Các chuyên gia thuộc Sở Khoa học và Môi trường Queensland (Úc) mới đây đã công bố những thước phim được quay bằng flycam (máy bay không người lái) về quá trình di chuyển về nơi làm tổ của loài rùa biển xanh.
Theo như nghiên cứu của các nhà khoa học, loài rùa biển xanh có tập tính sinh sản bắt đầu từ cuối tháng 10 và kéo dài đến tháng 2 năm sau. Bởi vậy, cứ đến khoảng thời gian này trong năm, rùa biển xanh trên khắp nước Úc cũng như nhiều nơi khác như Papua New Guinea, Indonesia và Vanuatu... sẽ di chuyển đến rạn san hô Great Barrier ở đảo Raine để làm tổ.
Nằm cách khoảng 620 km về phía Tây Bắc thành phố Cairns, tiểu bang Queensland, nước Úc, đảo Raine được biết đến như là địa điểm sinh sản lớn nhất của loài rùa biển xanh trên thế giới.
Trước đây, để tính toán số lượng rùa biển kéo về đây sinh nở, các nhà khoa học sẽ phải sử dụng những cách như ngồi trên thuyền đếm từng con đang bơi đến một và đánh dấu trắng trên lưng những con ở trên bờ. Sau đó, tổng hợp lại dữ liệu để xác định số lượng rùa biển xanh xuất hiện trong khu vực.
Tuy nhiên, đây là cách thủ công tốn rất nhiều thời gian và công sức. Sự ra đời của flycam đã khiến công việc tổng hợp thay đổi.
"Sử dụng máy bay không người lái khiến công việc trở nên dễ dàng, an toàn và chính xách hơn rất nhiều. Dữ liệu sẽ được xử lý ngay lập tức và được đem đi lưu trữ vĩnh viễn", Andrew Dunstan - phát ngôn viên của Sở Khoa học và Môi trường Queensland cho biết.
Nhờ áp dụng công nghệ mới, các nhà khoa học đã tính toán được số lượng rùa biển xanh di chuyển đến đảo Raine năm nay là hơn 60.000 con.
Rùa biển xanh là loài rùa ăn cỏ là chủ yếu. Các con trưởng thành sẽ ăn thực vật biển, còn các con non thường ăn tạp hơn từ sứa, giun, ốc đến cả động vật hai mảnh vỏ. Chúng được liệt kê vào danh sách có nguy cơ tuyệt chủng. Lý do bởi môi trường bị phá hoại và con người đánh bắt tiêu thụ thịt và trứng.
Do đó, việc nghiên cứu quá trình sinh sản của chúng là vô cùng quan trọng để các nhà khoa học tìm ra những phương pháp bảo vệ giống loài này.