FDI, nguồn lực quan trọng cho sự phát triển của Quảng Ninh

0:00 / 0:00
0:00
Với việc đầu tư bài bản, đồng bộ kết cấu hạ tầng, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, môi trường đầu tư, kinh doanh, cùng sự đồng hành gỡ khó của chính quyền địa phương, tỉnh Quảng Ninh đang thu hút những dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tầm cỡ.
Diện mạo đô thị Quảng NInh ngày càng xanh, sạch, đẹp và văn minh Ảnh: Đỗ Phương. Diện mạo đô thị Quảng NInh ngày càng xanh, sạch, đẹp và văn minh Ảnh: Đỗ Phương.

Dự án FDI lớn liên tục xuất hiện

Quảng Ninh có vị trí địa chiến lược về chính trị, kinh tế, với những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế so sánh cạnh tranh trong thu hút FDI, là địa phương duy nhất của cả nước có cả đường biên giới trên bộ và trên biển với Trung Quốc, trong đó có 3 cửa khẩu.

Nhờ đó, những năm gần đây, Quảng Ninh được biết đến là một trong những địa phương dẫn đầu về tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại. Trong đó, nổi bật là hạ tầng giao thông bảo đảm liên thông với cả đường bộ cao tốc, đường hàng không, đường thủy, hàng hải quốc tế.

Tính đến hết tháng 9/2022, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 153 dự án FDI đang hoạt động sản xuất - kinh doanh, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 10,31 tỷ USD. Trong đó, có 91 dự án tại địa bàn các khu công nghiệp, khu kinh tế với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 4,36 tỷ USD (bao gồm cả dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp); 62 dự án ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế với tổng vốn đầu tư trên 5,95 tỷ USD.

Ông Hoàng Trung Kiên, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh cho biết, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tiếp xúc, làm việc trực tiếp kết hợp trực tuyến với trên 20 lượt nhà đầu tư nước ngoài để trao đổi những vấn đề liên quan đến ngành, lĩnh vực thu hút đầu tư, cơ chế, chính sách đầu tư, thủ tục đầu tư vào khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT). Sau làm việc, hầu hết nhà đầu tư đã đặt vấn đề nghiên cứu, tìm hiểu đầu tư và có cam kết quá trình thực hiện dự án.

Mới đây, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Ninh năm 2022 với chủ đề “Quảng Ninh hội tụ và lan tỏa”, đã có những biên bản ghi nhớ, cam kết đầu tư với hơn 1,5 tỷ USD vào Quảng Ninh. Trong số đó, Công ty cổ phần Hóa dầu Stavian Quảng Yên cam kết đầu tư vào KCN Bắc Tiền Phong (DEEP C) để triển khai dự án sản xuất hạt nhựa polypropylene (PP) với vốn đầu tư 1,5 tỷ USD.

Hay Công ty Vietnam Investment Q Limited (thuộc Công ty TNHH Indochina Kajima Development, liên doanh giữa Indochina Capital và Tập đoàn Kajima của Nhật Bản) đã ký thỏa thuận giữ đất (7,6 ha tại Lô đất CN5, KCN Bắc Tiền Phong) với DEEP C, để phát triển hệ thống nhà xưởng xây sẵn và nhà kho xây sẵn, với vốn đầu tư dự kiến 23,9 triệu USD...

Ông Bruno Jaspaert, Tổng giám đốc KCN DEEP C chia sẻ: “Giống như những nhà đầu tư khác, chúng tôi rất cẩn trọng khi chọn một địa điểm đầu tư và Quảng Ninh chính là điểm đến hội tụ mọi yêu cầu của nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, Quảng Ninh vẫn còn quỹ đất dồi dào, cùng nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trực tiếp cho doanh nghiệp. Đây là những điểm mạnh để các doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư vào Quảng Ninh trong tương lai”.

Nhìn lại năm 2021, tổng vốn FDI vào các KCN, KKT toàn tỉnh đạt trên 1 tỷ USD, tăng gấp 2,1 lần so với năm 2020 và đạt 269% kế hoạch năm. Cụ thể, tỉnh đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 8 dự án FDI, với vốn đăng ký trên 960 triệu USD; cấp giấy chứng nhận điều chỉnh đầu tư cho 17 lượt dự án FDI, trong đó có 4 dự án tăng vốn, với số vốn tăng thêm đạt gần 112 triệu USD.

Có thể kể một số dự án tiêu biểu như Dự án công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam và Dự án công nghệ tấm Silic Jinco Solar Việt Nam tại KCN Sông Khoai (gần 900 triệu USD); Dự án Nhà máy sản xuất thiết bị gia dụng, xe đạp điện Multi Sunny Việt Nam tại KCN Đông Mai (10 triệu USD); Dự án Nhà máy Lioncore Việt Nam tại KCN Đông Mai (30 triệu USD); Dự án Nhà máy may số 2 tại KCN Cảng biển Hải Hà của Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt Việt Nam (8 triệu USD); Dự án khoa học - kỹ thuật bảo vệ môi trường Texhong giai đoạn I tại KCN Cảng biển Hải Hà (30 triệu USD).

Ông Nguyễn Văn Nhân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đô thị Amata Hạ Long đánh giá, Quảng Ninh đã có rất nhiều bước đột phá trong việc lập quy hoạch. Đây cũng chính là yếu tố khiến Jinko Solar liên tiếp đầu tư vào Quảng Ninh.

