Anh chính thức rời EU (Brexit) vào tháng 1/2020 sau 47 năm gắn bó với liên minh này, khi giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit kết thúc lúc 11 giờ đêm 31/12 (giờ địa phương).
Hai bên đã đi được một chặng đường khá dài kể từ mùa hè năm 2016 sau cuộc trưng cầu dân ý về Brexit với kết quả gần 52% cử tri Anh bỏ phiếu rời EU và 48% còn lại bỏ phiếu ở lại. Cuộc trưng cầu dân ý này diễn ra trong bối cảnh châu Âu chứng kiến cuộc khủng hoảng nhập cư. Kết quả này cũng phản ánh sự chia rẽ sâu sắc ở Anh về những gì được cho là lợi thế và bất lợi từ việc gia nhập EU.
Đối với những cử tri phản đối Brexit, EU vẫn thể hiện cho sự chiến thắng của châu Âu về sự thống nhất, hòa bình và hợp tác sau sự tàn phá của Thế chiến thứ Hai. Tư cách thành viên EU cho phép công dân Anh tự do sinh sống, học tập, và di chuyển ở các nước thành viên EU.
Còn với những người ủng hộ Brexit, việc rời EU tạo cơ hội để Anh giành lại quyền lực và ra các quyết định lớn của riêng mình, thậm chí ảnh hưởng vận mệnh của mình. Cuộc bỏ phiếu rời EU đã kết thúc nhiều năm nghi ngờ về hướng đi của EU, khiến những chính trị gia theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu vui mừng, chủ yếu những người trong Đảng Bảo thủ cầm quyền và bộ phận báo chí Anh.
Đối với người ủng hộ Brexit khi đó, Brexit chính là cơ hội để "giành lại quyền kiểm soát" (một khẩu hiệu đã được sử dụng rộng rãi trong chiến dịch vận động Brexit) và cũng là cơ hội để Anh tự mình đề ra các quy tắc riêng so với Brussels.
Tuy nhiên, việc Anh rời khỏi liên minh kinh tế và chính trị EU là cuộc ly hôn đầy khó khăn sau gần nửa thế kỷ gắn bó. Thủ tướng Anh David Cameron lúc đó đã từ chức một ngày sau khi có kết quả trưng cầu dân ý về Brexit. Sau đó, Thủ tướng Theresa May cũng từ chức vào giữa năm 2019 trong nỗ lực không mấy bài bản để thúc Quốc hội Anh thông qua thỏa thuận Brexit.
Ông Boris Johnson, người kế nhiệm bà Theresa May từ tháng 5/2019, sau đó giành được sự ủng hộ đa số trong cuộc bầu cử vào cuối năm 2019. Thủ tướng Anh Boris Johnson đã cam kết thực hiện kết quả trưng cầu dân ý một cách dứt khoát (mặc dù điều này không định đoạt mối quan hệ tương lai giữa Anh và EU về sau ra sao) và đạt được thỏa thuận thương mại hậu Brexit với EU.
Những người ủng hộ Brexit như ông Johnson đã cam kết sẽ đạt được thỏa thuận thương mại hậu Brexit một cách dễ dàng. Và năm 2020 cho thấy nỗ lực lớn của Anh để đạt được thỏa thuận thương mại với EU, đồng thời tuân thủ các quy tắc của EU và là thành viên của thị trường thống nhất và liên minh thuế quan EU trong quá trình chuyển tiếp kéo dài đến hết năm 2020.
Các cuộc đàm phán thương mại giữa Anh và EU do David Frost và Michel Barnier của hai bên làm trưởng đoàn, đã trở thành vấn đề thời sự của năm 2020. Những bất đồng mấu chốt giữa hai bên xoay quanh ba vấn đề chính, bao gồm: đảm bảo cạnh tranh bình đẳng, cách thực thi và quản lý thực hiện thỏa thuận thương mại, và quyền khai thác thủy sản.
Khi thỏa thuận thương mại Anh - EU vẫn còn khoảng cách xa mới đạt được, lãnh đạo các doanh nghiệp ở Anh và EU lo ngại sâu sắc về những hỗn loạn có thể xảy ra nếu hai bên không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào xảy ra. Nhiều quy tắc điều chỉnh thương mại giữa Anh và EU đã bị loại bỏ chỉ một đêm sau đàm phán, đưa đến một kịch bản thỏa thuận thương mại nghẹt thở đến thời điểm sắp kết thúc giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit.
Thế nhưng, nhóm đàm phán của hai bên đã đạt được thỏa thuận thương mại vào đêm Giáng sinh, một thỏa thuận mà chính phủ Anh mô tả ngắn gọn là "thỏa thuận không hạn ngạch, không thuế quan".
Ca ngợi thỏa thuận này, Thủ tướng Anh Johnson nói rằng "các cuộc tranh luận với các đối tác châu Âu đôi khi rất gay gắt nhưng tôi tin rằng đây là một thỏa thuận tốt cho toàn bộ châu Âu". Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen gọi thỏa thuận này là "công bằng" và "cân bằng", đồng thời khẳng định châu Âu sẽ tiếp tục hợp tác với Vương quốc Anh - "đối tác đáng tin cậy".
Các đại sứ của 27 quốc gia EU đã chính thức thông qua thỏa thuận thương mại Anh - EU hôm 30/12, trong khi thỏa thuận này cũng đã được đa số các nhà lập pháp Vương quốc Anh ủng hộ. Nghị viện châu Âu sẽ bỏ phiếu về thỏa thuận này vào tháng 1/2020.
Giờ đây, các điều kiện thương mại mới giữa Anh và EU đã có hiệu lực và doanh nghiệp hai bên hiểu rằng sẽ có sự gián đoạn, thay đổi, cũng như thêm các giấy tờ thủ tục liên quan đến thỏa thuận này.
Kết quả các cuộc thăm dò gần đây cho thấy người Anh vẫn bị chia rẽ rằng liệu Brexit có phải là quyết định đúng đắn hay không. Theo hãng tin BBC, một số cuộc thăm dò dư luận trong những tháng gần đây cho thấy 53% người Anh sẽ bỏ phiếu ở lại EU và 47% ủng hộ nếu họ được trưng cầu dân ý lại.
Điều này làm dấy lên một viễn cảnh mờ mịt và có lẽ xa vời rằng một ngày nào đó, Anh có thể tái gia nhập EU. Thủ tướng Anh Johnson tuần trước cho biết Anh sẽ vẫn "gắn bó về mặt văn hóa, tình cảm, lịch sử, chiến lược và địa lý với châu Âu" và sẽ vẫn là một đồng minh trung thành của các nước láng giềng.
Việc thỏa thuận thương mại với EU được Quốc hội Anh thông qua hôm 30/12 đã hồi kết của bốn năm bất ổn do tiến hành "ly hôn" Brexit và bắt đầu một mối quan hệ mới giữa Anh và EU. Thủ tướng Johnson cho rằng: “Vận mệnh của đất nước vĩ đại này hiện nằm trong tay chúng ta”.
"11 giờ tối 31/12 đánh dấu một sự khởi đầu mới trong lịch sử của đất nước và mối quan hệ mới với EU với tư cách là đồng minh lớn nhất của liên minh này. Khoảnh khắc này cuối cùng đã đến với chúng tôi và giờ là lúc để nắm bắt nó", Thủ tướng Anh nhấn mạnh.