Nhiều hàng “hot” sắp niêm yết
Hiện HDBank đã hoàan tất thủ tục nộp hồ sơ lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc niêm yết cổ phiếu trên Sở GDCH TP.HCM (HOSE). Ngân hàng này đặt kế hoạch sẽ hoàn tất IPO và có mặt trên sàn niêm yết vào đầu năm 2018.
HDBank là một trong những cái tên được nhiều nhà đầu tư quan tâm bởi hiệu quả hoạt động trong những năm qua. Ngay từ thông tin ngân hàng này chuẩn bị niêm yết, giá cổ phiếu HDBank trên thị trường tự do (OTC) đã tăng vọt, dao động quanh mức 30.000-35.000 đồng/CP, thậm chí có thời điểm đã tăng tới 50.000 đồng/CP. Hiện cổ phiếu này đã ngừng giao dịch trên OTC từ ngày 14/12 để chuẩn bị niêm yết.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch HĐQT HDBank cho biết, tốc độ tăng trưởng bình quân của HDBank đạt 30%/năm trong 10 năm qua và trong giai đoạn 2017-2021 sẽ duy trì ở mức 25% năm. Hiện HDBank nằm top 8 ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất nhất Việt Nam, từ vị trí thứ 30 trước đó. Năm 2017, HDBank dự kiến đạt khoảng 2.400 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng gấp đôi so với năm 2016.
Tại buổi tọa đàm vừa tổ chức, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPBank cho biết, TPBank đã nộp hồ sơ niêm yết và dự kiến sẽ niêm yết trong quý II/2018. Trước đó, cổ đông TPBank đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ bằng phương thức phát hành riêng lẻ hơn 87,6 triệu cổ phần và niêm yết cổ phiếu ngân hàng trên HOSE.
Theo ông Phú, cổ phiếu TPB trên thị trường OTC hiện ở mức 26.000 đồng/CP, với kết quả kinh doanh tích cực như hiện tại, ước đạt 1.200 tỷ đồng lợi nhuận trong cả năm 2017, có khả năng giá cổ phiếu sẽ lên “3 chấm”.
Tuy hoạt động kinh doanh tiếp tục khởi sắc, nhưng có một điểm cần lưu ý là nợ xấu của TPBank đã tăng mạnh so với đầu năm, dù vẫn được kiểm soát ở dưới mức 1%. Cụ thể, nợ xấu của TPBank hiện đạt 505,5 tỷ đồng (tỷ lệ 0,89%), tăng 174,5 tỷ đồng so với đầu năm (tỷ lệ 0,7%).
Với OCB, dù không chia sẻ nhiều, song lãnh đạo ngân hàng này cũng cho hay, OCB sẽ xúc tiến kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên HOSE khi điều kiện thị trường thích hợp, có thể vào cuối năm 2018 hoặc đầu năm 2019. Dự kiến lợi nhuận năm 2017 của OCB ước đạt hơn 1.000 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu 780 tỷ đồng cả năm.
Ngoài các ngân hàng trên, trong thời gian tới, nhiều ngân hàng khác cũng có kế hoạch niêm yết trên sàn chính thức như VIB, Techcombank..., hay đưa cổ phiếu giao dịch tập trung trên sàn UPCoM như BacA Bank, VietBank…
Cơ hội sáng cho cổ phiếu ngân hàng?
Theo kết quả khảo sát vừa được thực hiện mới đây của Vietnam Report, không phải bất động sản - xây dựng hay hàng tiêu dùng, mà tài chính - ngân hàng mới là nhóm cổ phiếu đáng để đầu tư nhất trong năm 2018.
Cụ thể, có hơn 45% số người được hỏi chọn cổ phiếu tài chính - ngân hàng với kỳ vọng cao vào khả năng tăng trưởng và sinh lời của nhóm này trong năm 2018, trong khi tỷ lệ tại nhóm bất động sản - xây dựng và hàng tiêu dùng lần lượt là 29,2% và 20,8%.
Theo giới chuyên gia, bên cạnh nền kinh tế được dự báo tiếp tục duy trì ổn định, thì yếu tố khiến nhà đầu tư nhắm cổ phiếu “vua” để “chọn mặt gửi vàng” là bởi sức khỏe nội tại của các ngân hàng cũng đang dần cải thiện theo hướng tích cực, nhất là sau khi Nghị quyết 42/2017 về xử lý nợ xấu của Quốc hội được ban hành. Đây là yếu tố chính giúp giá cổ phiếu ngân hàng tăng khá ổn định, góp phần vào đà tăng mạnh của thị trường chứng khoán trong thời gian qua.
Cùng với đó, làn sóng đầu tư vào thị trường chứng khoán nói chung và cổ phiếu ngân hàng nói riêng của các nhà đầu tư ngoại cũng yếu tố hỗ trợ tích cực. Số liệu thống kê cho thấy, lũy kế 11 tháng đầu năm nay, khối ngoại đã mua ròng khoảng 1,77 tỷ USD, tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ 2016.
TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra nhận định, cổ phiếu ngân hàng sẽ hấp dẫn hơn trong năm 2018 nhờ hoạt động xử lý nợ xấu được đẩy nhanh, cũng như nỗ lực lành mạnh hoá ngành ngân hàng theo tiêu chuẩn Basell II.