Cũng dễ hiểu vì nó là một ấn phẩm trong nhóm ấn phẩm của Báo Ðầu tư, với cơ quan chủ quản là Bộ Kế hoạch và Ðầu tư.
Ngày ấy, VIR, Ðầu tư đã là những tờ báo có uy tín viết về kinh tế, kinh doanh ở Việt Nam, thu hút được đông đảo bạn đọc trong nước và giới doanh nhân nước ngoài.
Vì là số báo đầu tiên nên tôi đọc kỹ lắm và thấy phấn khởi, vì đây là dấu hiệu cho thấy thị trường chứng khoán chắc chắn sắp đi vào hoạt động.
Dạo đó, những người biết về thị trường chứng khoán còn rất ít, khi tôi nói làm ở Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP.HCM (tiền thân của HOSE) thì mọi người ngơ ngác, hỏi đi hỏi lại mấy lần.
Có người còn nói chọn nghề chi mà xa xôi thế, chắc 20 năm nữa mới phát triển. Có người gởi đồ cho tôi còn ghi “Ủy ban trứng khoáng”...
Nói thế để các bạn hiểu là truyền thông có vai trò quan trọng như thế nào, việc Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cho ra đời ấn phẩm về chứng khoán cho thấy Chính phủ đã rất quyết tâm mở cửa thị trường.
Nghĩ vậy nên tôi bàn với mấy anh em trong Phòng Quản lý thành viên (quản lý các công ty chứng khoán là thành viên của Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP.HCM, nay là Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM) là mình góp một tay vô viết bài cho Báo.
Việc này vừa giúp công chúng hiểu được thị trường chứng khoán, vừa là dịp để anh em trau dồi thêm nghiệp vụ, khả năng viết lách và có thêm thu nhập…
Mấy anh em gồm Tô Ðình Khôi, Hoàng Tuấn Cường, Dương Quang Phú, Nguyễn Hữu Tuấn, Võ Hoài Anh và tôi tới gặp anh Chính, Trưởng đại diện Báo Ðầu tư Chứng khoán tại TP.HCM bàn việc phối hợp.
Ở đây, chúng tôi cũng gặp anh Nguyễn Hồng, hồi đó đang là phóng viên Báo Ðầu tư. Buổi gặp rất vui do tất cả anh em cùng chí hướng và anh Chính là người có kinh nghiệm làm báo với vốn tiếng Anh rất tốt.
Ði về, nhóm chúng tôi phân công nhau, người viết bài giới thiệu chứng khoán là gì, thị trường chứng khoán abc vận hành ra sao.
Người lại giới thiệu về hoạt động của công ty chứng khoán, môi giới rồi quỹ đầu tư hoạt động ra sao, cho đến nhà đầu tư cần biết những gì, làm gì để bảo vệ mình, đọc bảng điện, ký hiệu rồi báo cáo tài chính, chỉ số…
Nguồn tài liệu thì sẵn, nhưng cái khó là phải chuyển nó thành ngôn ngữ báo chí sao cho không sai mà vẫn đơn giản, dễ hiểu và thu hút được người đọc.
Có những bài được đăng liền, có những bài trễ. Có bài phải sửa nhiều, có bài được yêu cầu viết dài ra, viết thêm, hoặc bị cắt ngắn lại.
Sau một thời gian ngắn, anh em quen tay viết đều đều thì thị trường đi vào hoạt động, thế là lại thêm mục diễn biến thị trường như kiểu tường thuật bóng đá, phân tích thị trường.
Nghiêm túc mãi thì cũng khô khan, nên chúng tôi tìm thêm những mục liên quan như đố ô chữ, kinh nghiệm đầu tư, thành ngữ đầu tư từ báo chí nước ngoài bổ sung cho phong phú…
Có những bài khi mới viết chỉ là thuần dịch thuật như viết về hoạt động của công ty chứng khoán, rồi kỳ qua kỳ, khi mình viết tới nghiệp vụ nào, phòng ban nào lại phải tìm thêm tài liệu để đọc hay hỏi các bạn làm trực tiếp ở công ty chứng khoán để viết cho đúng.
Hay những mục giới thiệu cách tính chỉ số P/E, EPS… thì khi báo cáo tài chính của công ty ra, lại phải tính toán, so sánh xem tính vậy so với các nguồn khác như công ty chứng khoán, quỹ đầu tư có sai lệch gì không và vì sao lại có sai lệch. Trông vậy chứ tỉ mẩn, tốn thời gian, mà khi viết ra cũng có được một đoạn ngắn.
Có những kiến thức ngỡ như chuẩn mực, xương sống khi học, nhưng khi thị trường đi vào hoạt động thì gặp những thử thách như lý thuyết thị trường hiệu quả.
Lý thuyết thì cho rằng, thông tin phản ánh vào giá và con người suy tính một cách hợp lý. Nhưng cuộc sống thì lại đa dạng, thế là lại lần mò tìm hiểu, giới thiệu về tâm lý hành vi trên thị trường.
Hay có những thuật ngữ được dịch từ tiếng Anh qua, cả nhóm chưa thống nhất được nên cãi nhau chí chóe. Rồi khi bài ra, nhiều người phản hồi từ đó chưa đúng, từ này không chuẩn, hay sai ngữ nghĩa…
Giờ thỉnh thoảng ngồi lại với nhau, người thì vẫn làm ở trong ngành chứng khoán và liên quan như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty kiểm toán, người lại ra ngoài mở doanh nghiệp, người ở nước ngoài…, chúng tôi đều nhắc lại thời làm cộng tác viên cho Báo Ðầu tư Chứng khoán như một kỷ niệm đẹp của một thời trong trẻo, nhiệt huyết, muốn chung tay góp sức cho thị trường chứng khoán.
Khi chưa hoạt động thì tuyên truyền giới thiệu kiến thức cơ bản, khi thị trường hoạt động thì hỗ trợ thông tin truyền tải được nhanh chóng chính xác.
Khi có điều gì khúc mắc sai lệch với thực tế thì tìm tòi, giới thiệu kinh nghiệm của nước ngoài...
Những kỷ niệm cũng không kém phần lãng mạn, vì mọi người trong nhóm khi ấy còn chưa lập gia đình đều lấy tên người yêu, người trong mộng ra làm bút danh. Giờ mà vợ hoặc chồng soi lại quãng đấy thì khối anh tái mặt.
Cũng vì lý do đó mà người đọc cho tới giờ cũng hầu như không biết sự cộng tác chặt chẽ, nhiệt tình của nhóm thành viên của Phòng Quản lý thành viên, Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP.HCM với Ðầu tư Chứng khoán vào những ngày tờ báo mới ra đời.