Kỹ năng rà soát và điều chỉnh điều lệ công ty

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Điều lệ được coi là bản Hiến pháp của mỗi công ty trong quản trị doanh nghiệp, quy định về nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của các cơ quan quản lý, người quản lý.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Khi mới thành lập doanh nghiệp, đa số các cổ đông, thành viên sáng lập thường lựa chọn những bản Điều lệ mẫu quy định giống như Luật Doanh nghiệp hoặc Điều lệ mẫu được ban hành kèm theo các văn bản pháp luật chuyên ngành. Tuy nhiên, qua thời gian vận hành doanh nghiệp và giao kết kinh doanh với nhiều đối tác, họ mới nhận ra tầm quan trọng của Điều lệ trong điều tiết hoạt động của doanh nghiệp và có nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý rà để soát toàn bộ, điều chỉnh lại Điều lệ.

Điều lệ phải phù hợp với Luật Doanh nghiệp và văn bản pháp luật chuyên ngành

Nền tảng và những nội dung cơ bản của Điều lệ đều xoay quanh đạo luật cơ bản là Luật Doanh nghiệp 2020. Đạo luật này được bố cục thành nhiều chương khác nhau, có thể phân thành hai nhóm chính: một là, những chương quy định chung áp dụng cho mọi loại hình doanh nghiệp, chẳng hạn Chương I về “Những quy định chung”, Chương II về “Thành lập doanh nghiệp”, Chương 3 về “Tổ chức lại, giải thể và phá sản”; hai là, các chương quy định riêng biệt về từng loại hình doanh nghiệp, chẳng hạn như Chương III về “Công ty trách nhiệm hữu hạn”, Chương V về “Công ty cổ phần”, Chương VI về “Công ty hợp danh”.

Điều lệ khi được xây dựng, rà soát trước hết phải phù hợp với các chương quy định chung, đồng thời tuỳ loại hình doanh nghiệp được tổ chức theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần hay công ty hợp danh, sẽ phải tuân theo các chương quy định cụ thể về loại hình doanh nghiệp đó.

Bên cạnh Luật Doanh nghiệp 2020, hoạt động của công ty còn chịu sự điều chỉnh của các văn bản pháp luật chuyên ngành. Chẳng hạn công ty chứng khoán phải tuân theo Luật Chứng khoán, Thông tư 121/2020/TT-BTC quy định về hoạt động của công ty chứng khoán; công ty đại chúng phải tuân theo quy định về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng tại Chương VIII của Nghị định 155/2020/NĐ-CP. Các văn bản này đều quy định những vấn đề quan trọng liên quan đến quyền hạn, trách nhiệm của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị,…

Vì vậy, khi xây dựng Điều lệ liên quan đến các cơ quan này, người chắp bút soạn thảo, điều chỉnh Điều lệ cần phải lưu ý kết hợp cả những quy định của Luật Doanh nghiệp và các văn bản pháp luật chuyên ngành.

Lưu ý những vấn đề Điều lệ được quy định khác đi

Một vấn đề khác không kém phần quan trọng khi rà soát, điều chỉnh Điều lệ là phải có sự phân biệt rạch ròi giữa (i) các quy định, vấn đề Luật Doanh nghiệp đã đóng khung, doanh nghiệp bắt buộc phải tuân theo, và (ii) những vấn đề Luật Doanh nghiệp cho phép Điều lệ được quy định, điều chỉnh khác đi.

Đây là điểm thể hiện được giá trị và kỹ năng của người chịu trách nhiệm rà soát, điều chỉnh Điều lệ. Họ cần phải thống kê và trình bày cho những người quản lý doanh nghiệp những vấn đề Điều lệ được quyền quy định khác đi, kèm theo những tư vấn cụ thể chi tiết về mức độ ảnh hưởng của điều khoản đó, và hướng quy định mà các doanh nghiệp có xu hướng lựa chọn hoặc nên lựa chọn. Từ đó, những người quản lý sẽ có cơ sở đối chiếu, so sánh với tình hình, đặc điểm quản trị doanh nghiệp của mình để đưa ra lựa chọn có cần phải quy định khác đi so với Luật Doanh nghiệp hay không và con số, tỷ lệ, hướng quy định cụ thể họ lựa chọn là gì.

Với tinh thần trao quyền chủ động, sáng tạo cho doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp 2020 hiện có rất nhiều điều khoản cho phép Điều lệ quy định khác đi. Ví dụ như: Hình thức thông qua nghị quyết Đại hội đồng cổ đông (khoản 2 Điều 147); việc biểu quyết bầu thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát (khoản 3 Điều 148); tiêu chuẩn, điều kiện của thành viên Hội đồng quản trị (điểm b khoản 1 Điều 155); tiền lương, thù lao, thưởng và lợi ích khác của thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc (khoản 2 Điều 163).

Ví dụ về hình thức thông qua nghị quyết Đại hội đồng cổ đông. Đại hội đông thông qua nghị quyết bằng hai hình thức là biểu quyết tại cuộc họp và lấy ý kiến bằng văn bản. Nếu Điều lệ không có quy định khác, thì đối với những vấn đề được quy định tại khoản 2 Điều 147 Luật Doanh nghiệp 2020 như sửa đổi, bổ sung Điều lệ; bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát bắt buộc phải thông qua bằng hình thức biểu quyết tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, không được phép lấy ý kiến bằng văn bản.

Điều này sẽ dẫn đến bất cập, khó khăn cho doanh nghiệp trong những giai đoạn dịch bệnh nguy hiểm cần hạn chế các cuộc họp đông người và doanh nghiệp cũng chưa quen với hình thức họp trực tuyến. Vì vậy, phương án thường được cân nhắc lựa chọn trong trường hợp này là Điều lệ cần phải quy định rõ Công ty sẽ có quyền lấy ý kiến bằng văn bản đối với tất cả các vấn đề thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông; hoặc trao quyền cụ thể cho Hội đồng quản trị được quyền quyết định có tổ chức lấy ý kiến bằng văn bản đối với những vấn đề được quy định tại khoản 2 Điều 147 Luật Doanh nghiệp 2020 hay không.

Một bản Điều lệ hoàn thiện không phải chỉ là bản Điều lệ quy định đúng những vấn đề pháp luật quy định, mà còn phải vận dụng được những điều khoản mở dành cho Điều lệ được quyền quyết định, được quy định khác đi để phù hợp với thực tiễn hoạt động và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình vận hành kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, khi xây dựng, rà soát, điều chỉnh Điều lệ, người phụ trách cần nắm rõ những vấn đề này để có sự trao đổi và tư vấn phù hợp cho các chủ sở hữu, người quản lý doanh nghiệp.

(Bài viết này chỉ thể hiện những ý kiến và quan điểm của cá nhân tác giả và không có mục đích nhằm thể hiện ý kiến, quan điểm của bất kỳ cơ quan, tổ chức nào).

Luật sư Tô Hồng Dung – Công ty Luật BASICO

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục