Theo dữ liệu mới nhất từ nền tảng dự đoán Kalshi, xác suất Fed cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 12 đã tăng lên mức hơn 70%. Con số này phản ánh niềm tin mạnh mẽ của các nhà đầu tư vào khả năng Fed sẽ tiếp tục thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ.
Nếu điều này trở thành sự thật thì Ngân hàng Trung ương Mỹ có đợt cắt giảm lãi suất thứ ba trong năm nay. Trước đó, tại cuộc họp tháng 9, Fed hạ lãi suất 0,5 điểm phần trăm, từ mức cao nhất 23 năm và sau đó tiếp tục giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong tháng 11, đưa lãi suất quỹ liên bang về khoảng 4,5 - 4,75%/năm.
Điều này phù hợp với những gì ông Jerome Powell, Chủ tịch Fed từng phát biểu, đó là cơ quan này sẽ không vội vã cắt giảm lãi suất một cách nhanh chóng và thực hiện những việc cần thiết để giữ lạm phát tiến gần đến mục tiêu 2%, trong khi duy trì tỷ lệ thất nghiệp thấp.
Dự kiến, lãi suất điều hành của Fed sẽ giảm xuống khoảng 4,25 - 4,5%/năm vào cuối năm 2024 và tiếp tục giảm xuống khoảng 3,25 - 3,5%/năm vào cuối năm 2025. Việc nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ kết thúc vào năm 2026, khi lãi suất được đưa về khoảng 2,9%/năm.
Trong bài phát biểu mới đây, Thống đốc Fed Christopher Waller cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ Fed cắt giảm lãi suất vào cuộc họp tháng 12, nhưng để ngỏ khả năng giữ nguyên lãi suất nếu như dữ liệu kinh tế sắp tới nằm ngoài dự kiến và làm thay đổi dự báo về tình hình lạm phát.
Trước đó, Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) trong tháng 10 tại Mỹ đã được công bố với mức tăng 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số PCE cốt lõi không bao gồm thực phẩm và năng lượng đã tăng 2,8% so với tháng 10/2023, đồng thời nhích nhẹ so với mức 2,7% ghi nhận trong tháng 9/2024 và vẫn cao hơn mục tiêu 2%.
Theo ông Waller, mặc dù dữ liệu được công bố phù hợp với kỳ vọng của Phố Wall, nhưng nó cũng là một cảnh báo cho thấy cuộc chiến chống lạm phát có thể đang bị chững lại. Mặc dù vậy, Thống đốc Fed vẫn đưa ra lời trấn an rằng lạm phát sẽ tiếp tục xu hướng giảm xuống 2% trong trung hạn.
Đồng quan điểm, Thống đốc Andrea Kugler cũng đưa ra đánh giá tích cực về tình hình kinh tế hiện tại. Bà nhấn mạnh hai yếu tố quan trọng, đó là xu hướng giảm của lạm phát và sự hạ nhiệt nhẹ của thị trường lao động. Theo bà Kugler, Fed đã đạt được một sự cân bằng tương đối tốt giữa hai mục tiêu chính, duy trì việc làm ở mức tối đa và ổn định giá cả.
Trong bài phát biểu ngày 3/12/2024, bà Andrea cho biết: “Với những kết quả đạt được, tôi và các đồng nghiệp trong Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) đánh giá việc giảm lãi suất vào tháng 9 và tháng 11 là phù hợp. Những hành động này là các bước để giảm bớt thắt chặt, khi chúng tôi đang trong quá trình đưa chính sách về trạng thái trung lập hơn.
Trong thời gian tới, điều quan trọng cần nhấn mạnh là chính sách không theo một lộ trình định sẵn. Tôi sẽ đưa ra quyết định với từng cuộc họp và cẩn thận đánh giá dữ liệu mới, triển vọng thay đổi và cân bằng rủi ro”.
Có thể thấy, giới chức Fed bày tỏ quan điểm rằng, sức khoẻ của thị trường lao động là yếu tố quan trọng không kém cuộc chiến chống lạm phát. Vì vậy, chính sách tiền tệ của Fed trong thời gian tới sẽ phụ thuộc rất nhiều vào tình hình của thị trường lao động.
Thái độ thận trọng của các quan chức Fed cũng cho thấy lộ trình cắt giảm lãi suất trong năm 2025 của cơ quan này sẽ là một dấu hỏi lớn, bởi không chỉ phụ thuộc vào mức độ dai dẳng của lạm phát, mà còn phụ thuộc vào hiệu suất của thị trường việc làm.
Giả sử báo cáo về lạm phát cao bất ngờ trước khi FOMC họp thì Fed có thể trì hoãn việc cắt giảm lãi suất, trong khi bất kỳ báo cáo nào về thị trường việc làm suy yếu đột ngột có thể dẫn đến cắt giảm lớn hơn.
Tuy nhiên, hiện tại, những rủi ro này có vẻ tương đối thấp và khả năng cao Fed sẽ thực hiện thêm một đợt cắt giảm lãi suất trong cuộc họp diễn ra vào ngày 17 - 18/12 tới.