Kỹ thuật số: Chìa khóa phục hồi trong đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đại dịch Covid-19 đã thể hiện sức mạnh của công nghệ kỹ thuật số. Chúng ta cần phải khai thác sức mạnh này để phục hồi tăng trưởng bao trùm.
Cả xã hội hạn chế tiếp xúc khiến thanh toán không dùng tiền mặt lên ngôi Cả xã hội hạn chế tiếp xúc khiến thanh toán không dùng tiền mặt lên ngôi

Thị trường cung ứng dịch vụ liên tục đổi mới

Đại dịch Covid-19 nhanh chóng làm suy yếu nhiều thành tựu phát triển trên toàn cầu và làm chậm lại tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, đại dịch đã thúc đẩy việc sử dụng những tiến bộ của công nghệ kỹ thuật số, qua đó mang lại lợi ích lớn cho xã hội.

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam

Chẳng hạn, thị trường cung ứng dịch vụ, đặt hàng đi kèm với dịch vụ thanh toán, hậu cần và giao hàng liên tục có sự đổi mới nhờ công nghệ kỹ thuật số.

Thực tế, với việc cách ly và hạn chế di chuyển nhằm giảm thiểu sự lây lan của Covid-19, công nghệ kỹ thuật số và các ứng dụng mới đã thúc đẩy sự thay đổi trong nhiều hoạt động hàng ngày của người dân. Rất nhiều người tiêu dùng chuyển sang các nền tảng kỹ thuật số để đáp ứng nhu cầu về mua sắm, giáo dục, thanh toán các khoản chi tiêu và làm việc tại nhà.

Theo đó, các nền tảng thanh toán kỹ thuật số đã giảm bớt quá trình chuyển đổi từ giao dịch trực tiếp sang trực tuyến. Nhờ các nền tảng này, các doanh nghiệp nhỏ tiếp cận với thị trường rộng lớn hơn thông qua bán hàng trên mạng…

Fintech mở rộng vai trò

Công nghệ tài chính (Fintech) - sự kết hợp giữa tài chính và công nghệ, ngay từ trước đại dịch Covid-19 đã nổi lên như một mô hình mới cho sự đổi mới tài chính và vai trò không chỉ được nâng cao mà còn mở rộng khi đại dịch xảy ra.

Fintech bao gồm các công nghệ bổ sung như mạng di động, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI) và phân tích dữ liệu, đã định hình một loạt hoạt động trong ngành tài chính - ngân hàng.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là một trong những đối tác hỗ trợ phát triển tài chính vi mô, sau đó tiến tới tài chính toàn diện ở Việt Nam từ những năm 2000. Những năm gần đây, ADB đã hợp tác với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để thúc đẩy hệ sinh thái Fintech thông qua nâng cao nhận thức, cải thiện năng lực, chia sẻ các thực tiễn tốt nhất và đẩy mạnh chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm giữa các nhà quản lý trong khu vực ASEAN và quốc tế.

Từ cuối năm 2017, ADB, Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại và các đối tác doanh nghiệp khác đã phát động Chương trình thử thách Fintech Việt Nam để thúc đẩy sự hợp tác giữa các ngân hàng và công ty Fintech, khuyến khích áp dụng các giải pháp Fintech nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện.

Trên thế giới, Fintech đã để lại những dấu ấn trong các dịch vụ tài chính, bao gồm tài chính vi mô, blockchain, tài chính cá nhân, ngân hàng kỹ thuật số, bảo hiểm, quản lý tài sản, thị trường vốn, chuyển tiền, thanh toán… Theo một nghiên cứu gần đây của ADB, các giải pháp tài chính kỹ thuật số có thể giải quyết khoảng 40% nhu cầu chưa được đáp ứng về dịch vụ thanh toán và khoảng 20% yêu cầu tín dụng của các hộ nghèo và doanh nghiệp nhỏ và vừa ở châu Á.

Kỹ thuật số phát triển, nhưng đang có khoảng cách lớn với các nhóm yếu thế và dễ bị tổn thương về mặt xã hội.

Ở Việt Nam, Fintech đã hỗ trợ mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính của các hộ gia đình chưa được ngân hàng phục vụ và các doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua ghi nợ, cũng như tín dụng từ doanh nghiệp đến người tiêu dùng và doanh nghiệp với doanh nghiệp. Fintech không chỉ cải thiện sự đa dạng và hiệu quả của các dịch vụ tài chính - ngân hàng, mà còn thúc đẩy tài chính toàn diện, vì Fintech cho phép đưa các dịch vụ ngân hàng đến các vùng sâu, vùng xa, nơi không thể hoặc quá tốn kém để có các dịch vụ ngân hàng truyền thống.

Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã tạo ra cơ hội để mở rộng hơn nữa vai trò của Fintech trong việc đẩy mạnh tài chính toàn diện ở các nền kinh tế đang phát triển. Bằng cách mở rộng dịch vụ tài chính cho các nhóm dễ bị tổn thương, Fintech ngoài đóng góp vào tăng trưởng đồng đều, còn hỗ trợ cho khả năng phục hồi kinh tế của người nghèo và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các công ty Fintech cung cấp nền tảng bảo lãnh và khởi tạo khoản vay mới, cho phép các ngân hàng và đơn vị cho vay cung cấp tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ.

