Kỳ vọng đẩy nhanh nới room trên diện rộng

(ĐTCK) Nới tỷ lệ sở hữu (room) cho NĐT nước ngoài trên diện rộng sắp diễn ra khi nghị định hướng dẫn Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư dự kiến được ban hành trong tháng 9 này.
Quy định về nới room đã được hiện thực hóa ngay với khối CTCK Quy định về nới room đã được hiện thực hóa ngay với khối CTCK

Quy định về nới room cho NĐT nước ngoài tại Nghị định 60/2015/NĐ-CP vừa có hiệu lực từ ngày hôm qua (1/9) và được hiện thực hóa ngay với khối CTCK. Với những ngành nghề khác, sự nỗ lực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng các bộ, ngành liên quan, đang mang lại kỳ vọng việc nới room trên diện rộng sẽ được đẩy nhanh.

Với việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho phép nới room tối đa đến 100%, CTCK Sài Gòn (SSI) là trường hợp đầu tiên áp dụng quy định mới về nới room ngay khi Nghị định 60 có hiệu lực. Động thái này của SSI đã mang lại hiệu ứng tích cực trên thị trường trong những phiên giao dịch gần đây. Không chỉ SSI, một trường hợp đánh tiếng sẵn sàng nới room khác là CTCK TP. HCM (HCM), cũng đang thu hút được dòng tiền của khối ngoại. Cụ thể, trong phiên giao dịch cuối tuần qua và đầu tuần này, khối ngoại mua ròng cổ phiếu HCM với giá trị lần lượt là 5,4 tỷ đồng và 4,6 tỷ đồng, nâng tỷ lệ sở hữu của khối ngoại lên 48,96%.

Diễn biến trên cho thấy, hiệu ứng về nới room đã từng bước mang lại tín hiệu tích cực trên thị trường. Điều này càng khiến giới đầu tư nóng lòng mong đợi, số lượng các ngành nghề được phép nới room đến 100% tương tự như lĩnh vực chứng khoán diễn ra rộng và nhanh hơn.

Sở dĩ giới đầu tư đặt ra kỳ vọng trên bởi trên thực tế, quy định về nới room trong Nghị định 60 trước mắt chỉ được hiện thực hóa với số ít loại hình DN gồm: CTCK, công ty quản lý quỹ, còn để việc nới room diễn ra trên diện rộng thì cần chờ nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư, trong đó có quy định chi tiết về 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện được ban hành.

Mặc dù trong danh mục 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, không ít lĩnh vực mà quy định pháp luật chuyên ngành không hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài, nhưng theo nhìn nhận của giới chuyên gia, việc quy định chi tiết danh mục này sẽ giúp cho quy định về nới room được áp dụng triệt để.

Giải đáp một trong những mối quan tâm lớn của cộng đồng DN, cũng như giới đầu tư là bao giờ nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư được ban hành, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, những nghị định hướng dẫn Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư dự kiến sẽ được ban hành trong tháng 9 này.

Trước thắc mắc nguyên nhân khiến các nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp chậm được ban hành, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho hay, chậm vì nhiều lý do. Nhiều quy định mới của hai luật này có tính đột phá. Chúng ta đã lựa chọn phương pháp "chọn bỏ", có nghĩa là cái gì Nhà nước cấm thì Nhà nước công bố, cái gì Nhà nước không cấm thì DN được tự do kinh doanh. Do đó, các bộ, ngành và cơ quan soạn thảo phải lọc ra có bao nhiêu ngành nghề cấm, bao nhiêu ngành nghề có điều kiện, còn lại là tự do kinh doanh. Đây là một công cuộc rà soát khổng lồ, đòi hỏi phải tiến hành cẩn thận, tránh những ngành nghề nguy hiểm bị bỏ lọt, để kinh doanh thoải mái thì có thể gây nên hậu quả xấu cho xã hội.

“Chúng tôi đã phải làm việc với 16 bộ, ngành Trung ương để khớp lại với nhau. Đây là quá trình rất căng thẳng”, Bộ trưởng nói và cho biết thêm, trong khi chưa ban hành các nghị định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có hướng dẫn chi tiết cho DN cũng như các cơ quan có liên quan áp dụng. Đến giờ phút này, về cơ bản không còn vướng mắc nhiều như những ngày đầu tiên áp dụng Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.

Với tiến độ hoàn thiện chính sách như trên, giới đầu tư kỳ vọng, khi nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư được ban hành, các quy định về 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện như: có hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài hay không, nếu có thì tỷ lệ sở hữu tối đa là bao nhiêu… sẽ được chi tiết hóa, tạo thuận lợi cho DN áp dụng quy định về nới room và room sẽ được nới trên diện rộng, qua đó tác động tích cực tới diễn biến trên TTCK.

Hữu Hòe

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục