Phản ứng nhất thời
Cổ phiếu thép bật tăng do phản ứng nhất thời trước ảnh hưởng của bão, lũ, hay cổ phiếu ngành này đã tích lũy đủ để có đà tăng dài hơn là câu hỏi đang được nhà đầu tư bàn luận sôi nổi trên các diễn đàn mạng.
Về vấn đề này, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VPBankS cho rằng, cổ phiếu thép tăng trong thời gian vừa qua phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư sau giai đoạn ảnh hưởng của cơn bão Yagi và lũ quét sẽ dẫn tới nhu cầu về mái tôn, sắt thép xây dựng tăng cao. Đây là nhu cầu thực của người dân sau khi bão, lũ qua đi. Tuy nhiên, với cổ phiếu ngành thép, đó là xu hướng ngắn hạn, chưa đánh dấu sự trở lại của ngành thép.
Ông Sơn nhận định, giá thép quốc tế trong xu thế giảm nên thị trường thép Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Ngành thép Việt Nam chỉ có khả năng tăng khi xu hướng giảm giá của thị trường thép toàn cầu tạo đáy và bắt đầu đi lên.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhìn nhận, sau mỗi đợt bão, lũ, nhu cầu xây dựng nhiều hơn, yếu tố này giúp nhóm cổ phiếu ngành thép hưởng lợi, nhưng đây không phải là câu chuyện dài hạn.
Nhìn lại ngành thép sau mỗi đợt mưa bão lớn những năm gần đây, ông Minh cho biết, xu hướng tăng của cổ phiếu thép không kéo dài, ngoại trừ năm 2016.
Thực tế, nhóm ngành tôn, thép đang gặp khó khăn do xuất khẩu tăng trưởng chậm, sức cầu nội địa yếu khi thị trường bất động sản phục hồi không như kỳ vọng. Theo đó, nhóm cổ phiếu tôn, thép có thể sớm quay lại phản ánh các yếu tố cơ bản của ngành.
Nhận diện động lực dài hạn
Trong dài hạn, tôn, thép là nhóm có triển vọng tăng trưởng tích cực, dù lợi nhuận 2 quý cuối năm 2024 có thể thu hẹp bởi giá bán dự kiến giảm theo xu thế chung trên toàn cầu.
Hiện có 3 yếu tố được kỳ vọng sẽ giúp thị trường thép tăng trưởng trở lại: thứ nhất, sự phục hồi của thị trường bất động sản; thứ hai, Việt Nam sớm áp dụng biện pháp chống bán phá giá thép cuộn cán nóng (HRC) có nguồn gốc từ Trung Quốc và Ấn Độ; thứ ba, nhu cầu thị trường thép toàn cầu tăng trở lại.
Với yếu tố thứ nhất, các doanh nghiệp ngành tôn, thép đang mong chờ thị trường bất động sản sẽ sớm khởi sắc, tạo ra nhu cầu về xây dựng, nhất là khi thị trường bất động sản vốn chiếm 60% nhu cầu thép dần được tháo gỡ khó khăn về pháp lý nhờ những chính sách được sửa đổi, bổ sung. Số dự án đang triển khai cho thấy sự tăng trưởng rõ rệt tại miền Bắc và có sự phục hồi tại khu vực miền Nam, kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng bao gồm thép sẽ gia tăng trong các quý tới.
Các luật như Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 đã có hiệu lực từ 1/8/2024 được kỳ vọng sẽ giúp thị trường bất động sản đẩy mạnh nguồn cung trong thời gian tới. Theo đó, mảng thép xây dựng có thể dần hồi phục rõ nét từ cuối năm 2024, đầu năm 2025, khi các dự án bất động sản được khơi thông pháp lý và các dự án đường sắt lớn được triển khai.
Với câu chuyện chống bán phá giá, Công ty Chứng khoán Phú Hưng cho biết, trên thế giới, nhu cầu thép nói chung và thép HRC nói riêng trong thời gian qua ở mức thấp, trong khi các nhà sản xuất vẫn tiếp tục sản xuất là nguyên nhân chính dẫn đến việc dư cung ở Trung Quốc, qua đó gián tiếp thúc đẩy các doanh nghiệp thép nước này xuất khẩu ra thế giới với giá thấp, đặc biệt là xuất khẩu sang các nước lân cận (ASEAN) và các nước không có nhiều biện pháp phòng vệ thương mại như Việt Nam.
Tính riêng tháng 6/2024, Việt Nam nhập khẩu 886.000 tấn HRC, bằng 151% lượng sản xuất trong nước, trong đó lượng thép nhập từ Trung Quốc chiếm 77%. Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng HRC nhập khẩu lên đến gần 6 triệu tấn, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2023 và bằng 173% lượng sản xuất trong nước.
Ngày 26/7/2024, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 1985/QĐBCT về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép HRC có xuất xứ từ Trung Quốc và Ấn Độ. Thời hạn ra quyết định áp thuế cuối cùng là 1 năm kể từ ngày có quyết định điều tra (26/7/2025). Trong trường hợp đặc biệt, thời gian này có thể được gia hạn nhưng tổng thời gian điều tra không quá 18 tháng.
Giới phân tích kỳ vọng, Việt Nam sẽ sớm ban hành quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá HRC vào cuối năm 2025, chậm nhất là quý I/2026. Đây cũng là thời điểm Nhà máy Dung Quất giai đoạn 2 của Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) có thể hoạt động với công suất tối đa.
Về giá thép, Công ty Chứng khoán Vietcombank đánh giá, trong ngắn hạn, giá thép tại EU và Mỹ có thể đã tạo đáy sau khi tăng cường các biện pháp bảo hộ cho ngành sản xuất nội địa, từ đó giảm sự ảnh hưởng của nguồn thép giá rẻ từ Trung Quốc. Thời gian tới, nhu cầu nhập khẩu thép tại EU và Mỹ dự kiến sẽ gia tăng, trong bối cảnh các thị trường này hạ lãi suất và kinh tế dần phục hồi.
Hòa Phát được nhận định có triển vọng tích cực trong dài hạn. Với việc hoàn thành đầu tư dự án Dung Quất giai đoạn 2, tập đoàn này sẽ nâng công suất sản xuất HRC lên 8,6 triệu tấn/năm vào cuối năm 2025, tăng thêm 5,6 triệu tấn/năm, nâng tổng công suất sản xuất thép lên 14 - 14,5 triệu tấn/năm.
Tương tự, Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG) có sản lượng tiêu thụ gia tăng khi các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ và EU hồi phục, xuất phát từ lạm phát đi xuống, kỳ vọng hạ lãi suất và thị trường bất động sản nội địa đang có những dấu hiệu khả quan hơn sau những biện pháp thúc đẩy tăng trưởng của Chính phủ.
Với Thép Nam Kim (mã NKG), doanh nghiệp này tập trung xuất khẩu vào thị trường châu Âu, thị trường được kỳ vọng có nhu cầu thép tăng trưởng cao nhất trong các thị trường xuất khẩu.
Nhìn chung, trong dài hạn, tôn, thép là nhóm có triển vọng tăng trưởng tích cực, dù trong quý III và quý IV/2024, lợi nhuận có thể thu hẹp bởi giá bán dự kiến giảm theo xu thế chung trên toàn cầu.
Hiệp hội Thép Việt Nam dự báo, ngành thép có triển vọng tăng trưởng 10% trong năm 2024 và khoảng 8% trong năm 2025. Tín hiệu phục hồi của ngành sẽ trở nên rõ rệt hơn khi thị trường bất động sản trong nước sôi động trở lại.