Những tác động tích cực

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp Nhật Bản vào Quảng Ninh (tháng 12/2021), ông Soichi Inoue (Công ty TNHH Marubeni Việt Nam) chia sẻ: “Thái độ của lãnh đạo tỉnh, sự rõ ràng và minh bạch trong chính sách, tốc độ xử lý công việc của các cấp chính quyền, cũng như kết cấu hạ tầng ngày càng đồng bộ chính là thỏi nam châm để các nhà đầu tư lớn lựa chọn Quảng Ninh làm điểm đến đầu tư”.

Minh chứng cho nhận định này là trong năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng lớn từ đại dịch Covid-19, song các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh đã chi 423 triệu USD để đầu tư cải thiện hạ tầng kỹ thuật và tăng năng lực sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Đặc biệt, các dự án FDI lớn thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp điện tử đi vào hoạt động sản xuất ổn định, tạo giá trị lớn, như Nhà máy S-Việt Nam của Công ty TNHH Competiton Team Technology (Tập đoàn Foxconn); Nhà máy Bumjin Electronics Việt Nam của Công ty TNHH Bumjin Electronics Vina…

Trong năm 2021, doanh thu của các doanh nghiệp, nhà đầu tư FDI trên địa bàn tỉnh đạt 1,6 tỷ USD; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1,5 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt trên 1 tỷ USD; nộp ngân sách nhà nước gần 700 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho 34.000 lao động.

Trong 9 tháng năm 2022, tổng thu hút vốn ngoài ngân sách tại tỉnh Quảng Ninh đạt 43.746 tỷ đồng. Khu vực doanh nghiệp FDI đóng góp ngân sách nhà nước trên 1.270 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2021.

Có thể khẳng định, khu vực FDI góp phần thúc đẩy chuyển giao công nghệ tiên tiến vào Quảng Ninh, phát triển một số ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, như công nghiệp chế biến thực phẩm, khai thác - chế biến than, sản xuất volfram, kim loại hiếm, sản xuất điện...

Sẵn sàng đón “đại bàng”

Kiên trì mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, Quảng Ninh định hướng khá rõ trong thu hút dòng “vốn ngoại” theo hướng hiệu quả, bền vững. Trong đó, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng lớn, sử dụng hiệu quả đất đai và lao động, có nhiều sản phẩm xuất khẩu.

Quảng Ninh chủ trương đưa chuỗi KKT trọng điểm gồm Quảng Yên (13.303 ha), Vân Đồn (217.133 ha), Móng Cái (121.197 ha) đóng vai trò động lực tăng trưởng. Do vậy, tỉnh sẽ hướng nguồn lực tập trung để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào 3 KKT này, đặc biệt ưu tiên thu hút đầu tư vào 16 KCN được quy hoạch và phân bố trên 10/13 địa phương với tổng diện tích trên 378.180 ha.

Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cho biết: “Quảng Ninh luôn xem thành công của nhà đầu tư là thành công của tỉnh. Quảng Ninh xác định, ‘đồng hành, phục vụ nhà đầu tư, doanh nghiệp’ là phương châm hoạt động của các cấp, các ngành. Quảng Ninh chân thành mời gọi, sẵn sàng trao đổi, cởi mở tất cả các nội dung, hoan nghênh và cam kết đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục hành chính, bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn, cung cấp các dịch vụ công tiện ích, các điều kiện về đầu tư, kinh doanh, thương mại, du lịch tốt nhất”.

Và quan điểm xuyên suốt của tỉnh là phát huy tối đa, hiệu quả các tiềm năng, lợi thế riêng có; huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực theo phương châm “nguồn lực bên trong là quyết định, chiến lược, cơ bản, lâu dài và nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá”. Tỉnh sẽ tận dụng tối đa lợi thế cạnh tranh nhờ hệ thống kết cấu hạ tầng động lực ngày càng đồng bộ để phát triển kinh tế nhanh, bền vững, hội nhập sâu với kinh tế khu vực...

“Chúng tôi xác định phải thu hút được các tập đoàn đa quốc gia, đa ngành, có vai trò dẫn dắt vào những ngành nghề, lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế cạnh tranh vượt trội, tiềm năng khác biệt, nhất là du lịch, dịch vụ tổng hợp hiện đại, công nghiệp chế biến - chế tạo, công nghiệp phụ trợ, các ngành công nghệ cao, công nghệ thông minh, kinh tế biển, logistics, năng lượng sạch…, thì Quảng Ninh mới phát triển tốt”, ông Cao Tường Huy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chia sẻ.

Quảng Ninh đang tập trung đôn đốc và hỗ trợ các nhà đầu tư hạ tầng KCN, nhất là các chủ đầu tư hạ tầng KCN có vốn FDI như KCN Sông Khoai (714 ha), KCN Nam Tiền Phong (487 ha), KCN Bắc Tiền Phong (1.192,9 ha), KCN Texhong - Hải Hà (660 ha), đẩy nhanh tiến độ đầu tư, san lấp mặt bằng và hoàn thiện kỹ thuật đồng bộ, chuẩn bị mặt bằng sạch làm cơ sở thu hút, kêu gọi đầu tư.

Để thuyết phục được các nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư chiến lược từ các quốc gia khác, bên cạnh duy trì, đẩy mạnh đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng, Quảng Ninh sẽ tiếp tục hoàn thiện quy hoạch tỉnh và các quy hoạch liên quan, công khai, tạo sự minh bạch và điều kiện tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng, thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Thanh Sơn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục