Kỳ vọng cơ chế quản lý năng động cho đặc khu

(ĐTCK) Với tên gọi được đổi thành Luật Đơn vị Hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, dự thảo mới nhất dự án Luật Đơn vị Hành chính – kinh tế đặc biệt (đặc khu) có nhiều điều chỉnh, bổ sung ngành nghề ưu tiên phát triển cũng như các chính sách ưu đãi rất đáng quan tâm.
Kỳ vọng cơ chế  quản lý năng động cho đặc khu

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, hiện có nhiều ý kiến khác nhau về các chính sách đặc biệt về ưu đãi đầu tư kinh doanh, bởi đây là vấn đề rất lớn, được dư luận xã hội và các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm.

“Có ý kiến đề nghị không quy định cụ thể các ngành nghề ưu tiên phát triển, mà chỉ quy định định hướng, thế mạnh của từng đặc khu. Một số ý kiến khác lại đề nghị cần tránh sự dàn trải, trùng lặp về ngành nghề ưu tiên phát triển giữa các đặc khu, ví dụ ngành dịch vụ du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino. Trong khi đó, đối với từng đặc khu, có đại biểu đề nghị sửa đổi hoặc bổ sung mới một số ngành nghề ưu tiên phát triển”, ông Lưu cho biết.

Liên quan đến quy định về nhà đầu tư chiến lược, dự thảo Luật Đơn vị Hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc bổ sung các tiêu chí về năng lực tài chính, quản trị, có cam kết ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới, hiện đại, thân thiện với môi trường, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, gắn bó lợi ích lâu dài với đặc khu.    

Với các luồng quan điểm khác nhau này, tại dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật để lấy ý kiến tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách mới đây, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan rà soát và chỉnh lý theo hướng phù hợp với đặc thù và ưu thế của từng đặc khu. Theo đó, đối với đặc khu Vân Đồn, bổ sung ngành nghề dịch vụ tài chính quốc tế và logistics.

Đối với đặc khu Bắc Vân Phong, bổ sung ngành nghề sản xuất sản phẩm phục vụ quan trắc, giám sát biển, hải dương; chuyển giao ứng dụng khoa học, công nghệ trong lĩnh vực hàng hải, sinh học và sinh thái biển, cơ học và công trình biển. Đối với đặc khu Phú Quốc, bổ sung ngành nghề nghiên cứu, phát triển và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; đồng thời chỉnh lý về kỹ thuật thể hiện trong các phụ lục để bảo đảm chặt chẽ, hiểu thống nhất.

Với việc bổ sung này, cùng danh mục ngành nghề ưu tiên chung đối với cả ba đặc khu gồm các ngành kinh doanh du lịch, khách sạn, thương mại, hội nghị triển lãm, quản lý tài sản, y tế, giáo dục và nghiên cứu phát triển, mỗi đặc khu đều có những danh mục ngành nghề ưu tiên phát triển riêng phù hợp với đặc thù và lợi thế riêng. 

Với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại các đặc khu, một số quan điểm đề nghị cần cắt giảm mạnh mẽ hơn các ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện, trong khi có ý kiến băn khoăn đề nghị giữ lại thêm một số ngành nghề.

Linh hoạt hơn, nhiều ý kiến đề xuất không nên quy định “cứng” về danh mục này trong Luật, mà chỉ nên quy định mang tính định hướng hoặc có quy định “mở” để có tính ổn định lâu dài, đồng thời, bảo đảm linh hoạt, phù hợp với thực tiễn phát triển của các đặc khu.

Tiếp thu các đề xuất này, sau khi rà soát chỉnh lý và thống nhất, dự thảo luật mới đã đưa ra danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, bao gồm 131 ngành nghề, tăng 23 ngành nghề so với dự thảo Luật đã được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 với 108 ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Tuy nhiên, dự thảo vẫn để mở một cách linh hoạt nhằm tạo cơ chế năng động, sáng tạo, linh hoạt trong quản lý, điều hành hoạt động kinh tế - xã hội và thử nghiệm chính sách tại từng đặc khu.

Theo cơ chế này, căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội và yêu cầu quản lý nhà nước tại từng đặc khu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân đặc khu rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định không áp dụng một hoặc một số ngành nghề thuộc danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại khu chức năng thuộc đặc khu; sửa đổi, bãi bỏ một hoặc một số điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng tại đặc khu hoặc khu chức năng thuộc đặc khu.

Cơ chế mở cũng được áp dụng đối với việc xem xét bổ sung ngành nghề ưu tiên phát triển tại các đặc khu. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định điều chỉnh ngành nghề ưu tiên phát triển đối với từng đặc khu và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong trường hợp xuất hiện các yếu tố đột phá có khả năng tác động tới định hướng phát triển của đặc khu.

Bên cạnh đó, dự thảo mới cũng có nhiều chỉnh lý trong các quy định về thủ tục đầu tư kinh doanh, bảo đảm thu hút đầu tư bằng cơ chế trên cơ sở cải cách, thay thế thủ tục quyết định chủ trương đầu tư đối với hầu hết dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách bằng việc xem xét, đánh giá và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Đồng thời, phân quyền việc xem xét, quyết định dự án đầu tư cho chính quyền đặc khu; cải cách tối đa thủ tục hành chính, đơn giản, thuận tiện hơn so với pháp luật đầu tư hiện hành; tăng tính công khai, minh bạch nhằm tạo thuận lợi cho nhà đầu tư trong tiếp cận và thực hiện các thủ tục đầu tư.        

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục