Vào tháng 2/2023, Ngân hàng Nhà nước giao chỉ tiêu tín dụng tăng 11,2% tới các ngân hàng thương mại, nhưng dư nợ đến giữa tháng 6 mới đạt 3,36%, nghĩa là hạn mức còn rất nhiều, trong khi huy động đạt mức tăng 3,09%. Các số liệu này cho thấy, khả năng cung ứng vốn là đầy đủ, sẵn sàng, nhưng việc hấp thụ vốn khó khăn. Theo ông, khó khăn trong việc hấp thụ vốn đến từ đâu?
2023 là một năm có nhiều thử thách đối với kinh tế Việt Nam bởi các tác động từ chu kỳ thương mại toàn cầu và những khó khăn nội tại như sự suy giảm của ngành bất động sản và chuỗi cung ứng liên quan, lãi suất tăng cao trong những tháng đầu năm. Các yếu tố này đều có ảnh hưởng nhất định đến việc hấp thụ vốn của doanh nghiệp.
Cụ thể, xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2023 giảm hơn 10% so với cùng kỳ do nhu cầu sụt giảm tại các thị trường xuất khẩu lớn, các ngành nghề chính bao gồm điện tử, dệt may, gỗ đều giảm ở mức hai con số. Sản xuất suy giảm đã làm giảm nhu cầu về vốn lưu động và đầu tư mới.
Theo báo cáo của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, đóng góp của ngành bất động sản vào GDP khoảng 7,6%, nhưng ảnh hưởng của ngành này lan rộng tới hơn 40 ngành kinh tế quan trọng khác như xây dựng, nguyên vật liệu xây dựng, du lịch, ngân hàng... Do đó, sự suy giảm của ngành bất động sản đã ảnh hưởng lớn đến việc hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Lãi suất huy động cao cũng là yếu tố ảnh hưởng tới việc hấp thụ vốn. Thông qua các doanh nghiệp đang làm việc với HSBC, chúng tôi hiểu là các doanh nghiệp đang cố gắng tối đa hóa việc quản trị dòng tiền và trì hoãn nhu cầu đầu tư, điều này làm cho nhu cầu vay suy giảm đáng kể.
Bên cạnh xuất khẩu giảm mạnh, có ý kiến cho rằng, doanh nghiệp chậm trễ trong việc đạt chứng chỉ xanh, xuất khẩu xanh, tăng trưởng xanh nên để mất cơ hội vào doanh nghiệp các nước khác trong khu vực. Ông có bình luận gì về vấn đề này?
Tôi lấy ví dụ về ngành dệt may Việt Nam. Hiện tại, ngành này đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do mất đơn hàng về Bangladesh. Một trong những nguyên nhân có thể kể đến là việc chậm chuyển đổi xanh trong sản xuất. Bangladesh hiện có hơn 150 nhà máy đạt chuẩn LEED (thiết kế đạt chuẩn hàng đầu về năng lượng và môi trường) và hơn 500 nhà máy khác đăng ký tiêu chuẩn này, nhiều hơn rất nhiều so với số lượng nhà máy đạt chuẩn LEED tại Việt Nam.
Phát triển kinh tế theo hướng bền vững đang là ưu tiên hàng đầu của các quốc gia, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản. Việc chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng bền vững, xanh và số hóa không còn là xu thế, mà là bắt buộc với các doanh nghiệp để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng, thương mại toàn cầu.
Một minh chứng cụ thể tại HSBC Việt Nam khi hỗ trợ khoản tín dụng xanh đầu tiên cho một doanh nghiệp Việt Nam - Công ty cổ phần Sản xuất Nhựa Duy Tân (Duy Tân) vào năm 2020, chúng tôi nhận thấy Duy Tân đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, yêu cầu hợp tác từ các công ty đa quốc gia, nhà đầu tư sau khi thực hiện đầu tư cho việc phát triển bền vững. Kinh doanh theo mô hình bền vững mang lại lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp, lợi ích cho người tiêu dùng cuối cùng và cộng đồng xung quanh.
Các ngân hàng đã và đang nỗ lực giảm lãi suất cho vay |
Ngân hàng Nhà nước liên tục hạ lãi suất điều hành nhằm giảm lãi suất huy động trên thị trường, giúp các ngân hàng hạ lãi suất cho vay doanh nghiệp. Theo ông, lãi suất cho vay liệu có “chạm” được đến kỳ vọng của doanh nghiệp?
Ngân hàng Nhà nước đã thể hiện rõ ràng lập trường hỗ trợ nền kinh tế thông qua việc 4 lần liên tiếp hạ lãi suất, điều này sẽ giúp giảm lãi suất cho vay tới doanh nghiệp và cá nhân, thúc đẩy hoạt động đầu tư mới và tăng cường niềm tin của người tiêu dùng. Chúng tôi nhận thấy, các ngân hàng thương mại đã hạ lãi suất huy động tương đối nhiều so với quý I/2023. Lãi suất đầu vào giảm giúp ngân hàng thương mại có điều kiện giảm lãi suất cho vay, tuy nhiên sẽ có độ trễ nhất định trước khi tác động của việc lãi suất giảm thẩm thấu vào nền kinh tế trở nên rõ ràng hơn. Mặc dù vậy, hiện tại, các công ty có nền tảng kinh doanh tốt có thể tiếp cận lãi suất vay thấp hơn nhiều so với quý I/2023.
Khối Nghiên cứu toàn cầu, HSBC kỳ vọng, Ngân hàng Nhà nước sẽ có thêm một đợt hạ lãi suất khoảng 0,5% trong quý III/2023, đưa lãi suất điều hành xuống 4%/năm. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho kinh tế Việt Nam.
Khó khăn từ khách quan và chủ quan đã được nhận diện. Theo ông, các ngân hàng cần những hành động nào để hỗ trợ doanh nghiệp và ngược lại, doanh nghiệp cần chuẩn bị “tâm thế” như thế nào để đi qua những khó khăn hiện nay?
“Trong nguy có cơ”, chúng tôi kỳ vọng, các doanh nghiệp sẽ linh hoạt thích ứng và chủ động tập trung xây dựng, phát triển các giá trị cốt lõi theo hướng kinh doanh bền vững để có thể tồn tại, nâng cao năng lực cạnh tranh và nắm bắt cơ hội khi thị trường tốt hơn. Nhà nước đã và đang thực hiện rất nhiều giải pháp để kích cầu nền kinh tế, chúng tôi hy vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ được cải thiện rõ nét hơn trong 6 tháng cuối năm 2023.
Từ khi HSBC mở văn phòng đầu tiên tại TP.HCM vào năm 1870 cho đến nay, mục đích của Ngân hàng chưa bao giờ thay đổi. Mục tiêu của chúng tôi là mở ra và kết nối khách hàng trong và ngoài nước với một thế giới nhiều cơ hội. Chúng tôi mong muốn mang lại sự thịnh vượng cho các doanh nghiệp thông qua việc kết nối các cơ hội kinh doanh, chuyển đổi số và phát triển bền vững.
Tại hội nghị của Ngân hàng Nhà nước về chính sách hỗ trợ lãi suất 2% trong giai đoạn 2022 - 2023 vào tháng 5/2023, chúng tôi tự hào nằm trong số 5 ngân hàng đứng đầu về việc triển khai tới các khách hàng doanh nghiệp. Chính sách hỗ trợ sẽ hết hạn vào cuối năm 2023, chúng tôi hy vọng, Ngân hàng Nhà nước sẽ gia hạn chính sách nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp hơn nữa.