Theo dữ liệu vừa được Bộ Lao động Mỹ công bố, con số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ trong tháng 3 tăng lên mức kỷ lục 22 triệu người. Trong khi tuần trước có thêm hơn 5,2 triệu đơn xin trợ cấp thất nghiệp.
Thêm một dữ liệu nữa báo hiệu về bờ vực suy thoái kinh tế Mỹ đang ở rất gần là hoạt động sản xuất ở khu vực giữa Đại Tây Dương đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1980, trong khi việc xây nhà giảm mạnh nhất trong 36 năm vào tháng 3.
Trong khi đó, 7 tiểu bang ở phía Đông tiếp tục gia hạn lệnh phong tỏa để tránh lây lan của dịch bệnh bất chấp Tổng thống Trump chuẩn bị để cho mở cửa nền kinh tế Mỹ trở lại.
Tuy nhiên, chứng khoán Mỹ vẫn hồi phục trở lại trong phiên thứ Năm, nhất là Nasdaq nhờ sự hỗ trợ của cổ phiếu Amazon và Neftlix khi 2 tập đoàn này được dự báo doanh thu và lợi nhuận tăng trong mùa dịch Covid-19.
Ngoài ra, với các số liệu mới công bố và tuyên bố của Thống đốc New York, hay Tổng thống Trump, giới đầu tư Mỹ đã bước qua đỉnh dịch, nên cũng tự tin xuống tiền, giúp chứng khoán hồi trở lại.
Kết thúc phiên 16/4, chỉ số Dow Jones tăng 33,33 điểm (+0,14%), lên 23.537,68 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 16,19 điểm (+0,58%), lên 2.799,55 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 139,19 điểm (+1,66%), lên 8.532,36 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, các chỉ số chính cũng hồi phục trở lại trong phiên thứ Năm (ngoại trừ chứng khoán Pháp thiếu may mắn cuối phiên) khi giới đầu tư kỳ vọng dịch Covid-19 tại châu Âu đã đạt mức đỉnh sau con số công bố cho thấy số người chết tại Italy và Tây Ban Nha giảm bớt.
Kết thúc phiên 16/4, chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) tăng 30,78 điểm (+0,55%), lên 5.628,43 điểm. Chỉ số DAX30 tại Fankfurt (Đức) tăng 21,78 điểm (+0,21%), lên 10.301,54 điểm. Chỉ số CAC40 tại Paris (Pháp) giảm 3,56 điểm (-0,08%), xuống 4.350,16 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tiếp tục giảm do ảnh hưởng từ phiên giảm tối hôm trước của phố Wall trước nỗi lo suy thoái kinh tế toàn cầu đang cận kề. Chứng khoán Hồng Kông cũng giảm điểm, trong khi chứng khoán Trung Quốc đại lục hãm đà tăng khi giới đầu tư thận trọng chờ đợi công bố số liệu GDP quý I của Trung Quốc. Sự thận trọng cũng khiến chứng khoán Hàn Quốc gần như không đổi trong phiên giao dịch thứ Năm sau khi nghỉ lễ trong ngày thứ Tư.
Kết thúc phiên 16/4, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 259,89 điểm (-1,33%), xuống 19.290,20 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 8,76 điểm (+0,31%), lên 2.819,94 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 138,89 điểm (-0,58%), xuống 24.006,45 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul gần như không đổi tại 1.857,07 điểm.
Giá vàng giao ngay giao dịch giằng co và đóng cửa ít thay đổi trong phiên thứ Năm, trong khi giá vàng tương lai tiếp tục giảm do đồng USD tăng, cùng thông tin lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm.
Kết thúc phiên 16/4, giá vàng giao ngay tăng 0,8 USD (+0,05%), lên 1.716,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm 6,8 USD (-0,39%), xuống 1.720,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 8,5 USD (-0,49%), xuống 1.731,7 USD/ounce.
Trong khi đó, giá dầu thô đã ổn định trở lại trong phiên thứ Năm với việc giá dầu thô Mỹ không đổi, còn giá dầu thô Brent hồi phục nhé.
Theo dữ liệu vừa được Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) công bố, kho dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng lên mức kỷ lục. Thông thường, thông tin này sẽ khiến giá dầu thô giảm mạnh, nhưng với bối cảnh hiện tại, giới đầu tư kỳ vọng, việc kho dự trữ của Mỹ tăng lên mức kỷ lục, có thể hết chỗ chứa sẽ gây sức ép buộc các nhà sản xuất dầu thô phải giảm sản lượng. Do đó, giá dầu thô đã ổn định và hồi nhẹ trong phiên thứ Năm.
Kết thúc phiên 16/4, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) không đổi, đứng ở mức 19,87 USD/thùng. Giá dầu thô Brent hồi phục 0,13 USD (+0,47%), lên 27,82 USD/thùng.