Trong đại dịch, Fintech có thể coi như một nhân tố giúp đảm bảo sự phục hồi bền vững và toàn diện. Chúng ta có thể khai thác Fintech tốt hơn nữa để giữ cho người nghèo và các doanh nghiệp vừa và nhỏ kết nối với hệ thống tài chính - ngân hàng ngay cả khi đối mặt với khủng hoảng. Đặc biệt, Fintech có thể mở ra kết nối một cách có hiệu quả giữa các nguồn tài chính mới với các nhóm dễ bị tổn thương vốn chưa được các ngân hàng và các tổ chức tài chính truyền thống khác phục vụ.

Một số giải pháp hiện thực hóa các tiềm năng fintech

Trong tương lai gần, có một số giải pháp mà Nhà nước và khu vực tư nhân có thể cùng nhau thực hiện để hiện thực hóa các tiềm năng Fintech, giúp cộng đồng phục hồi tốt hơn sau đại dịch.

Trước hết, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và kết nối bằng cách mở rộng phạm vi phủ sóng điện thoại di dộng và truy cập Internet băng thông rộng, đồng thời cải thiện việc cung cấp các dịch vụ di động và băng thông rộng với giá cả phải chăng. Hành động này đảm bảo sự tiếp cận công bằng với cơ sở hạ tầng kỹ thuật số đối với các đối tượng như người nghèo, phụ nữ, người già và cộng đồng các dân tộc ít người ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, qua đó tận dụng những ứng dụng của Fintech để thúc đẩy sự phát triển bao trùm.

Thứ hai, phát triển hệ sinh thái kỹ thuật số hiệu quả để hỗ trợ việc tạo ra, lan tỏa và mở rộng quy mô của công nghệ nói chung và công nghệ kỹ thuật số nói riêng, cũng như đổi mới sáng tạo. Mặc dù phần lớn sự đổi mới sáng tạo được thúc đẩy ở khu vực tư nhân, nhưng chính sách công luôn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra môi trường thuận lợi, cũng như các mối liên kết hiệu quả giữa các công ty tài chính và công nghệ. Khung chính sách nhất quán và toàn diện không những giúp phát triển hệ sinh thái số, mà còn đảm bảo sự cạnh tranh công bằng, tháo gỡ những rào cản, bảo vệ người tiêu dùng và thúc đẩy quyền riêng tư, bảo mật dữ liệu.

Thứ ba, tại nhiều quốc gia đang phát triển ở châu Á, việc thiếu nhận dạng kỹ thuật số thường chặn quyền truy cập vào các dịch vụ kỹ thuật số. Vấn đề đặt ra là phải phối hợp liên ngành để phát triển và khai thác các hệ thống nhận dạng kỹ thuật số, xác minh danh tính một cách hiệu quả an toàn và bền vững.

Tại Việt Nam, Bộ Công an đang tích cực triển khai cấp thẻ căn cước công dân có gắn chip với mục tiêu đến ngày 1/7/2021 sẽ hoàn tất việc cấp 50 triệu thẻ, ưu tiên cho 10 tỉnh, thành phố là những địa phương tập trung đông dân cư, lượng giao dịch lớn, nhiều khu công nghiệp và chiếm nửa dân số cả nước.

Trong thời gian tới, hy vọng Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan hữu quan sẽ phối hợp chặt chẽ, đưa ra những quy định cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi để các ngân hàng và công ty Fintech có thể khai thác dữ liệu của hệ thống quản lý dân cư cho việc cấp quyền truy cập để sử dụng các dịch vụ kỹ thuật số. Chính sách quản lý phải đạt được sự cân bằng giữa việc cho phép các đổi mới Fintech mang lại lợi ích cho người nghèo và các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời giám sát và quản lý các rủi ro liên quan đến đổi mới sáng tạo.

Cuối cùng, với tốc độ đổi mới trong lĩnh vực Fintech và sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào các giải pháp tài chính kỹ thuật số, thách thức về an ninh mạng, các lỗ hổng kỹ thuật, nguy cơ thúc đẩy các hoạt động gian lận và tội phạm, các vấn đề về quản trị dữ liệu và bảo vệ quyền riêng tư tăng lên. Các tổ chức tài chính cần một cách tiếp cận toàn diện để củng cố khả năng đảm bảo an ninh mạng. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cũng phải được tăng cường năng lực để thích ứng với bối cảnh kỹ thuật số toàn cầu ngày càng phát triển mạnh mẽ. Không gian mạng không có biên giới nên hợp tác quốc tế là điều kiện cần thiết để tăng cường an ninh mạng.

Chính phủ, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước cần hỗ trợ các sáng kiến của các công ty Fintech nhằm phát triển và ứng dụng các giải pháp Fintech mới thông qua các chính sách và quy định phù hợp để doanh nghiệp phát triển các mô hình kinh doanh khả thi, giảm chi phí và đáp ứng nhu cầu đầu tư. Chúng ta cần phải khai thác sức mạnh này để phục hồi tăng trưởng bao trùm, giúp các cộng đồng dân cư, đặc biệt là ở vùng nông thôn nghèo và vùng sâu, vùng xa có thể vượt qua cuộc khủng hoảng này, để không ai bị bỏ lại phía sau.

Andrew Jeffries
Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2021

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục