 trong bối cảnh đại dịch Covid-19, biến động địa chiến lược phức tạp, nhưng Việt Nam đã phát huy tinh thần chủ đề "Gắn kết và chủ động thích ứng", hoàn thành tốt vai trò điều phối, dẫn dắt ASEAN từng bước tháo gỡ khó khăn để tiếp tục duy trì đà hợp tác, thúc đẩy thực hiện thành công nhiệm vụ "kép", vừa duy trì đà xây dựng Cộng đồng, vừa hợp tác chống Covid-19.

Chờ đón cơ hội từ Cộng đồng ASEAN 2025

Có thể nói, hợp tác kinh tế - đầu tư nội khối ASEAN đã và đang phát triển hết sức đa dạng và hiệu quả.

Cụ thể, Việt Nam là nước vừa tiếp nhận dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vừa đầu tư ra nước ngoài trong khối ASEAN. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến tháng 8/2022, Việt Nam duy trì vị trí dẫn đầu ASEAN và là một trong 5 quốc gia dẫn đầu về đầu tư trực tiếp vào Campuchia, với 197 dự án, tổng vốn đăng ký 2,9 tỷ USD; đứng thứ 3 về đầu tư vào Lào với 237 dự án, vốn đăng ký gần 5,3 tỷ USD.

Ở chiều ngược lại, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN, với 2.959 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt 69,86 tỷ USD, chiếm 16,3% tổng vốn FDI; đứng thứ 2/139 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), việc hình thành Cộng đồng ASEAN đầy đủ vào năm 2025 sẽ tạo thêm các điều kiện thuận lợi mới để thúc đẩy đầu tư trực tiếp nội khối và giữa ASEAN với thế giới.

Được biết, nhân dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40 và 41, cùng các hội nghị cấp cao liên quan diễn ra tại Phnom Penh (Campuchia) tới đây, ASEAN dự kiến thông báo thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện (CSP) với Mỹ và Ấn Độ.

Do đó, để gia tăng quy mô và tốc độ di chuyển vốn FDI nội khối cũng như thu hút FDI từ các đối tác lớn, theo các chuyên gia, các nước ASEAN cần nâng cao khả năng chống chọi trước những tác động tiêu cực, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nhất là môi trường pháp lý, đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư...

Bên cạnh đó, theo ông Satvinder Singh, các nước ASEAN cần chuyển đổi mô hình kinh doanh của doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa không chỉ học cách chuyển đổi kỹ thuật số, mà còn hướng tới tương lai carbon thấp.

Thanh Huyền
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục